Quan điểm, chính sách và định hướng phát triển giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới

Giáo dục mầm non được coi là sứ mệnh quan trọng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng. Sự phát triển của giáo dục mầm non là quan trọng để chuẩn bị cho trẻ vào giai đoạn tiểu học và đáp ứng xu thế giáo dục thế giới. Đặc biệt, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non góp phần cải thiện giáo dục phổ thông và nguồn nhân lực quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện của người Việt Nam.

Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng và Nhà nước. Trong đó phát triển giáo dục mầm non là vấn đề đặt ra thu hút sự quan tâm của xã hội, là nhu cầu, nguyện vọng của mỗi gia đình, cộng đồng và địa phương. Vì vậy, phát triển giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới cần có những bước phát triển mới, chuyển biến lớn, đáp ứng yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non của thế giới, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi và chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào tiểu học ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục, liên thông với giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia để thực hiện sứ mạng kỳ vọng của giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ đặt nền móng phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Trong giai đoạn mới, phát triển giáo dục mầm non cần bám sát các quan điểm, định hướng, mục tiêu trong các nghị quyết, kết luận của Đảng, từ đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật phát triển giáo dục mầm non để phát triển toàn toàn diện con người Việt Nam về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, nền tảng vững chắc cho xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã được khẳng định qua các văn kiện quan trọng của Đảng:

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ chăm lo phát triển giáo dục mầm non “Tăng cường giáo dục, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 18,5%, dưới 1 tuổi xuống còn 12,5%. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống 20%”; đồng thời, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác với những diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra là cần tập trung nâng cao chất lượng, trọng tâm hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới" xác định quan điểm: “Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức; động viên đội ngũ trí thức Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp cho phát triển của đất nước. Chính vì vậy, giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây được coi là “Giai đoạn vàng” để giáo dục và tạo nền móng cho sự phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Nhiệm vụ của giáo viên mầm non, đội ngũ trí thức, cần có trình độ học vấn, có chuyên môn, có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ, giúp trẻ em mầm non phát triển tư duy sáng tạo, tư duy logic, tính thẩm mỹ,… để trẻ tiếp cận với các chủ đề kiến thức, chương trình giáo dục một cách tự nhiên, chủ động, linh hoạt trong sáng tạo, nâng cao hiệu suất học tập và cải thiện những kỹ năng mềm cho trẻ em.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” xác định quan điểm: “Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hoá xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển; đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Chú trọng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, thu nhập của Nhân dân, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nguồn lực trong nước và ngoài nước; động viên sự tham gia tích cực của Nhân dân, doanh nghiệp; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; phát huy truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nghị quyết đề ra mục tiêu:

- Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia; tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm cao trong khu vực; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 15%; 100% hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định; bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo; 

- Đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hoá, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội; 

- Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng; sớm hoàn thiện khung chính sách quốc gia thích ứng với quá trình già hoá dân số; đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

- Tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hiện đại hoá, đa dạng hóa phương thức giáo dục, đào tạo. Phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục. Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời. Nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hóa mô hình, chương trình đào tạo, phương thức học tập phù hợp với người học. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang, ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Tăng cường giáo dục hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý giáo dục và hoạt động của giáo viên. Thúc đẩy chủ trương xã hội hoá góp phần hỗ trợ khu vực công thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo. Thực hiện có hiệu quả chính sách dinh dưỡng, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nâng cao chất lượng dự báo, giám sát, phát hiện, phòng ngừa có hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm an ninh y tế; phát triển y tế học đường, y học gia đình. Tăng cường chuyển đổi số trong công tác quản lý, trong quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo hiểm y tế. 

Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đề ra mục tiêu: “Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020. Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục”.

Chăm sóc, giáo dục, và bảo vệ trẻ em được coi là một vấn đề chiến lược, mang tính lâu dài, đóng góp quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em được coi là đầu tư cho nguồn nhân lực và tương lai trí thức của đất nước. Để đạt được mục tiêu này, cần tăng cường quản lý nhà nước về chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, huy động nguồn lực một cách hiệu quả, thực hiện các mục tiêu phát triển cho trẻ em, và mở rộng chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em ở các vùng khó khăn. Đây là những định hướng quan trọng theo quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo.

TS. Lê Thị Mai Hoa - Ban Tuyên giáo Trung ương