Hợp tác sâu sắc và hiệu quả hơn nữa về giáo dục giữa Việt Nam và Thụy Sỹ

Trong 2 ngày (16,17/1), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân có chuyến công du tham dự hội nghị WEF Davos năm 2024 tại Thụy Sỹ.

Với tư cách thành viên Chính phủ tháp tùng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã tham dự các sự kiện: Tọa đàm thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn; đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF với các tập đoàn hàng đầu của WEF về chủ đề “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam”; phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”; chứng kiến ký kết MOU thành lập Trung tâm C4IR và Ý định thư Sáng kiến mạng lưới toàn cầu tăng tốc thu hẹp khoảng cách kỹ năng; tiếp xúc song phương với nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ tham dự Tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, công nghệ ô tô, chíp bán dẫn và hệ sinh thái

Trao đổi tại “Tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, công nghệ ô tô, chíp bán dẫn và hệ sinh thái”, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Việt Nam có lực lượng học sinh, sinh viên rất đông, mỗi năm có tới gần 500.000 người nhập học vào các trường đại học. Các trường đại học Việt Nam có thế mạnh về đào tạo công nghệ thông tin và chất lượng đào tạo tốt. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này đang làm việc tại các nước, các doang nghiệp lớn trên thế giới.

Các trường đại học ở Việt Nam cũng đang triển khai nghiên cứu và đào tạo về AI. Về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, mặc dù chưa có nhiều trường đại học đào tạo trực tiếp một cách đầy đủ và cấp bằng, nhưng các ngành liên quan thì nhiều. Hiện các trường đại học đang khẩn trương xây dựng chương trình, bồi dưỡng giảng viên, mời chuyên gia quốc tế để tổ chức đào tạo.

Ngay năm 2024 nhiều trường sẽ tuyển sinh khoảng trên dưới 1000 sinh viên và số lượng này sẽ tăng nhanh chóng trong các năm kế tiếp. Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư cho các trường đại học và nhóm các trường công nghệ kỹ thuật đang liên kết trong một đề án lớn để thúc đẩy.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại “Tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, chíp bán dẫn và hệ sinh thái”

“Việc hợp tác quốc tế, sự vào cuộc và hỗ trợ của các doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi nhanh chóng phát triển đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn cũng như nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Trong khuôn khổ chuyến công du, chiều ngày 16/1, tại trụ sở của Tập đoàn giáo dục Benedict Group đã diễn ra Lễ ký kết và trao thỏa thuận hợp tác giữa Hiệu trưởng 6 trường đại học của Việt Nam gồm Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Thuỷ Lợi, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Mở TP. HCM, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên với Hiệu trưởng Trường Quản trị khách sạn và Kinh doanh (Business and Hotel Management School) BHMS của Tập đoàn giáo dục Benedict Group, Thụy Sỹ.

Đoàn các đại học Việt Nam ký kết hợp tác với BHMS

Nội dung của các văn bản ký kết về trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ; trao đổi sinh viên ngắn hạn, dài hạn; trao đổi văn hóa, khóa học hè; cấp học bổng; trao đổi các nguồn lực phục vụ đào tạo, quản lý (tài liệu, chương trình, quy trình, kinh nghiệm…); hỗ trợ, huấn luyện kỹ thuật, kỹ năng; hợp tác trong thực hiện các dự án nghiên cứu; hợp tác trong công bố kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học; hợp tác tổ chức hội thảo quốc tế; hợp tác trong các hoạt động thực hiện dự án quốc tế; hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các lĩnh vực Kinh tế tuần hoàn, Kinh tế xanh, Biến đổi kí hậu, Y dược.

BHMS là một trường thành viên trực thuộc hệ thống 50 trường quốc tế của tập đoàn Benedict Education Group. Đây là một trong những tập đoàn giáo dục lâu năm, có quy mô lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học và giáo dục bậc cao.

Các văn bản ký kết hứa hẹn một giai đoạn hợp tác sâu sắc và hiệu quả hơn nữa giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và Thụy Sỹ.

Nguồn tin: Cục Hợp tác Quốc tế

Bạn đang đọc bài viết Hợp tác sâu sắc và hiệu quả hơn nữa về giáo dục giữa Việt Nam và Thụy Sỹ tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn