Quan niệm và việc thực hành công tác kiểm tra đánh giá của giáo viên tại các lớp học tiếng Anh ở Việt Nam

Phương pháp dạy học dựa trên nhiệm vụ đang ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh đổi mới chương trình dạy học. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về việc triển khai kiểm tra đánh giá trong các lớp học áp dụng phương pháp này. Nghiên cứu của Xuan Van Ha và cộng sự tìm hiểu về quan niệm và việc thực hành kiểm tra đánh giá của các giáo viên bộ môn tiếng Anh cấp Trung học phổ thông trong bối cảnh đổi mới chương trình học ở Việt Nam.

Phương pháp học tập dựa trên nhiệm vụ (TLBT) đã được triển khai trong khuôn khổ các nỗ lực đổi mới chương trình dạy học ở nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều học giả trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ thứ hai. Trong đó, ngày càng nhiều nghiên cứu khai thác vấn đề quan niệm của giáo viên giảng dạy ngoại ngữ có ảnh hưởng như thế nào đến việc triển khai các chương trình dạy học áp dụng TLBT. Bên cạnh những yếu tố tích cực, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số giáo viên gặp khó khăn trong việc triển khai chương trình mới này trong các lớp học của họ với nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm năng lực của người học, kích thước lớp học, văn hoá thi cử.

Trong số đó, văn hoá kiểm tra đánh giá được coi là một trong những yếu tố chính khiến giáo viên “ngại” triển khai chương trình mới. Một số nhà khoa học cho rằng đổi mới kiểm tra đánh giá cũng cần được triển khai trong thực tiễn để đạt được những thay đổi thực sự trong lớp học. Bên cạnh đó, mặc dù là một trong những nhân tố chính của quá trình kiểm tra việc học ngoại ngữ, nhưng có rất ít nghiên cứu về quan điểm và việc thực hành của giáo viên đối với công tác kiểm tra đánh giá trong bối cảnh đổi mới chương trình dạy học. Đó cũng chính là mục tiêu mà nhóm nghiên cứu tìm cách lấp đầy thông qua bài viết.

Nghiên cứu này được thực hiện tại một trường trung học phổ thông công lập (lớp 10-12) ở miền Trung Việt Nam. Đây là một trong những trường lớn nhất tỉnh, bao gồm 45 lớp, mỗi lớp có từ 35 đến 45 học sinh. Tiếng Anh là môn ngoại ngữ bắt buộc và được dạy trong 3 tiết học, mỗi tiết 45 phút mỗi tuần. Sinh viên được yêu cầu phải làm bài kiểm tra tiếng Anh để được công nhận tốt nghiệp. Trình độ tiếng Anh trung bình của học sinh nằm ở giữa sơ cấp (elementary) và tiền trung cấp (pre-intermediate), mặc dù các em bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 6. Nhiều học sinh học tiếng Anh vì mục đích thi cử hoặc vì đây là môn học bắt buộc. Lớp học là môi trường chính để học sinh tương tác bằng tiếng Anh.

Nghiên cứu này được thực hiện với sáu giáo viên có kinh nghiệm, được chọn dựa trên kỹ thuật lấy mẫu quả cầu tuyết nhằm tìm kiếm hai giáo viên có kinh nghiệm từ mỗi lớp. Có 5 người tham gia có giới tính nữ và 1 người có giới tính nam, điều này phản ánh sự phân bổ giới tính không cân bằng trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam. Họ đều là người Việt và sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ. Họ cũng đã có bằng cử nhân giảng dạy EFL trước khi bắt đầu công việc. Họ thường xuyên tham gia các hoạt động phát triển chuyên môn (PD), bao gồm một số hội thảo đào tạo về giảng dạy ngôn ngữ theo nhiệm vụ do Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tổ chức.

Quan niệm của giáo viên về việc cần tập trung giảng dạy các kiến thức ngữ pháp và từ vựng cho học sinh, thể hiện qua cách họ thiết kế các bài kiểm tra, đi ngược lại mục đích của việc thi cử theo chương trình dạy học mới. Ngoài ra, quan niệm của giáo viên rằng việc kiểm tra học sinh bằng các thành tố ngữ pháp có thể giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho các bài thi cuối kì/cuối cấp cũng phản ánh tác động rất lớn của những bài thi ở cấp cao hơn tới cách tiếp cận thi cử của từng lớp học nhỏ. Những quan niệm này hầu hết đều trái ngược với các nguyên tắc của TBLA và chương trình dạy học mới. Có thể, giáo viên có suy nghĩ như vậy là do họ bị ảnh hưởng bởi phương pháp dạy học truyền thống mà trước đây họ trải nghiệm, vốn chỉ tập trung vào ngữ pháp và dịch thuật.

Các bình luận của giáo viên về việc thiết kế các câu hỏi kiểm tra chủ yếu tập trung vào kĩ năng đọc và viết cho thấy những nỗ lực của họ trong việc tập trung kiểm tra học sinh theo từng kĩ năng. Tuy nhiên, qua phân tích kĩ hơn dữ liệu nghiên cứu đã tiết lộ những thông tin thú vị. Nhận xét của các giáo viên về việc đưa các câu hỏi trắc nghiệm vào phần đọc và câu hỏi viết lại câu dựa vào từ cho sẵn cho bài kiểm tra viết, một lần nữa phản ánh sự tập trung sâu sắc vào các thành tố của ngôn ngữ trong nội dung và hình thức của bài kiểm tra. Do đó, cách tiếp cận này lại một lần nữa đi ngược với các nguyên lí của TBLA, vốn khuyến khích sử dụng các câu hỏi thi có tính ứng dụng thực tế cao.

Tác động của các kỳ thi “cấp cao” đối với các nguyên tắc thiết kế bài kiểm tra của giáo viên được phản ánh trong việc lựa chọn kĩ năng ngôn ngữ để đưa vào bài thi của họ. Tất cả các giáo viên đều giải thích rằng họ quyết định loại bỏ phần nghe và nói trong bài kiểm tra vì hai kỹ năng này không được đưa vào bài thi cuối kì/cuối cấp. Những lời giải thích này chỉ ra rằng các giáo viên đang cố gắng điều chỉnh các bài kiểm tra của họ cho phù hợp với hình thức của bài kiểm tra cuối kì/cuối cấp, trong đó việc nhận dạng các yếu tố ngôn ngữ rời rạc và tái cấu trúc ngôn ngữ một cách chính xác là mục tiêu chính. Điều này cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của kỳ thi cuối kỳ đến việc thực hành kiểm tra trên lớp của giáo viên.

Vân An dịch

Nguồn:

Ha, X. V., Tran, N. G., & Tran, N. H. (2021). Teachers’ beliefs and practices regarding assessment in English as a foreign language classrooms in Vietnam. The Qualitative Report, 26(11), 3457-3475. https://doi.org/10.46743/2160-3715

Bạn đang đọc bài viết Quan niệm và việc thực hành công tác kiểm tra đánh giá của giáo viên tại các lớp học tiếng Anh ở Việt Nam tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19