Tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển giáo dục: Khuyến nghị cho các trường đại học Việt Nam:

Nghiên cứu của nhóm tác giả Hao Van Le và Cuong Huu Nguyen (2023) được công bố trên tạp chí “Vietnam Journal of Education” tập trung tổng hợp các báo cáo, bài viết học thuật và thảo luận về việc tích hợp 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào giáo dục đại học trên toàn thế giới, từ đó đề xuất các khuyến nghị cho Việt Nam.

Thuật ngữ “Giáo dục vì sự phát triển bền vững” (ESD) do UNESCO phát triển đã trở thành từ khóa phổ biến trong phát triển giáo dục trên toàn thế giới trong những năm gần đây. UNESCO (2012) chỉ ra rằng: ESD giúp công dân trên toàn cầu giải quyết những vấn đề phức tạp, tranh cãi và bất bình đẳng phát sinh từ các vấn đề liên quan đến môi trường, di sản thiên nhiên, văn hóa, xã hội và kinh tế. Nói một cách đơn giản, ESD là giáo dục cho tương lai, dành cho tất cả mọi người. Đó là thành phần thiết yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và quá trình chuyển đổi thành công sang xã hội và nền kinh tế xanh.

Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững, như một phần của việc thúc đẩy khả năng học tập suốt đời cho mọi người, Mục tiêu 4 (Giáo dục chất lượng) yêu cầu cơ hội tiếp cận bình đẳng với giáo dục sau trung học phổ thông, bao gồm cả các trường đại học. Các trường đại học cũng đóng một vai trò quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững khác, là chất xúc tác để hoàn thành toàn bộ các mục tiêu thông qua đóng góp cho các dịch vụ xã hội, đổi mới và sản xuất tri thức.

Dựa trên báo cáo “Getting started with the SDGs in universities - A guide for universities, higher education institutions, and the academic sector” (SDSN Australia/Pacific, 2017) và các tài liệu liên quan khác, nhóm tác giả đề xuất một số hoạt động, chính sách cốt lõi trong các lĩnh vực trọng tâm của hoạt động quản lý các tổ chức giáo dục đại học như sau:

1. Giáo dục

Lĩnh vực giáo dục liên quan trực tiếp đến Mục tiêu 4: Giáo dục chất lượng (Đảm bảo giáo dục chất lượng, cởi mở, công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người). Theo Khurshid và cộng sự (2020), Saini và cộng sự (2023) và UNESCO (2022), để thích ứng với mục tiêu này, các cơ sở giáo dục đại học có thể tìm hiểu các hoạt động và chính sách sau: Phát triển các chính sách đảm bảo khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng cho tất cả học sinhi; Tích hợp (có chọn lọc) mục tiêu phát triển bền vững vào mục tiêu và kết quả học tập của các chương trình học thuật; Phát triển các môn học hoặc tích hợp các hoạt động liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững vào các chương trình học thuật;...

2. Nghiên cứu

Có nhiều mục tiêu phát triển bền vững có thể trở thành định hướng nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học. Berchin và cộn sự (2021), Guo và cộng sự (2022) và Salman và cộng sự (2020) chỉ ra các hoạt động và chính sách mẫu mực sau đây nhằm thúc đẩy nghiên cứu vì sự phát triển bền vững: Ưu tiên hỗ trợ các nghiên cứu liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững; Nuôi dưỡng văn hóa học tập suốt đời; Cung cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững; Mở rộng hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế về chủ đề này;...

3. Hợp tác và dịch vụ cộng đồng

Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến Mục tiêu 17: Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu (Tăng cường cách thức thực hiện và khôi phục quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững). Zainuri và Huda (2023), Amador và cộng sự (2021) đã đưa ra các hoạt động và chính sách sau: Mở rộng hợp tác với tất cả các bên liên quan (địa phương và quốc tế) để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua các chương trình và dự án; Vận động thay đổi chính sách ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để thúc đẩy phát triển bền vững; Thường xuyên đánh giá và giám sát tiến độ đạt được các mục tiêu giáo dục có chất lượng;...

4. Quản trị tổ chức và hoạt động

Mỗi cơ sở giáo dục đại học có thể được coi là một xã hội thu nhỏ và cần được coi là hình mẫu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì vậy cần quan tâm đến một số mục tiêu liên quan trong quản trị. Barbier và Burgess (2021), Filho và cộng sự (2021) và OECD (nd) hỗ trợ các hoạt động và chính sách sau: Xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống, tiết kiệm tài nguyên (điện, nước), bình đẳng giới trong học tập; Áp dụng các biện pháp bền vững trong hoạt động của mình, bao gồm giảm mức tiêu thụ năng lượng và nước, thúc đẩy giao thông bền vững, giảm chất thải và phát thải khí nhà kính cũng như tìm nguồn cung ứng các sản phẩm bền vững với môi trường;...

Hiện nay, nhiều trường đại học Việt Nam đang thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để đưa 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào kế hoạch chiến lược của mình. Một số trường đại học đang phát triển chương trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững để nâng cao nhận thức và giáo dục sinh viên về tính bền vững. Hơn nữa, một số cơ sở giáo dục đại học khác đang thúc đẩy nghiên cứu về mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy việc khám phá các câu trả lời mới cho các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường. Các trường đại học này cũng đang triển khai các hoạt động bền vững trong hoạt động của trường, chẳng hạn như giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo. Các trường đại học Việt Nam cũng đang hợp tác với nhiều đối tác như cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Những hoạt động và chương trình sẽ giúp các trường đại học đóng góp vào chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu và thúc đẩy văn hóa bền vững trong tổ chức và hơn thế nữa.

Vân An lược dịch

Nguồn

Le, H. V., & Nguyen, C. H. (2023). Integration of Sustainable Development Goals (SDGs) into Institutional Development Strategy: Recommendations for Vietnamese Universities. Vietnam Journal of Education, 7(3), 178–186. https://doi.org/10.52296/vje.2023.283