Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa: Sẽ quay lại độc quyền?

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo thêm một bộ sách giáo khoa đang nhận được nhiều ý kiến bàn luận. Các ý kiến này cho rằng việc quan tâm đến sách giáo khoa là cần thiết nhưng cũng có ý kiến lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách sẽ dẫn đến việc quay về một bộ sách như trước đây, đồng thời phá vỡ chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa.

Không cấp thiết, nguy cơ vỡ chủ trương xã hội hóa 

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chủ trương đa dạng hóa, xã hội hóa sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thành công. Đây là chủ trương đúng và việc triển khai của Bộ được đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao. Tuy nhiên, bà Hoa cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cần phải biên soạn một bộ sách giáo khoa để Nhà nước hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống, đảm bảo việc đến đầu năm học mới có sách cho học sinh và đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước đối với việc này. 

Đây cũng là quan điểm của ông Trần Văn Sáu, đại biểu Quốc hội Đồng Tháp. Theo ông Sáu, việc xã hội hóa sách giáo khoa hoàn toàn đã dẫn tới giá sách cao và Nhà nước không kiểm soát được. Vì vậy, xã hội hóa sách giáo khoa là cần cần thiết nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo. “Chúng ta không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hóa đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa lại càng tăng, đây là nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng giá sách tiếp tục không tăng. Điều này trái với điểm g khoản 7 Điều 1 Nghị quyết 122 của Quốc hội là sách giáo khoa phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và thu nhập của người dân. Chúng ta cần xem xét lại và vấn đề này”, ông Sáu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, tranh luận với các ý kiến trên, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa tại thời điểm hiện tại không thực sự cấp thiết do đã có ba bộ sách được biên soạn và được sử dụng trong các nhà trường. 

Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Phân tích về chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng điểm cốt lõi hướng đến là nhằm xóa bỏ tư duy phụ thuộc vào sách trong giáo dục, hướng tới giáo viên có thể chủ động lựa chọn tài liệu dạy học phù hợp với năng lực dạy của bản thân và trình độ của học sinh, miễn các em đạt mục tiêu chương trình giáo dục đề ra. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng hiện nay, nhận thức của xã hội về vấn đề này vẫn chưa thật đầy đủ, trình độ giáo viên ở một số môn học mới còn hạn chế. “Do đó, nếu bộ biên soạn thời điểm này, tôi chắc chắn chúng ta lại quay trở lại một sách giáo khoa”, bà Nga nói.

Giáo viên phải được chọn sách

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, điều quan trọng nhất thời điểm này là Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung nghiên cứu và nghiêm túc triển khai phương án lựa chọn và sử dụng có hiệu quả các bộ sách giáo khoa đã và đang sử dụng hiện tại, là làm sao giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với năng lực và phương pháp giảng dạy của mình và với năng lực học tập cũng như mặt bằng tâm lý của học sinh ở từng địa phương, từng trường. 

“Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa chỉ nên thực hiện sau khi có sự tổng kết, đánh giá trong thời gian tới, cụ thể, khách quan và khoa học. Tôi nghĩ rằng phải giữ được sự tin tưởng, sự đồng lòng và sự vào cuộc của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội để đảm bảo chất lượng giáo dục và từ đó giảm thiểu được sự bất an trong gia đình, trong nhà trường cũng như trong xã hội, cũng giảm được sự lãng phí về mặt nguồn lực của xã hội”, đại biểu Lưu Bá Mạc nói.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng thay đổi một chính sách lớn giữa chừng là một việc cần có thời gian để nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cẩn thận. “Tôi cho rằng, thay vì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số là việc cấp thiết hơn”, bà Thúy nói.

Từ góc nhìn thực tiễn, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là đúng đắn. Sách giáo khoa trong giai đoạn đầu xã hội hóa khó tránh khỏi có sạn nhưng đã được dư luận góp ý, các nhà xuất bản sửa chữa kịp thời. Thầy Tùng cho rằng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách tại thời điểm hiện tại sẽ làm mất đi chủ trương xã hội hóa.

“Tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không cần thiết phải biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa vì các bộ sách hiện nay đã khá phù hợp với các nhà trường”, thầy Tùng cho hay.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và trong Nghị quyết giám sát 686 đã ghi nhận: Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ uy tín, kinh nghiệm và từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản, với tổng số lượng 194 triệu bản sách. 

“Đây là ghi nhận sự cố gắng với toàn ngành Giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách”, Bộ trưởng nói.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một bộ sách giáo khoa bên cạnh các bộ sách giáo khoa đã được xã hội hóa, chia sẻ quan điểm trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn cho biết: “Tôi cho rằng từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Còn vấn đề được giao biên soạn một bộ sách giáo khoa, chúng tôi sẽ có nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1- 2 năm tới, khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, chúng tôi sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau.”

Đồng thuận với quan điểm này của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho hay: “Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa hay không? Tôi nghĩ vẫn nên, nhưng không phải thời điểm này, bởi vì thời điểm này, nếu bộ biên soạn sách sẽ tiếp tục quay về độc quyền và nhiều hệ lụy khác. Bộ nên biên soạn vào một thời điểm thích hợp, khi chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ điều kiện hạ tầng, khi tự bản thân mỗi giáo viên, học sinh và phụ huynh đều hiểu rất rõ về ý nghĩa của việc lựa chọn sách, khi việc chọn sách thoải mái như chúng ta đi mua đồ siêu thị, không có áp lực nào khiến chúng ta phải mua mặt hàng này hay mặt hàng kia mà chúng ta sẽ lựa chọn sách phù hợp nhất với mình, không nhất thiết phải theo ai cả”. 

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa: Sẽ quay lại độc quyền? tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn