Biểu hiện của văn hóa Việt Nam trong sách giáo khoa Tiếng Anh: trường hợp Tết Nguyên đán

Nghiên cứu của nhóm tác giả Dinh và Sharifian đã chỉ ra rằng, chủ đề về Tết Nguyên đán trong sách giáo khoa Tiếng Anh đã nắm bắt, mô tả Tết Nguyên đán theo quan niệm văn hóa Việt Nam là dịp đoàn tụ, vui vẻ, hy vọng và sinh sôi của cây cối, động vật và các mối quan hệ, phù hợp với những gì đã được mô tả trong các nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc dạy và học ngoại ngữ, do mối liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và văn hóa. Các nhà xây dựng chương trình học ngoại ngữ trên khắp thế giới ngày càng chú trọng đến việc lồng ghép yếu tố văn hóa bản địa vào tài liệu giảng dạy. Tại Việt Nam, tiếng Anh được coi là “chìa khóa mở ra hội nhập” và được dạy như một ngoại ngữ. Các tài liệu dạy học tiếng Anh tại Việt Nam bao gồm cả sách giáo khoa do chuyên gia trong nước biên soạn và tài liệu nước ngoài.

Nghiên cứu này tập trung vào việc phân tích Bài số 8: Lễ hội trong sách giáo khoa Tiếng Anh 11 để đánh giá mức độ thể hiện yếu tố văn hóa Việt Nam trong tài liệu này. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh được sử dụng trong nghiên cứu này được xây dựng từ năm 2002 đến năm 2007 và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2008.

Bài số 8 được lựa chọn bởi nội dung bài học liên quan đến văn hóa Việt Nam; hình ảnh, chủ đề và nội dung bài đọc miêu tả sự kiện Tết Nguyên đán. Nhóm tác giả dựa trên trải nghiệm của một trong các nhà nghiên cứu, đã tiến hành khảo sát dân tộc học trên các tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm trả lời cho 2 câu hỏi nghiên cứu: (1) Các khái niệm văn hóa Việt Nam về Tết Nguyên đán được thể hiện như thế nào? (2) Các khái niệm trên được phản ánh như thế nào trong sách giáo khoa Tiếng Anh 11?

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chủ đề về Tết nguyên đán trong Bài số 8 (thuộc sách giáo khoa Tiếng Anh 11) đã nắm bắt, mô tả Tết Nguyên đán theo quan niệm văn hóa Việt Nam là dịp đoàn tụ, vui vẻ, hy vọng và sinh sôi của cây cối, động vật và các mối quan hệ, phù hợp với những gì đã được mô tả trong các nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Đồng thời, chủ đề Tết Nguyên đán khơi dậy các chủ đề liên quan như lễ hội, bánh chưng, mứt, tiền mừng tuổi, màu sắc, chùa chiền, lời chúc và hoạt động giải trí. Khảo sát dân tộc học và phân tích văn bản/hình ảnh cho thấy các chất liệu địa phương trong sách giáo khoa hàm chứa các khái niệm văn hóa Việt Nam ở mức độ sâu sắc. Tuy nhiên, việc thể hiện các yếu tố văn hóa trong chương trình học tiếng Anh không nên chỉ dừng lại ở “4F” (ẩm thực, phong tục tập quán, lễ hội và văn hóa dân gian). 

Bài học về Tết Nguyên đán trong sách giáo khoa Tiếng Anh 11 là một ví dụ điển hình cho việc tích hợp các khái niệm văn hóa bản địa vào chương trình giảng dạy tiếng Anh. Việc làm này giúp học sinh nâng cao nhận thức về văn hóa quê hương, mang đến cho các em cơ hội trò chuyện, trao đổi về chủ đề này trong mối liên hệ liên văn hóa với các quốc gia khác, đồng thời bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức lược dịch

Tài liệu tham khảo

Dinh, T. N., & Sharifian, F. (2017). Vietnamese cultural conceptualisations in the locally developed English textbook: A case study of ‘Lunar New Year’/‘Tet’. Asian Englishes, 19(2), 148-159. 

 

Bạn đang đọc bài viết Biểu hiện của văn hóa Việt Nam trong sách giáo khoa Tiếng Anh: trường hợp Tết Nguyên đán tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn