Đo lường nhận thức của giáo viên để đảm bảo sự bền vững trong phát triển giáo dục STEM

Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo viên như nền tảng cho sự cải thiện giáo dục. Thực tiễn giảng dạy của giáo viên bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhận thức của họ. Mục đích của nghiên cứu này là xác định nhận thức của giáo viên để duy trì sự phát triển của giáo dục STEM, liên quan đến bản thân giáo dục STEM, năng lực STEM và những khó khăn trong việc triển khai STEM.

Học sinh Việt Nam nổi tiếng với thành tích cao trong kỳ thi khoa học của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA). Theo kết quả PISA năm 2015 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, thành tích khoa học của học sinh Việt Nam xếp thứ 8 trong số 72 quốc gia. Tuy nhiên, học sinh Việt Nam ít mong muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học, kỹ sư và công nghệ. Trong khi quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi nguồn nhân lực trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) thì việc nâng cao sự thích thú của học sinh để cống hiến cho sự nghiệp liên quan đến khoa học là một vấn đề thiết yếu đối với các mục tiêu phát triển bền vững trong giáo dục của Việt Nam. Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo viên như nền tảng cho sự cải thiện giáo dục. Thực tiễn giảng dạy của giáo viên bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhận thức của họ. Do đó, việc nghiên cứu về nhận thức của giáo viên về giáo dục STEM là cần thiết.

Bài báo này xác định nhận thức của giáo viên để duy trì sự phát triển của giáo dục STEM, liên quan đến bản thân giáo dục STEM, năng lực STEM và những khó khăn trong việc triển khai STEM. Nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu từ 186 giáo viên Việt Nam, bao gồm cả giáo viên dạy các môn thuộc lĩnh vực STEM và giáo viên không dạy các môn thuộc lĩnh vực STEM. Nhóm sử dụng phương pháp khảo sát để nắm bắt nhận thức của giáo viên về giáo dục STEM. Với 4 câu hỏi nghiên cứu: (1) Giáo viên nhận thức như thế nào về giáo dục STEM? (2) Có sự khác biệt về nhận thức giữa các nhóm giáo viên theo kinh nghiệm giảng dạy không? (3) Có sự khác biệt về nhận thức giữa các nhóm giáo viên theo trình độ học vấn không? (4) Có sự khác biệt về nhận thức giữa các nhóm giáo viên theo môn học phụ trách không? phương pháp phân tích phương sai một chiều (ANOVA) được sử dụng để khảo sát sự khác biệt trong nhận thức của giáo viên về giáo dục STEM theo kinh nghiệm giảng dạy, trình độ học vấn và môn học đang dạy. 

Kết quả phân tích định lượng cho thấy đa số giáo viên có cái nhìn tích cực về giáo dục STEM, thể hiện qua việc hiểu rõ hơn về giáo dục STEM và đánh giá cao giá trị của năng lực STEM. Điều này có thể do họ được tiếp xúc nhiều hơn với các hình thức học tập không chính thức về giáo dục STEM, chẳng hạn như tự học online hoặc tham gia các hội thảo về STEM. Giáo viên có trình độ học vấn cao hơn thường có cái nhìn đúng đắn hơn về giáo dục STEM, nhưng đồng thời cũng cảm thấy khó khăn hơn trong việc triển khai STEM. Điều tương tự cũng xảy ra với giáo viên dạy khoa học. Điều này có thể lý giải do cách tiếp cận STEM của giáo viên Việt Nam thường thiên về chuyên môn. Không có sự khác biệt đáng kể về mặt khó khăn trong việc triển khai STEM giữa các nhóm kinh nghiệm giảng dạy. Những khó khăn chính của giáo viên khi triển khai giáo dục STEM là thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về nội dung, phương pháp, tư duy STEM, cũng như chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của định hướng nghề nghiệp STEM cho học sinh. Những kết quả này cung cấp thông tin hữu ích để thiết kế các chương trình phát triển chuyên môn hiệu quả cho giáo viên nhằm duy trì sự bền vững trong phát triển giáo dục STEM.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức lược dịch

Tài liệu tham khảo

Thi To Khuyen, N., Van Bien, N., Lin, P. L., Lin, J., & Chang, C. Y. (2020). Measuring teachers’ perceptions to sustain STEM education development. Sustainability, 12(4), 1531.

Bạn đang đọc bài viết Đo lường nhận thức của giáo viên để đảm bảo sự bền vững trong phát triển giáo dục STEM tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn