Vận dụng phương pháp Note-taking nhằm phát triển khả năng tự học của học sinh

“Take notes” hay “Note-taking” là phương pháp ghi chép nội dung một cách hệ thống và khoa học. Sử dụng note-taking nhằm phát triển khả năng tự học giúp nâng cao kết quả học tập của học sinh và chất lượng giảng dạy của giáo viên, là biểu hiện cụ thể của việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường trung học.

Tự học coi học sinh là chủ thể của việc tự tiếp cận với kiến thức mới và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Do đó, việc đổi mới phương pháp dạy học từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học là cần thiết. Khác với phương pháp ghi chép truyền thống, học sinh thường chú tâm ghi chép, cố gắng ghi lại tất cả những gì giáo viên nói mà quên đi phần trọng tâm của nội dung bài học thì phương pháp note-taking (ghi chú) hướng tới việc ghi chép nội dung có chọn lọc, súc tích, ngắn gọn, và được trình bày một cách rõ ràng, có hệ thống. Với mục đích lưu lại và hiểu sâu hơn, đây là kỹ năng quan trọng và hữu ích trong cuộc sống. Đặc biệt là quá trình theo dõi bài giảng. Việc ghi chép nội dung có hệ thống và khoa học có thể cải thiện năng lực tư duy siêu nhận thức và phản biện, từ đó làm nền tảng cho việc học tập tự định hướng. 

Bài viết “Teaching Note-Taking Skills to Guide Students to Self-Directed Learning” của Anne M. Fein sẽ là những gợi ý nhằm vận dụng phương pháp note-taking trong các môn học theo 3 giai đoạn: (1) Trước khi đọc; (2) Sau khi đọc; (3) Kiểm tra và chỉnh sửa. 

Trước khi đọc 

Trước khi tiến hành ghi chép có hệ thống, giáo viên cùng học sinh đặt ra mục tiêu, lập kế hoạch và xây dựng tài liệu tham khảo. Giáo viên nên lựa chọn tài liệu tham khảo tiêu phù hợp, đảm bảo có thể thực hiện được, đo lường được để tránh khiến học sinh bị choáng ngợp, chán nản. Việc đọc, sắp xếp thứ tự thông tin và ghi lại một cách logic là một quá trình phức tạp.

Ở giai đoạn trước khi đọc, học sinh tiến hành đọc lướt tài liệu và hình dung tới việc sẽ ghi chép thông tin như thế nào. Ví dụ, có thể chia vở ghi thành hai cột để làm nổi bật thứ bậc của thông tin; Sử dụng bản đồ tư duy thiết lập các mối quan hệ;... Giáo viên cần hướng dẫn các em trong việc ra quyết định về sắp xếp, lựa chọn và sắp xếp các ý chính. Giáo viên nên đặt ra những câu hỏi để học sinh trả lời khi đọc lướt tài liệu, đồng thời khuyến khích học sinh xem xét các thông tin mới tìm hiểu được trong quá trình đọc lướt

Đọc như một hoạt động tư duy phản biện/ Trong khi đọc

Nhấn mạnh tư duy phản biện trong quá trình note-taking sẽ gia tăng khả năng giải quyết vấn đề cũng như các năng lực cần thiết để tự học hiệu quả. Việc quyết định về thông tin nào cần ghi chú trong vở giúp học sinh theo dõi khả năng đọc hiểu của mình. Sau khi nắm được những ý chính thì học sinh sẽ chú ý đến những ý nhỏ hơn, bổ sung thông tin cho ý chính. Việc đọc và sắp xếp các ý theo trật tự logic sẽ nâng cao khả năng tư duy. Khi học sinh kết nối các chủ đề, các nội dung với nhau sẽ giúp chất lượng tiếp nhận thông tin được “nâng cấp” so với thông thường.

Kiểm tra và chỉnh sửa

Học sinh có xu hướng bỏ qua việc kiểm tra và chỉnh sửa lại ghi chép của mình. Tuy nhiên, giai đoạn này mang lại những lợi ích đáng kể cho việc phát triển việc học tập tự định hướng. Học sinh không chỉ rèn luyện được khả năng xử lý, sắp xếp, lưu trữ và truy xuất thông tin mà năng lực trung của các em cũng được cải thiện. Tiếp theo, giáo viên nên cho học sinh làm việc cá nhân hoặc làm việc nhóm để khắc phục những “lỗ hổng” thông tin và sự thiếu chính xác. Việc này sẽ phát triển khả năng tự giải quyết vấn đề của học sinh khi tổng hợp kiến thức mới. Việc kiểm tra và chỉnh sửa lại thông tin một cách rõ ràng và chính xác hơn mang đến cho học sinh cơ hội phân tích thông tin sâu hơn là diễn giải chúng một cách chung chung. 

Ngoài ra, giáo viên nên khuyến khích học sinh mở rộng phạm vi note-taking của mình thông qua rèn luyện. Yêu cầu các em áp dụng phương pháp này trong việc tìm hiểu thông tin ở những bối cảnh rộng hơn, từ đó phát triển khả năng tổng hợp thông tin mới với việc học trước đó của học sinh. 

Sự phản ánh như một bài tập siêu nhận thức

Theo nhà tâm lý học Anita Woolfolk Hoy, thuật từ “siêu nhận thức” (metacognition) là để nói đến việc hiểu biết, kiểm soát sự suy nghĩ và các hoạt động học. Cụ thể, đó là quá trình người học sử dụng hiểu biết về nhiệm vụ hiện tại, hiểu biết về chiến lược học tập và hiểu biết về bản thân để lập kế hoạch học tập, theo dõi tiến trình hướng tới mục tiêu học tập và sau đó đánh giá kết quả. 

Việc luyện tập siêu nhận thức thông qua việc xem lại nội dung ghi chú sẽ là cách tiếp cận và hiệu quả hoạt động tự học của học sinh. Giáo viên có thể đưa ra những câu hỏi gợi ý cho quá trình luyện tập này như sau:

- Em đã đạt được mục tiêu đã đặt ra với ghi chép của mình hay chưa?

- Mục tiêu em đạt được là gì?

- Hạn chế em gặp phải khi vận dụng note-taking là gì?

- Em khắc phục hạn chế đó như thế nào? 

Giáo viên tạo cơ hội cho học sinh chỉnh sửa các ghi chú của mình dựa trên mục tiêu mà các em đã xác định trong suy nghĩ của mình. Việc hợp tác giữa giáo viên (người hướng dẫn) và học sinh (chủ thể học tập) sẽ nâng cao chiều sâu tư duy, là tiền đề để phát triển năng lực tự học cũng như kỹ năng học tập suốt đời. 

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Anne M. Fein (August 29, 2023). Teaching Note-Taking Skills to Guide Students to Self-Directed Learning. Edutopia. https://www.edutopia.org/article/self-directed-learning-middle-school 

Bạn đang đọc bài viết Vận dụng phương pháp Note-taking nhằm phát triển khả năng tự học của học sinh tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn