Giảm tổ hợp xét tuyển, nhưng vẫn đảm bảo công bằng và tự chủ

Phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD–ĐT) đã nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận. Theo các chuyên gia, tác động của phương án này tới việc tuyển sinh đại học (ĐH) từ năm 2025 chắc chắn là có, nhưng không đáng lo ngại bởi các trường ĐH với tinh thần tự chủ tuyển sinh, họ sẵn sàng thiết kế các tổ hợp xét tuyển mới thích ứng với phương án thi mới, nhưng vẫn đảm bảo công bằng cho thí sinh…

Tin học và Công nghệ sẽ có mặt ở nhiều tổ hợp xét tuyển mới

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: Nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không cho phép thí sinh thi hơn 2 môn lựa chọn. Phương án thi từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số 9 môn sẽ tạo ra 36 tổ hợp môn. Như vậy, với số lượng môn thi tốt nghiệp THPT giảm (từ 6 môn xuống còn 4 môn) thì số lượng các tổ hợp xét tuyển nhìn chung sẽ giảm so với trước nhưng đồng thời cũng sẽ xuất hiện thêm các tổ hợp xét tuyển mới có sự góp mặt của các môn Tin học, Công nghệ.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT

Từ góc độ của người biên soạn chương trình SGK GDPT mới 2018, NGND.PGS.TS Hồ Sỹ Đàm, chủ biên chương trình môn Tin học cũng cho biết, cá nhân ông ủng hộ phương án thi này khi lần đầu tiên đưa hai môn Công nghệ và Tin học, những môn học rất cần thiết đối với học sinh trong bối cảnh hiện nay. Do đó, các trường ĐH cần xây dựng và công bố sớm các tổ hợp môn xét tuyển cho các ngành đào tạo để thuận lợi cho học sinh.

Còn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, thi tốt nghiệp theo phương án 2+2 không phải vấn đề đáng lo vì Quy chế tuyển sinh ĐH hiện hành đã quy định nguyên tắc thiết kế tổ hợp xét tuyển: Môn Toán hoặc Ngữ văn là môn bắt buộc trong tổ hợp, do vậy tùy thuộc vào ngành học/chương trình đào tạo mà trường ĐH sẽ có quy định cụ thể về tổ hợp phù hợp với ngành học và chương trình GDPT mới và tất nhiên, với chương trình GDPT mới, môn học mới thì sẽ có tổ hợp mới nhưng chắc chắn vẫn đảm bảo nguyên tắc xét tuyển, yêu cầu của ngành học và công bằng cho thí sinh. ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng bài thi đánh giá năng lực theo cấu trúc mới phù hợp với chương trình THPT mới.

Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn không ảnh hưởng đến các phương thức tuyển sinh riêng hiện được sử dụng ở các trường, như: Xét kết quả học tập THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi tư duy, ưu tiên xét tuyển chứng chỉ quốc tế… Tuy nhiên, các trường ĐH sẽ phải sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp hơn khi xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. “Dù có nhiều thay đổi về tổ hợp môn xét tuyển nhưng với phương án thi 4 môn của Bộ GD-ĐT, các tổ hợp truyền thống có nhiều thí sinh đăng ký vẫn được giữ lại như: Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh, Toán - Lý - tiếng Anh, Văn - Sử - Địa, Toán - Văn - tiếng Anh…”, TS. Phạm Tấn Hạ nói. Trường ĐH Nha Trang là đơn vị đầu tiên công bố dự thảo phương hướng tuyển sinh ĐH hệ chính quy từ năm 2025. Nhà trường đưa ra 3 phương án xét tuyển: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội của năm xét tuyển; xét điểm tổ hợp các môn xét tuyển. Phương thức xét tuyển tổ hợp các môn sẽ bao gồm điểm tổ hợp các môn học ở cấp THPT (điểm học bạ) và điểm tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân thông tin, từ năm 2025, Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức, nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường. Cụ thể, nhà trường dự kiến sẽ chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội kết hợp với một số tiêu chí khác mà Trường ĐH Kinh tế quốc dân đang sử dụng như chứng chỉ Ngoại ngữ.

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, mong muốn sắp tới các trường y dược sẽ chọn một bộ công cụ đánh giá chung để tuyển sinh. Điều này sẽ có lợi cho người học khi các trường khối ngành sức khỏe cùng lọc ảo nên có thể luân chuyển từ trường nọ sang trường kia. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ sử dụng ngân hàng đề của các tổ chức đủ tin cậy của hệ thống để tuyển sinh ở một số ngành có tỉ lệ cạnh tranh cao như Y khoa, Răng Hàm Mặt. Các ngành khác có thể sử dụng các phương thức như hiện nay. Lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, trường vẫn sử dụng tổ hợp B0 để xét tuyển. Nếu thí sinh muốn thi vào Trường ĐH Y Hà Nội thì sẽ chọn thi thêm môn Hóa học và Sinh học.

Giảm dần phương thức xét tuyển cần lộ trình hợp lý, không gây xáo trộn

Thống kê của Bộ GD-ĐT từ các mùa tuyển sinh trước cũng cho thấy, trung bình các trường ĐH dành khoảng 50 - 60% chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu thí sinh chọn bài thi Khoa học Tự nhiên, cùng lúc sẽ dùng được nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH như A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D01 (Toán, Văn, Anh) hay A01 (Toán, Lý, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh). Còn với phương án thi mới, thí sinh bị hạn chế hơn số lượng tổ hợp xét tuyển, chỉ có thể chọn xét tuyển nhiều nhất với 2 tổ hợp.

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), theo phương án thi tốt nghiệp THPT mới, tổ hợp xét tuyển ĐH sẽ giảm hơn một nửa, với 4 môn thi, trong đó 2 môn thí sinh tự chọn, số lượng tổ hợp các môn thi là 36 (giảm từ 80 tổ hợp các năm trước xuống còn 36 tổ hợp). Đây cũng là căn cứ để xác định các tổ hợp xét tuyển vào ĐH từ năm 2025. Số lượng tổ hợp nói trên chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng tổ hợp dùng xét tuyển hiện nay. Từ đó, số lượng tổ hợp xét tuyển vào ĐH từ năm 2025 khả năng sẽ ít và đơn giản hơn. Với phương thức thi 2+2, nếu các trường ĐH tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì sẽ phải chọn các tổ hợp khác.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích, việc giảm số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khiến các trường ĐH lo cân đối tổ hợp xét tuyển, bởi số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp Khoa học Tự nhiên truyền thống như A00, B00 có thể giảm. Do đó, các thí sinh nên chuẩn bị thêm các chứng chỉ tiếng Anh, tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH bằng nhiều phương thức.

Trước băn khoăn về việc giảm cơ hội xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho hay, hầu như 100% các trường ĐH vẫn dành chỉ tiêu để xét tuyển sử dụng điểm thi kết quả THPT và xét tuyển kết hợp. Nguyên tắc yêu cầu chung đã được quy định, quy chế hiện hành sẽ vẫn được áp dụng trong những năm tới.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phương án tuyển sinh mà nhiều trường ĐH đang thực hiện là xu hướng tích cực, khả thi, đúng tinh thần tự chủ ĐH trong công tác tuyển sinh. Việc tổ chức nhiều kì thi riêng, thi nhiều lần trong năm chính là để tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, việc đổi mới trong tuyển sinh của các trường cần phải bảo đảm đúng nguyên tắc theo quy định của Bộ GD-ĐT: Công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, minh bạch với xã hội. Việc giảm dần phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT cần được xác định theo lộ trình hợp lý; minh bạch thông tin và ổn định phương án tuyển sinh đã công bố; việc tăng hoặc giảm chỉ tiêu cho từng phương thức cần có lộ trình hợp lý, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Quá trình tăng cường tự chủ của các trường phải gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm nguyên tắc công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, và minh bạch với xã hội.

Về phía Bộ GD-ĐT, Bộ cần thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của các quy định về tuyển sinh để kịp thời điều chỉnh nếu thực tiễn yêu cầu; cải tiến, nâng cấp phần mềm để việc thực hiện tuyển sinh của các trường ngày càng thuận lợi hơn; thúc đẩy các trường đầu tư vào các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh.

Bạn đọc có thể tìm đọc thêm thông tin về vấn đề này ở bài viết: 10 năm thực hiện Nghị quyết 29: Tư tưởng, khí thế đổi mới đã đi sâu vào toàn ngành Giáo dục

Thái Trang

Bạn đang đọc bài viết Giảm tổ hợp xét tuyển, nhưng vẫn đảm bảo công bằng và tự chủ tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn