Thực hiện Nghị quyết 29: Thách thức lớn khi thiếu hàng trăm nghìn giáo viên

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở các trường học trên cả nước, cũng là năm thứ 10 ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Tuy phải thực hiện nhiệm vụ đổi mới chưa từng có tiền lệ với nhiều khó khăn, rào cản, nhưng ngành lại đang thiếu hàng trăm nghìn giáo viên trên khắp cả nước.

Cả nước thiếu trên 127.000 giáo viên

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, tính đến tháng 11/2023, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh…. Con số này gia tăng không ngừng vì số lượng trẻ em đi học tăng lên rất lớn nên yêu cầu về giáo viên cũng tăng lên. Nếu đến cuối năm học 2022-2023, thống kê trên cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy Thanh Hóa thiếu gần 5.000 giáo viên thì đến năm học 2023-2024, con số này đã lên đến hơn 16.600 người, tăng gấp hơn 3 lần. 

Số giáo viên thiếu nên tỷ lệ giáo viên trên lớp ở tất cả các cấp học đều không đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, tỷ lệ giáo viên/lớp ở bậc mầm non chỉ đạt 1,77 trong khi theo quy định là 2,2. Tỷ lệ này ở bậc tiểu học trên thực tế là 1,33 trong khi theo quy định là 1,5; ở bậc trung học cơ sở là 1,79 trong khi theo yêu cầu phải đạt 1,9; ở bậc trung học phổ thông là 2,07 trong khi định mức là 2,25.

Thiếu giáo viên tập trung nhiều nhất ở bậc mầm non và ở các môn học mới xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Tiếng Anh, Tin học ở bậc tiểu học; Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc trung học phổ thông). Chỉ tính riêng môn Nghệ thuật, cả nước có gần 2.500 trường trung học phổ thông nhưng chỉ có 46 giáo viên môn này trong biên chế.

Việc thiếu giáo viên đã khiến việc giảng dạy ở các nhà trường gặp vô vàn khó khăn và phải linh hoạt nhiều giải pháp để khắc phục, giáo viên phải làm việc vượt quá khung giờ. Xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có ba trường tiểu học nhưng chỉ có duy nhất một giáo viên Tiếng Anh nên giáo viên này phải luân phiên dạy cả ba trường. Tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), tình hình còn căng thẳng hơn khi cả huyện với 16 trường tiểu học nhưng cũng chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh. Tỉnh phải nhờ các giáo viên ở Nam Định dạy trực tuyến môn Tiếng Anh cho học sinh của 5 trong tổng số 9 huyện, thị trên địa bàn. Tại Hà Giang, cả huyện Mèo Vạc cũng chỉ có một giáo viên Tiếng Anh và phải nhờ giáo viên Tiếng Anh ở cấp tiểu học. Huyện đã phải nhờ giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) dạy trực tuyến qua Zoom ba tiết mỗi tuần cho học sinh.

Khó khăn trong tuyển dụng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, trước thực trạng trên, năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng với Bộ Nội vụ xác định chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển giáo viên. Nhưng theo thống kê của ngành Bộ Nội vụ, hiện, các tỉnh vẫn còn lại hơn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. “Có nhiều lý do, có nơi dùng để dành để cắt giảm 10% biên chế, nhưng cũng có nơi không có nguồn tuyển,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đến nay, ngoài giáo viên những môn học mới đang trong quá trình đào tạo thì giáo viên mầm non dù nguồn tuyển có nhưng không có người ứng tuyển do lương thấp, áp lực lớn. 

Chia sẻ từ thực tiễn cơ sở, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết năm học 2022-2023, tỉnh được giao 614 biên chế nhưng chỉ tuyển được 140 người vì không có nguồn tuyển. 

Tương tự, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng cho hay từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng với tổng số chỉ tiêu tuyển là 2.532 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 726 người, chiếm 28,7% tổng chỉ tiêu tuyển. “Riêng giáo viên Tiếng Anh, Tin học, tỉnh có chính sách thu hút lên vùng cao đối với giáo viên tuyển mới với số tiền 100 triệu đồng/người nhưng vẫn chưa tuyển mới được một trường hợp nào,” ông Duy cho biết. 

Đây cũng là chia sẻ của  ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau. “Giống như Yên Bái, đội ngũ giáo viên của Cà Mau thiếu rất nhiều. Dù được phân bổ 600 biên chế nhưng không tuyển được vì không có nguồn, đặc biệt là các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc”, ông Luân nói.

Trong khi số lượng giáo viên thiếu so với nhu cầu, việc tuyển dụng thêm giáo viên mới gặp nhiều khó khăn thì làn sóng giáo viên nghỉ việc lại ngày một gia tăng. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Một trong những nguyên nhân chính do đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, thu nhập chưa tương xứng với nghề, trong khi sự phát triển của xã hội mang đến nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho các thầy cô. 

Cần tăng lương, đảm bảo số lượng giáo viên

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, giáo viên là tài sản quý giá nhất, là yếu tố cốt lõi quyết định chất lượng giáo dục, quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29. Vì vậy, trước thực trạng giáo viên đã thiếu lại hụt thêm mỗi năm, tư lệnh ngành giáo dục cho rằng đây là vấn đề lớn cần phải đưa ra nhiều giải pháp, một mặt vừa chuẩn bị nguồn tuyển nhưng cũng cần sớm có sự điều chỉnh về lương, chế độ chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp khác đồng bộ khác để giữ chân nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học.

Tăng lương, phụ cấp cho giáo viên, đảm bảo số lượng đội ngũ nhà giáo cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại Kỳ họp thứ 6. 

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau kiến nghị tăng cường đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm số lượng và chất lượng để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, có chế độ tiền lương tương xứng đối với giáo viên, trước mắt là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học. Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bên cạnh vấn đề tăng lương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học tạo thêm khó khăn cho ngành giáo dục. “Chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo là đúng đắn. Tuy nhiên, nên thực hiện theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách. Các địa phương cần chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục,” Bộ trưởng nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tích cực rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan. Để đảm bảo số lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các địa phương, đặc biệt là các vùng khó khăn khi sĩ số lớp học ít hơn so với bình quân cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 20 về về tính định mức giáo viên thay thế Thông tư 16. Theo đó, định mức giáo viên/lớp sẽ chia theo ba vùng khác nhau thay vì một mức chung như trước đây. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 về đào tạo giáo viên liên quan đến đào tạo sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Thực trạng thiếu giáo viên của ngành giáo dục cũng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương đảm bảo giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, rà soát, cơ cấu lại, bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định; linh hoạt điều chuyển giáo viên đồng thời chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên kịp thời, bảo đảm về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số lượng giáo viên còn thiếu để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Thực hiện Nghị quyết 29: Thách thức lớn khi thiếu hàng trăm nghìn giáo viên tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19