Trường đại học với việc học tập suốt đời của nhân dân trong xã hội học tập

Học tập suốt đời trở thành một yếu tố quan trọng với tất cả mọi người khi xu hướng xây dựng và phát triển một xã hội học tập đang ngày càng gia tăng ở các quốc gia. Nơi có nguồn tri thức đa dạng và phong phú nhất để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời chính là các trường đại học. Do đó, quan điểm về vai trò của trường đại học và quyền tiếp cận học đại học đang trải qua sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu từ cộng đồng.

Bước vào thế kỉ XXI, xu thế xây dựng và phát triển xã hội học tập đang mạnh dần lên ở nhiều quốc gia bởi sự sản sinh ra những tri thức mới tăng nhanh theo cấp số nhân. Sự cần thiết của việc học tập liên tục đã trở thành mối quan tâm chung của mọi người, không phân biệt đối tượng nào. Theo Alvin Toffler, trong thời đại ngập tràn thông tin như hiện nay, con người có thể ngập trong biển cả thông tin mà vẫn cảm thấy đói về tri thức. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc liên tục nâng cao tri thức cá nhân thông qua quá trình học tập. Thực tế chứng minh rằng, nơi có nguồn tri thức đa dạng và phong phú nhất để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời chính là các trường đại học. Do đó, quan điểm về vai trò của trường đại học và quyền tiếp cận học vấn đại học đang trải qua sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu rộng lớn từ cộng đồng.

Tháng 1/1988, tại Điện Elyseé (Paris, Pháp), theo lời mời của ông F.Mitterant - Tổng thống nước Cộng hòa Pháp - xuất phát từ sáng kiến của nhà văn Mỹ Elie Wiesel (người được giải thưởng Nobel vì hòa bình năm 1986) và của tổ chức Elie Wiesel Foundation for Humanity, Hội nghị quốc tế “Những đe dọa và hứa hẹn ở ngưỡng cửa thế kỉ XXI” đã được tiến hành. Tham dự Hội nghị có 74 người được giải thưởng Nobel gồm các nhà khoa học, nhà văn, nhà hoạt động chính trị, xã hội. Hội nghị bế mạc với 16 kết luận, trong đó có nói đến quyền con người đối với học vấn cao như sau: - Khoa học là một dạng quyền lực, và khả năng đến với khoa học phải được chia đều cho các cá nhân và các dân tộc; - Giáo dục phải trở thành ưu tiên tuyệt đối trong mọi ngân sách và phải giúp vào việc đề cao mọi khía cạnh sáng tạo của con người; - Cần phải làm cho khoa học và kĩ thuật trở thành những thứ có thể với tới, nhất là tại các nước đang phát triển, để giúp các nước này làm chủ được tương lai và tự quyết định những loại tri thức nào mà họ coi là cần cho sự phát triển của họ.

Năm 1985, một tuyển tập các bài viết quan trọng của UNESCO nhân kỉ niệm 40 năm thành lập tổ chức này, có một bài nói về trường đại học với giáo dục thường xuyên. Xin trích một số quan điểm trong bài viết này: - Giáo dục phải được tiến hành và tiếp thu bằng nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng không phải là học theo cách nào, mà là học cái gì, học được cái gì; - Xóa bỏ hàng rào giả tạo và lỗi thời giữa các ngành giáo dục và các cấp giáo dục, giữa giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, xóa bỏ sự cách biệt cứng nhắc giữa giáo dục phổ thông, giáo dục khoa học  thuật, giáo dục chuyên nghiệp. Ngay từ giáo dục cấp cơ sở, giáo dục đã mang tính kết hợp giữa lí thuyết với công nghệ, với thực hành thủ công; - Giáo dục đại học cần được mở rộng và đa dạng để đáp ứng những đòi hỏi của từng con người và cả cộng đồng. Muốn vậy, trước hết phải có sự thay đổi trong quan niệm và thái độ cổ truyền với trường đại học.

Khi vận động nhân dân, trước hết là những lao động trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, chúng ta đang tìm các giải pháp để mọi người có cơ hội tiếp cận những tri thức đại học theo đúng tinh thần bình đẳng xã hội về điều kiện học tập. Song, trên thực tế, ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, khoảng cách do thu nhập và những yếu tố khác về loại trừ xã hội vẫn còn lớn và rộng khắp, mặc dù đã có một số chính sách hạn chế hiện tượng này. Người học từ những nhóm có thu nhập cao hơn có được lợi thế nhất định trong việc tiếp cận giáo dục sau trung học. Những chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp trong giáo dục đại học vẫn là nguyên nhân chính cho việc loại trừ. Chính sách tín dụng học tập đại học nghe rất hấp dẫn, nhưng nó chưa phổ biến, không dễ gì bảo đảm ai không có tiền cho việc học tập có thể đi vay nhà nước. Ở những nước phát triển công nghiệp, chi phí cho một người học đại học thường gấp 10 lần so với các nước nghèo, chậm phát triển. Tuy nhiên, mức chi tương đối thấp vẫn là một gánh nặng đè lên vai những người nghèo muốn được học đại học.

Trong lao động sản xuất, nhiều người lớn cần đến những tri thức ở bậc đại học. Họ cần tìm những tri thức để áp dụng vào công việc đang làm. Với họ, văn bằng, chứng chỉ học đại học họ không quan tâm. Những người được giải khuyến học do “tự học thành tài” đã cho ta thấy rõ điều đó. Họ chỉ định hướng vào những gì mà công việc đòi hỏi. Làm việc trong các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, trang trại, nông trường, nhà máy..., người lao động phải học tập thường xuyên để đáp ứng yêu cầu công việc. Họ không quan tâm đến trường đại học nào được thế giới xếp hạng, trường đại học nào ở vào top dẫn đầu trong nước, trường đại học nào đã hoạt động theo chế độ tự chủ... mà họ chỉ chú ý trường đại học có dịch vụ giáo dục người lớn, cung cấp cho người lớn những tri thức và kĩ năng họ cần. Điều đó cho thấy, vai trò xã hội của trường đại học ngày càng được người theo học các chương trình thuộc giáo dục thường xuyên kì vọng nhiều hơn. Trường đại học sẽ là cầu nối với chỗ còn lại của hệ thống giáo dục, bằng cách cung cấp cho người lớn khả năng trở lại việc học và thực hiện chức năng của một trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục người lớn (Andragogy) mà đến nay, những nhà quản lí vĩ mô về giáo dục vẫn còn xa lạ với khái niệm này. Những dịch vụ giáo dục người lớn sẽ phát triển khi các trường đại học thấy được ở nước ta hiện có đến ba, bốn chục triệu người đang lao động cần đến những hình thức dịch vụ khác nhau theo hướng cá nhân hóa. Nếu trường đại học đón đầu xu thế này thì vài thập kỉ tới không thiếu gì việc làm. Hơn nữa, UNESCO còn có tham vọng đưa dịch vụ giáo dục đại học thành hệ thống dịch vụ chung của các trường đại học trên thế giới.

Những người làm công tác giáo dục thường xuyên thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lớn, mong mỏi ở các trường đại học sẽ là lực lượng chủ công trong những việc sau đây: - Trường đại học cần nhấn mạnh hơn đến việc đào tạo về khoa học và công nghệ cho người lao động đang có nhu cầu học tập để họ có năng lực điều hành những hệ thống ngày càng phức tạp. Xu thế này là chắc chắn, không có khả năng đảo ngược, vì thế các trường đại học phải luôn sẵn sàng và luôn thích ứng với các chương trình giáo dục người lớn theo yêu cầu của xã hội; - Với tiến trình máy móc hiện đại đang ngày càng thay thế lao động chân tay của người nông dân, thợ thủ công, công nhân trong công việc sử dụng công cụ thô sơ, năng lực trí tuệ và óc sáng tạo của họ cần phải tăng lên ở mọi trình độ. Công việc giáo dục cho đối tượng này sẽ ngày càng phụ thuộc vào trường đại học; - Khi thông tin và tri thức tăng theo hàm số mũ, việc định hướng những gì cần phải học, cần phải ứng dụng, trường đại học là đơn vị cơ bản làm nhiệm vụ xác định cụ thể. Trên cơ sở đó, trường đại học sẽ thiết kế những chương trình, những khóa học cho người lớn. Việc chuyển tải nội dung học tập này cần tránh cách giảng dạy hàn lâm cũng như lối “tư duy tháp ngà”, không bám sát cuộc sống thực tại.

Trường đại học quốc gia hay địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhân lực tại chỗ cho đất nước; đồng thời, trường đại học là cầu nối quan trọng giữa các nước phát triển và đang phát triển. Quan niệm “trường đại học đào tạo Thầy, trường dạy nghề đào tạo thợ” đã lỗi thời. Năng lực cạnh tranh của đất nước phụ thuộc chủ yếu vào trường đại học thời @, bởi chúng ta vươn ra thế giới không thể bằng trình độ giáo dục phổ thông được. Giáo dục đại học là công cụ định hướng cho sự phát triển của giáo dục phổ thông và giáo dục người lớn. Sự phát triển của trường đại học sẽ tạo nên hướng đổi mới cho hệ thống giáo dục của đất nước.

GS. TS Phạm Tất Dong

Bạn đang đọc bài viết Trường đại học với việc học tập suốt đời của nhân dân trong xã hội học tập tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn