Tính liêm chính trong nghiên cứu: chuyển đổi từ lý thuyết thành hành động

Nghiên cứu này xác định các chủ đề chung để cải thiện tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học, đồng thời thấy rằng nhiều trường đại học gặp khó khăn trong việc thực hiện chúng.

Năm 2018, Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan bắt đầu xây dựng một cộng đồng các nhà vô địch dữ liệu trải rộng trên tất cả các khoa, từ kỹ thuật hàng không đến công nghệ, chính sách và quản lý. Trường Cao đẳng Hoàng gia Luân Đôn (Imperial College London) hiện nay không còn sử dụng các chỉ số dựa trên tạp chí trong việc đánh giá nhân viên; nó dựa nhiều hơn vào đánh giá từ các đồng nghiệp về chất lượng nghiên cứu. Tại Đại học Mahidol ở Bangkok, Thái Lan, tất cả nhân viên ký vào mã nguồn lực tốt của trường đại học, cam kết duy trì tính liêm chính, công bằng và trách nhiệm xã hội. 

Các nỗ lực như vậy là một phần của nghiên cứu dài hạn về tính liêm chính trong nghiên cứu, do Tổ chức Châu Âu tài trợ. Nghiên cứu này xác định 9 chủ đề chung để cải thiện tính liêm chính, đồng thời thấy rằng nhiều trường đại học gặp khó khăn trong việc thực hiện chúng.

Trong hai thập kỷ qua, đã có nhiều tuyên bố và nguyên tắc về tính liêm chính nghiên cứu. Dự án Standard Operating Procedures for Research Integrity (SOPs4RI) đã tìm thấy đồng thuận vững chắc về 9 chủ đề cần được chú ý. Chương trình tài trợ nghiên cứu mới của Liên minh Châu Âu, Horizon Europe, dự kiến sẽ yêu cầu các tổ chức có kế hoạch rõ ràng về tính liêm chính nghiên cứu.

Những vùng hứa hẹn 

Có thể thấy, cộng đồng khoa học đang chuyển từ việc tập trung chủ yếu vào hành động cá nhân sang việc thừa nhận rằng văn hóa nghiên cứu đóng vai trò trong duy trì tính liêm chính (và ngăn chặn các thực hành nghiên cứu đáng nghi). Các tổ chức đang công khai kiểm tra cách họ thực hiện đánh giá nghiên cứu, giám sát, hợp tác, quản lý dữ liệu và xuất bản. Chẳng hạn, Đại học Ghent ở Bỉ đang thực hiện những thay đổi đáng chú ý, giảm tầm quan trọng của số liệu định lượng, tăng cường giám sát và nhấn mạnh đánh giá chất lượng hơn. Các hoạt động tương tự đang diễn ra ở Đại học Công giáo Leuven (Bỉ) và Đại học Oxford (Vương quốc Anh). Ngoài ra, giáo dục về tính liêm chính cũng đang có nhiều đổi mới, chẳng hạn là các trường đại học đã có những nội dung, chương trình đào tạo và tư vấn tính liêm chính cho sinh viên và nghiên cứu viên.

Hỗ trợ toàn diện

Chuyển đổi nguyên tắc (thường thì các nội dung về liêm chính được mô tả, phát biểu thành các nguyên tắc định hướng hành động) thành thực tế không dễ dàng, và thường xuyên là những nỗ lực không có kế hoạch. Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lí cần cùng nhau thảo luận về các vấn đề cụ thể và tinh chỉnh biện pháp theo cách phù hợp. Ví dụ như giữa một trường y và một trường kinh doanh, việc cần bảo toàn tính liêm chính khi thu thập và quản lý dữ liệu là chung, nhưng cách làm điều này sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại nghiên cứu. Các tổ chức ở các quốc gia khác nhau cũng cần phải tuân theo luật pháp quốc gia. Để đảm bảo các quy trình và chính sách mới đạt hiệu quả, tổ chức cần một kế hoạch toàn diện, chi tiết cách triển khai, duy trì và đánh giá. Kế hoạch này mang lại sự liên tục và có trách nhiệm; những nỗ lực không chính thức thường suy giảm khi sự chú ý giảm hoặc sự phản kháng tăng. 

Tránh những rủi ro

Một kết quả đáng chú ý là, cách một tổ chức có thể thay đổi văn hóa nghiên cứu một cách hiệu quả chưa được nghiên cứu rõ ràng. Hơn nữa, thay đổi đòi hỏi thời gian, nỗ lực trí tuệ và đầu tư tài chính, cùng với sự hỗ trợ từ nhiều phía. Đối với liêm chính nghiên cứu, quan trọng là kế hoạch cần tập trung vào vấn đề quan trọng nhất đối với những người ảnh hưởng và cần “sử dụng ngôn ngữ phù hợp”. Hơn nữa, liêm chính nghiên cứu sẽ hiệu quả nhất khi chia sẻ những mục tiêu đằng sau chúng và xem chúng như là sự hỗ trợ thay vì kiểm soát.

Các kế hoạch để cải thiện tính liêm chính nghiên cứu nên được tạo ra cùng với tất cả các bên liên quan, với sự tham gia trong việc phân tích vấn đề, đề xuất giải pháp, và duy trì và cập nhật kế hoạch để thực hiện những giải pháp đó. Để tránh sự “quan liêu” hay “lạc hậu” quá mức, kế hoạch cần phải được điều chỉnh để phản ánh vấn đề cụ thể trong tổ chức và cân nhắc rõ ràng về chi phí hành chính và các chi phí khác. 

Cuối cùng, nghiên cứu này cũng góp phần chỉ ra rằng thách thức hiện nay đối với tính liêm chính nghiên cứu là thực tế và cần có nhiều các nghiên cứu tiếp theo, toàn diện hơn, góp phần cho các nhà hoạch định chính sách có đủ thông tin, đa chiều để ban hành các chính sách phù hợp.

Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức lược dịch

Tài liệu tham khảo

Mejlgaard, N., Bouter, L. M., Gaskell, G., Kavouras, P., Allum, N., Bendtsen, A. K., ... & Veltri, G. A. (2020). Research integrity: nine ways to move from talk to walk. Nature, 586(7829), 358-360.

Bạn đang đọc bài viết Tính liêm chính trong nghiên cứu: chuyển đổi từ lý thuyết thành hành động tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19