Thực hiện Nghị quyết 29: Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Một trong những nội dung của yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW là nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho học sinh, sinh viên. Thời gian qua, mặc dù công tác này đã được quan tâm chú trọng trong các nhà trường nhưng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Bình, Nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho hay: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1501/QĐ-TTG, ngày 28/08/2015 phê duyệt đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020 ". Kết quả thực hiện đã khẳng định, các chỉ tiêu, giải pháp được xây dựng trong đề án đó có sự chuyển biến tích cực. Trong suốt những năm qua, các chỉ tiêu, các giải pháp được đưa ra trong đề án đã khẳng định hiệu quả của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi. 

Tuy nhiên, mặt trái của đề án cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là một bộ phận thanh thiếu nhi có biểu hiện nhìn nhận về phạm trù đạo đức chưa đúng hoặc không đúng, suy thoái đạo đức, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, sống không lành mạnh, coi thường dư luận. Thực tế cho thấy ở đâu đó vẫn có các trường hợp thích gây gổ, đánh nhau, thờ ơ với những tiêu cực, không ngăn cản những hành vi xấu. Hoặc cũng có thể nói học sinh, sinh viên được trang bị lý thuyết tốt, nhưng lại thiếu kỹ năng sống, thiếu sự hợp tác, thiếu kỹ năng mềm.

Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Bình cho rằng cần tiếp tục đổi mới, quan tâm chú trọng nội dung cần truyền tải đến cả người dạy, người học về tính cấp thiết của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức, lối sống trong giai đoạn hiện nay. Quan tâm đến giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, văn hóa tinh hoa nhân loại trong thời kỳ công nghệ số - hội nhập quốc tế. Hình thức tuyên truyền có thể thông qua nhiều cách khác nhau: Hội nghị truyền thông, hoạt động trải nghiệm, sắm vai, hội thi… khơi dậy tính tích cực hoạt động vì cộng đồng của học sinh, sinh viên. Tránh giáo dục một chiều chỉ thấy vai trò của người thầy mà lu mờ vai trò nhập cuộc của người học.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Loan, nguyên Phó khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: Mặc dù đã được tập trung chú trọng nhưng nội dung giáo dục hiện nay chưa kết hợp tốt giữa giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa với giáo dục khoa học, công nghệ và kỹ thuật, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có một thời gian dài, chúng ta xem nhẹ việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên, nếu có thì chỉ mang tính hình thức, kém hiệu quả. Nhìn chung, nội dung giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay vẫn chỉ mới tập trung vào những vấn đề như giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục tri thức, giáo dục nghề nghiệp, công ăn, việc làm… Trong khi đó, có những nội dung cơ bản, cấp bách vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong đó đặc biệt là những vấn đề về đạo đức lối sống. Phương pháp giáo dục thanh niên thời gian qua vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống, còn lạc hậu, chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa, chưa gắn với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo và năng lực thực hành của sinh viên. 

Nhận định, giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên hiện nay là nhiệm vụ cấp bách của mỗi trường đại học, Thạc sĩ Lê Thị Loan cho rằng: Hoạt động này cần được quán triệt từ lãnh đạo đến các khoa, phòng, các tổ chức và cần có sự phối hợp lẫn nhau trong các nhà trường. Phương pháp và các hình thức giáo dục cần linh hoạt, phong phú, hấp dẫn, đưa sinh viên vào những hoạt động thực tiễn để tăng sự trải nghiệm và hình thành kĩ năng, thái độ tốt, đúng đắn. 

Với góc nhìn cá nhân nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, Nhà giáo Hoàng Gia Khiêm, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GDĐT nhận định: Trên cơ sở các văn bản của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của địa phương, mỗi nhà trường cần phải xây dựng chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và giáo viên trong từng năm học. Phải nhận thức rằng giáo viên có trách nhiệm tham gia tích cực trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đồng thời bản thân giáo viên cũng phải tự rèn luyện, hoàn thiện đạo đức lối sống cho chính mình. Đối với phụ huynh, nhà trường cần có biện pháp thích hợp để tuyên truyền, phổ biến giúp cha mẹ học sinh biết được nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Tránh tình trạng nhà trường thì giáo dục, gia đình thì dèm pha.

Bên cạnh đó, theo Nhà giáo Hoàng Gia Khiêm, cần nghiên cứu và cụ thể hóa những nội dung của đạo đức, lối sống. Phải liệt kê ra những điểm của đạo đức tốt, lối sống tốt để rèn luyện và phát huy, những điểm đạo đức không tốt, đạo đức suy thoái, lối sống không lành mạnh để tránh và không làm theo. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường là một việc khó nhưng khi thực hiện có bài bản và đúng bài bản nhất định thu được những kết quả tốt đẹp. 

Mới đây, trả lời chất vấn về vấn đề bạo lực học đường, một trong những yếu tố phản ánh trực tiếp về đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên trong các nhà trường Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường. Đáng chú ý, tỉ lệ vụ việc bạo lực học đường với số lượng lớn học sinh tham gia chiếm tỉ lệ ngày càng cao, xảy ra cả trong và ngoài trường học. Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn nhìn nhận trước hết từ phía ngành giáo dục. Trong trường học, trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng để phát hiện, xử lý các tình huống dẫn đến bạo lực học đường còn lúng túng, kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GDĐT đề nghị các ngành liên quan hỗ trợ ngành giáo dục để giải quyết tình trạng bạo lực học đường.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Thực hiện Nghị quyết 29: Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19