Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Giáo viên vẫn băn khoăn với môn tích hợp

Dù chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã triển khai ở bậc trung học cơ sở đến năm thứ 3 nhưng giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến các môn học mới, nhất là môn học tích hợp Khoa học Tự nhiên.

Giáo viên chưa tự tin đứng lớp

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, ở bậc trung học cơ sở sẽ không còn các đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học như trước đây mà được tích hợp trong môn Khoa học Tự nhiên, hai môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý. 

Sau hàng chục năm đứng lớp dạy đơn môn và được đào tạo sư phạm về dạy học đơn môn nên việc phải chuyển sang dạy các môn học tích hợp ở chương trình mới là thách thức lớn đối với các giáo viên. Trong khi đó, nhiều thầy cô chưa được bồi dưỡng hoặc chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn về dạy học tích hợp, khiến việc triển khai môn học này ở các nhà trường chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, cả huyện có khoảng 400 giáo viên dạy các môn tích hợp nhưng mới có 40 giáo viên được đi học bồi dưỡng về dạy học tích hợp, chiếm tỷ lệ 1/10. 

“Vì giáo viên chưa được bồi dưỡng nên trường vẫn dạy môn tích hợp theo hướng bố trí các giáo viên đơn môn đảm nhiệm từng phần”, cô Khổng Thị Thái, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho hay

Tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, chưa giáo viên nào được cử đi học bồi dưỡng chứng chỉ này. Theo thầy Lê Hồng Quân, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), trường cũng rất mong ngành giáo dục địa phương mở lớp để cử giáo viên đi học nhưng chưa thấy có chủ trương. “Chúng tôi chỉ nhận được thông báo của các trường sư phạm về việc mở lớp bồi dưỡng dạy tích hợp, nhưng giáo viên sẽ phải tự túc kinh phí trong khi đời sống thầy cô còn nhiều khó khăn”, thầy Quân nói.

Do giáo viên chưa được bồi dưỡng, chưa thể đứng lớp dạy trọn vẹn cả môn tích hợp nên Trường Trung học cơ sở Đất Mũi buộc phải “xé lẻ” môn học này, giao cho ba giáo viên đơn môn Lý, Hóa, Sinh cùng dạy theo các phần kiến thức liên quan đến từng môn.

Tuy nhiên, ngay cả với các giáo viên đã được bồi dưỡng, việc dạy tích hợp cũng là cả thách thức lớn. “Để dạy được học sinh, tự tin đứng lớp, tự tin có thể trả lời được các câu hỏi thắc mắc của học trò, giáo viên phải có kiến thức sâu về môn học. Vì vậy, chương trình bồi dưỡng ngắn hạn vài ba tháng không thể đáp ứng được yêu cầu này. Vì thế, dù đã được học bồi dưỡng, tôi vẫn không thể đảm nhiệm cả môn tích hợp”, cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên một trường Trung học cơ sở ở Thái Bình chia sẻ. 

Cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, sau khi bồi dưỡng, các giáo viên của trường phải mất thêm một năm để làm quen, tập dượt, chuẩn bị, bổ sung kiến thức mới có thể đứng lớp dạy môn tích hợp.

Do giáo viên không đủ tự tin nên trên thực tế, rất ít trường học triển khai một giáo viên dạy trọn vẹn cả môn tích hợp. Từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi, đa số các trường vẫn đang triển khai dạy môn tích hợp theo hướng phối hợp ba giáo viên đơn môn. Điều này gây khó khăn cho các nhà trường trong việc sắp xếp thời khóa biểu đồng thời làm phá vỡ mạch kiến thức của môn học, học sinh khó nắm bắt kiến thức. Vì thế, mục tiêu tích hợp kiến thức liên môn của môn học như chương trình giáo dục phổ thông mới đề ra chưa đạt như kỳ vọng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh chương trình

Khó khăn trong dạy và học môn tích hợp cũng là một trong những vấn đề được nhiều giáo viên kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Theo cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường Trung học cơ sở Đặng Thai Mai (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ giáo viên.

Chia sẻ với với những trăn trở của các thầy cô, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế đã gặp những khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.

Bộ trưởng cho hay sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn, tăng cường tập huấn, hướng dẫn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực.

“Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục,” Bộ trưởng nói.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Giáo viên vẫn băn khoăn với môn tích hợp tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19