Những yếu tố tác động đến trình độ giao tiếp bằng lời nói của học sinh Trường THPT Lê Thanh Hiền, tỉnh Tiền Giang

Được thực hiện bởi Nguyen Hoang Tuan và Tran Ngoc Mai, bài báo này tìm hiểu về kĩ năng nói của học sinh THPT Lê Thanh Hiền, tỉnh Tiền Giang và những yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng nói của các em. Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu, một số khuyến nghị đã được nhóm tác giả đưa ra. Hy vọng bài báo có thể góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại trường phổ thông.

Nói dường như là kỹ năng quan trọng nhất trong cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc và viết) vì những người biết một ngôn ngữ thường được coi là người nói ngôn ngữ đó (Ur, 1996). Mục tiêu chính của việc dạy tiếng Anh là mang lại cho người học khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả, chính xác trong giao tiếp (Davies & Pearse, 1998). Tuy nhiên, không phải người học ngôn ngữ nào sau nhiều năm học tiếng Anh cũng có thể giao tiếp trôi chảy và chính xác. Ở trường THPT Lê Thanh Hiền, học sinh có thể vượt qua các kỳ thi một cách dễ dàng nhưng lại gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Để giúp học sinh nâng cao kỹ năng nói, cần phải tìm cách giúp các em khắc phục những khó khăn của mình. Hơn nữa, giáo viên cần biết các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng nói của học sinh để có thể giải quyết các yếu tố này nhằm giúp học sinh cải thiện khả năng nói của mình. Nghiên cứu này giải quyết hai vấn đề: (1) Học sinh trường THPT Lê Thanh Hiển gặp phải những vấn đề gì khi học nói tiếng Anh? (2) Những yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng nói của họ? Đối tượng nghiên cứu là 203 học sinh lớp 11 và 10 giáo viên tiếng Anh. Các công cụ nghiên cứu được sử dụng trong nghiên cứu này là bảng câu hỏi và quan sát lớp học.

Kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh gặp nhiều vấn đề như: (1) Nói rất ít hoặc không nói gì cả; (2) Học sinh  không nghĩ ra được điều gì để nói; (3) Học sinh sử dụng tiếng Việt thay vì tiếng Anh khi thảo luận theo nhóm hoặc theo cặp; (4) Sự tham gia vào tiết học nói thấp hoặc không đồng đều; (5) Học sinh không có động lực để thể hiện bản thân; (6) Học sinh sợ bị chỉ trích hoặc sợ bị mất mặt; (7) Học sinh có thói quen dịch các thông tin trong sách giáo khoa sang tiếng Việt trước khi nói; (8) Học sinh nhìn vào sách giáo khoa khi nói. Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng nói của học sinh được chỉ ra bao gồm: Kiến thức chuyên đề, Khả năng nghe, Động lực để nói, Phản hồi của giáo viên trong hoạt động nói, Sự tự tin, Áp lực phải thực hiện tốt, Thời gian chuẩn bị. Từ đó, một số khuyến nghị được đưa ra cho cả giáo viên và học sinh trường THPT Lê Thanh Hiền. 

Đối với giáo viên, trước tiên cần cải thiện điều kiện thực hiện bằng cách cho học sinh thời gian chuẩn bị cho phần nói, dạy học sinh cách sử dụng bản đồ tư duy (mindmap) để nảy sinh ý tưởng và cho học sinh đủ thời gian để thực hiện nhiệm vụ của mình. Thứ hai, cần giúp học sinh vượt qua sự nhút nhát bằng cách cư xử thân thiện, tích cực, hợp tác để học sinh cảm thấy thoải mái khi phát biểu trong lớp, nhắc nhở học sinh không lo lắng khi mắc lỗi và hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ. Thứ ba, giáo viên nên cá nhân hóa, đơn giản hóa các chủ đề trong sách giáo khoa để dễ dàng, thú vị và phù hợp hơn với cuộc sống của các em. Hơn nữa, kỹ năng nói nên được đưa vào các bài kiểm tra và bài thi vì học sinh sẽ có động lực học kỹ năng nói hơn vì được kiểm tra. Một gợi ý khác là giáo viên nên tạo cơ hội cho học sinh nói tiếng Anh nhiều hơn trong lớp bằng cách sử dụng một số hoạt động nói yêu cầu học sinh nói. Hơn nữa, giáo viên nên quyết định cẩn thận thời điểm và cách sửa lỗi của học sinh để học sinh không sợ mắc lỗi và mạch trò chuyện của học sinh không bị gián đoạn. Ngoài ra, giáo viên nên khuyến khích học sinh tham gia hoạt động nói. Cuối cùng, giáo viên nên tạo môi trường nói tiếng Anh bằng cách khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong lớp để tạo thành thói quen, cho các em xem phim hoặc video bằng tiếng Anh và giáo viên cũng nên sử dụng tiếng Anh trong lớp thường xuyên để học sinh có tiếp xúc nhiều hơn với ngôn ngữ. 

Đối với học sinh, trước hết các em cần hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng nói. Việc nhận thức về việc học có thể dẫn đến động lực học tập của các em. Thứ hai, các em nên luyện nói tiếng Anh bên ngoài lớp học thường xuyên hơn bằng cách làm các bài tập nói trong sách giáo khoa ở nhà với các bạn cùng lớp, tham gia câu lạc bộ nói nơi các em có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và tự nói trước gương. Cuối cùng, học sinh nên sử dụng tiếng Anh trong lớp thay vì tiếng Việt để tạo thành thói quen. 

Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức lược dịch

Tài liệu tham khảo

Nguyen, T. H., & Tran, M. N. (2015). Factors affecting students' speaking performance at Le Thanh Hien high school. Asian Journal of Educational Research, 3(2), 8-23.