Sự truyền tải sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi của trường đại học vào chương trình đào tạo

Sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi là cơ sở nền tảng định vị giá trị, vị thế của mỗi trường đại học, cũng như định hướng chiến lược cho sự phát triển của trường. Bài viết này hướng trọng tâm vào thảo luận về sự truyền tải sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi của trường đại học vào chương trình đào tạo. Cụ thể là việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra và chỉ số đánh giá từ những thành tố này theo quan điểm của cách tiếp cận giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra.

Sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi của một cơ sở giáo dục đại học chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng được truyền tải vào trong các chương trình đào tạo, cụ thể là trong các mục tiêu và chuẩn đầu ra. Do đó, bài viết này có trọng tâm là thảo luận về sự truyền tải sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi của trường đại học vào chương trình đào tạo. Cụ thể là việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra và chỉ số đo lường từ sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi. Cấu trúc của bài viết này gồm bốn phần chính: thứ nhất là giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra, thứ hai là xây dựng mục tiêu của chương trình đào tạo, thứ ba là xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và thứ tư là xây dựng chỉ số đánh giá.

1. Giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra

Cách tiếp cận giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra hay giáo dục dựa trên kết quả (OBE - Outcome-Based Education) đã được nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới áp dụng từ những năm 90 của thế kỷ XX. Theo Spady (1994), “giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra có nghĩa là tập trung và tổ chức rõ ràng mọi thứ trong một hệ thống giáo dục xung quanh những gì cần thiết để tất cả người học có thể thành công khi kết thúc trải nghiệm học tập của mình. Điều này có nghĩa là bắt đầu với một bức tranh rõ ràng về điều quan trọng mà người học có thể làm được, sau đó tổ chức chương trình giảng dạy, hướng dẫn và đánh giá để đảm bảo việc học tập này cuối cùng sẽ diễn ra” (tr.1).

Giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra là một phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm, tập trung vào những gì người học có thể làm được trong thế giới thực sau khi hoàn thành khóa học hoặc chương trình của họ. Trong mô hình giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra thì chương trình giảng dạy được xây dựng cẩn thận bằng cách xác định chuẩn đầu ra trước, sau đó thiết kế ngược lại bằng cách: - Cẩn thận xác định đánh giá xác thực; - Lựa chọn/xây dựng các hoạt động và trải nghiệm học tập phù hợp; - Lựa chọn nội dung phù hợp.

Quá trình này đảm bảo rằng người học có thể chứng minh việc đạt được các chuẩn, kết quả đầu ra và rằng kết quả học tập, các hoạt động/phương pháp học tập và đánh giá được thống nhất với nhau (The Outcomes Based Curriculum Initiative, n.d.).

Hình 1. Quy trình thiết kế chương trình dạy học dựa trên chuẩn đầu ra (Johnson, 2022)

2. Xây dựng mục tiêu của chương trình đào tạo

Thuật ngữ mục tiêu của chương trình đào tạo thường được sử dụng trong tiếng Anh với nghĩa “mục tiêu giáo dục của chương trình đào tạo (program educational objective - PEO). Theo Rogers (2020) thì mục tiêu giáo dục của chương trình đào tạo là những tuyên bố rộng mô tả những thành tựu nghề nghiệp và chuyên môn mà chương trình chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp đạt được. University of Nottingham (n.d.) định nghĩa mục tiêu giáo dục của chương trình đào tạo (PEO) là những gì chương trình đào tạo chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp trong sự nghiệp và cuộc sống nghề nghiệp của họ. Theo Abbadeni và cộng sự (2013) thì mục tiêu giáo dục của chương trình đào tạo là những tuyên bố rộng thể hiện những thành tích mong đợi mà sinh viên tốt nghiệp từ một chương trình được cho là sẽ đạt được trong vài năm sau khi tốt nghiệp (thường là 3 đến 5 năm trở lên) (tr.34). Nguyên tắc xây dựng mục tiêu của chương trình đào tạo là phải căn cứ vào sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi của trường. Với Việt Nam thì còn cần căn cứ thêm vào mục tiêu giáo dục của Luật Giáo dục Đại học và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Về cấu trúc thì một mục tiêu của chương trình đào tạo thường được bắt đầu bằng một động từ hành động hoặc cụm từ “người tốt nghiệp sẽ…”.

3. Xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

Thuật ngữ chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trong tiếng Anh là kết quả đầu ra của người học (student outcomes), kết quả của chương trình đào tạo (program outcomes), hoặc kết quả học tập mong đợi (expected learning outcomes). Theo University of Notthingham (n.d.) thì kết quả của chương trình đào tạo (PO) là kết quả mà người học phải biết và có thể thực hiện hoặc đạt được khi tốt nghiệp. Còn theo Rogers (2020) thì kết quả đầu ra của người học là những tuyên bố mô tả những gì người học được kỳ vọng sẽ biết hoặc có thể làm được vào thời điểm họ hoàn thành một chương trình đào tạo. Ngoài ra, kết quả học tập là những tuyên bố mô tả việc học quan trọng và cần thiết mà người học đã đạt được và có thể chứng minh một cách đáng tin cậy khi kết thúc khóa học hoặc chương trình. Kết quả học tập xác định những gì người học sẽ biết và có thể làm khi kết thúc một khóa học hoặc chương trình - kiến thức, khả năng (kỹ năng) và thái độ (giá trị, khuynh hướng) thiết yếu và lâu dài tạo thành việc học tích hợp cần thiết cho một sinh viên tốt nghiệp một khóa học hoặc một chương trình đào tạo (How to Write Program Objectives/Outcomes, n.d.).

Về cách xây dựng chuẩn đầu ra, trước hết cấu trúc của một chuẩn đầu ra cần đảm bảo: - Một động từ hành động (action verb); - Nội dung thực hiện (content); - Ngữ cảnh để thực hiện (context); - Tiêu chuẩn hoàn thành (criteria).

Các câu hỏi mà chuẩn đầu ra giải quyết bao gồm: Sinh viên tốt nghiệp lý tưởng từ chương trình nên thể hiện những kiến thức, kỹ năng, khả năng và khuynh hướng nào? Làm thế nào họ có thể thể hiện những năng lực này? Chương trình đào tạo chuẩn bị cho sinh viên về nghề nghiệp, nghiên cứu chuyên môn và/hoặc học tập suốt đời tốt như thế nào? Chúng ta có thể sử dụng những đánh giá nào để chứng minh sự phát triển về kiến thức, kỹ năng, khả năng và khuynh hướng của sinh viên khi các em tiến bộ trong chương trình đào tạo? (How to Write Program Objectives/Outcomes, n.d.).

Điểm quan trọng là chuẩn đầu ra phải thể hiện được mục tiêu của chương trình đào tạo. Ngoài ra, việc xây dựng chuẩn đầu ra phải đảm bảo quy tắc SMART (Hình 2).

Hình 2. Quy tắc SMART trong xây dựng chuẩn đầu ra

4. Xây dựng chỉ số đánh giá

Chỉ số đánh giá (performance indicator - PI) là kết quả cụ thể có thể đo lường được mà người học phải đáp ứng như các chỉ số về thành tích đạt được. Các chỉ số đánh giá được phát triển từ chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Các chỉ số đánh giá xác định những hành động cụ thể nào mà người học có thể thực hiện khi tham gia vào chương trình đào tạo. Sau khi các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được xác định thì kiến thức và kỹ năng cần thiết để nắm vững các kết quả này cần được liệt kê. Các chỉ số đánh giá được tạo thành từ ít nhất hai yếu tố chính; một động từ hành động, xác định chiều sâu mà người học thực hiện hành động và nội dung giới thiệu, là trọng tâm của hướng dẫn (instruction). Hành vi dự kiến phải cụ thể, sử dụng động từ hành động có thể quan sát được như chứng minh, diễn giải, phân biệt hoặc định nghĩa (ABET, 2017).

Sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi được các cơ sở giáo dục xây dựng dựa trên những đặc trưng rất riêng của họ. Trong cách tiếp cận giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra thì mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cần được xây dựng để truyền tải được những thành tố trên. Mục tiêu của chương trình đào tạo luôn phản ánh được sứ mạng và tầm nhìn của trường. Thêm nữa, chuẩn đầu ra phải luôn tương thích với mục tiêu của chương trình đào tạo. Những kinh nghiệm quốc tế có thể là những thực hành tốt để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam học hỏi, đối sánh trong quá trình xây dựng và rà soát sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi của mình. Từ đó truyền tải được những thành tố này vào các chương trình đào tạo.

Nguyễn Hữu Cương

Tài liệu tham khảo 

Abbadeni, N., Ghoneim, A. & AlGhamdi, A. (2013). “Program educational objectives definition and assessment for accreditation purposes”, International Journal of Engineering Pedagogy (iJEP), 3(3), pp.33-46. https://doi.org/10.3991/ijep.v3i3.2777

ABET (2017), Student Outcomes and Performance Indicators. https://www.abet.org/wp-content/uploads/2017/02/Student-Outcomes-and-Performance-Indicators_revised.pdf

Bart, C.K., Bontis, N. & Taggar, S. (2001). “A model of the impact of mission statements on firm performance”, Management Decision, 39(1), 19-35.

How to Write Program Objectives/Outcomes (n.d.). https://www.diabeteseducator.org/docs/default-source/education-and-career/ce-program-accreditation/howtowriteobjectivesoutcomes.pdf

Johnson Ong Chee Bin (2022). Handout of the workshop “Applied approach to designing and implementing OBE framework”, Van Lang University, 7-10 June 2022.

Rogers, G. (2020), Program educational objectives and student outcomes: Same but different, ABET. https://www.abet.org/wp-content/uploads/2020/09/Objectives_Outcomes-09.09.20.pdf

Spady, W.G. (1994). Outcome-Based Education: Critical Issues and Answers. American Association of School Administrators. https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED380910.pdf

Spady, W.G. & Marshall, K.J. (1991). “Beyond Traditional Outcome-Based Education”, Educational Leadership, 49(2), 67-72.

The Outcomes Based Curriculum Initiative (n.d.). https://obecurriculumsessions.wordpress.com/what-is-obe/

University of Nottingham (n.d.). Programme Educational Objectives (PEO). https://www.nottingham.edu.my/Engineering/Departments/M3/Programme-Educational-Objectives-PEO.aspx

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19