Hoàn thiện chính sách về công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học

Ngày 1/2, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Thông tư quy định về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học đã tổ chức họp nhằm thảo luận, thống nhất đề cương Thông tư.

Thông tư mới được xây dựng nhằm thay thế Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Quang cảnh cuộc họp

Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT đã ban hành và áp dụng được 6-7 năm, 2 Thông tư đã tạo hành lang pháp lý cho công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học, góp phần giúp hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh trong các trường phổ thông hiệu quả hơn và hình thành một mạng lưới trợ giúp học sinh trước những nguy cơ gặp khó khăn tâm lý - xã hội trong học tập và cuộc sống.

Các Thông tư cũng đồng thời nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong các nhà trường về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học. Các Sở GDĐT, Phòng GDĐT đã chú trọng triển khai công tác tư vấn, hỗ trợ cho học sinh và nhiều nhà trường đã thực hiện lồng ghép các hoạt động này thông qua các môn học, các hoạt động trải nghiệm giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai 2 Thông tư cho thấy còn mốt số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: thiếu các nguồn lực để triển khaithiếu nhân sự chuyên trách, chỉ có nhân sự kiêm nhiệm làm cho công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học; một số cán bộ quản lý các đơn vị trường học chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác tư vấn, hỗ trợ; việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ có phẩm chất năng lực thực hiện các nhiệm vụ tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học nhiều nơi thực hiện chưa hiệu quả, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành; một số cơ sở giáo dục chưa bố trí được phòng tư vấn riêng cho hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh, hoặc được bố trí ở những khu vực chưa phù hợp

Mục đích của việc xây dựng Thông tư quy định về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học nhằm tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học; tăng cường hiệu quả của các văn bản chỉ đạo về công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh trong trường học, phòng ngừa các vấn đề khó khăn về tâm lý - xã hội của học sinh, góp phần xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiết, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thông tư mới dự kiến cũng quy định rõ về vị trí việc làm theo vị trí việc làm Tư vấn học sinh được quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023; quy định chi tiết, tránh sự trùng lặp về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức, điều kiện đảm bảo và tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học (bao gồm cơ chế phối hợp, tổ chức nhân sự, cơ sở vật chất, kinh phí); làm rõ quy định việc tổ chức thực hiện (trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, trách nhiệm của UBND các cấp, các sở GDĐT, phòng GDĐT, thủ trưởng cơ sở giáo dục,…).

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã trao đổi, thảo luận  thống nhất đề cương Thông tư. Trong thời gian tới, Ban soạn thỏa, Tổ biên tập Thông tư sẽ xây dựng dự thảo Thông tư trên cơ sở đề cương đã thng nhất.

Nguồn: Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện chính sách về công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn