Ảnh hưởng của nhân tố quản trị tới kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên: Nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam

Nghiên cứu của Truong và cộng sự nhằm xác định các nhân tố quản trị có ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu khoa học của các giảng viên đại học thông qua áp dụng phương pháp PLS-SEM, cùng với kiểm định ANOVA và t-test. Các tác giả đã phân tích các thuộc tính đo lường tâm lý của các thang đo liên quan đến các khía cạnh khác nhau của kết quả nghiên cứu khoa học.

Các thành tựu nghiên cứu khoa học là một trong số những tiêu chí chính để đánh giá năng suất và xếp hạng các trường đại học trên quy mô toàn cầu. Tương lai của các trường đại học có liên quan mật thiết đến thành tựu của các giảng viên và hoạt động nghiên cứu khoa học của họ. Do tầm quan trọng của các hoạt động này, đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu những yếu tố tác động đến kết quả nghiên cứu của họ. Mặc dù vậy, qua quá trình tổng quan tài liệu, nhóm tác giả Truong và cộng sự cho rằng số lượng nghiên cứu tập trung vào vai trò của các nhân tố quản trị hiện vẫn còn thiếu. Đồng thời, do các nghiên cứu đi trước chủ yếu sử dụng các phương pháp phân tích hồi quy, ANOVA, SEM, AHP, phỏng vấn và Delphi, nên vẫn chưa đo lường được một cách chuẩn xác nhất tác động của các nhân tố quản trị (phân biệt với các nhân tố tổ chức và cá nhân).

Đối với nghiên cứu này, nhóm tác giả đưa ra 6 giả thuyết nghiên cứu như sau:

- Có mối quan hệ dương giữa các mục tiêu nghiên cứu khoa học của các trường đại học và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên.

- Có mối quan hệ dương giữa quá trình phi tập trung hoá của các trường đại học và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên.

- Có mối quan hệ dương giữa các vấn đề lãnh đạo của các trường đại học và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên.

- Có mối quan hệ dương giữa các phương thức hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của trường của các trường đại học và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên.

- Có mối quan hệ dương giữa các chính sách dành cho giảng viên của các trường đại học và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên.

- Có mối quan hệ dương giữa các nguồn lực phân bổ cho nghiên cứu khoa học và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Về thiết kế nghiên cứu, nhóm tác giả xây dựng bảng hỏi dựa trên kết quả tổng quan tài liệu và có sự điều chỉnh sau các cuộc phỏng vấn thăm dò với năm chuyên gia. Bảng hỏi cuối cùng bao gồm 49 mục (không bao gồm các câu hỏi về đặc điểm nhân khẩu học). Dữ liệu được thu thập trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2020. Khảo sát thăm dò bước đầu với 82 đáp viên (đang công tác tại các trường đại học ở Việt Nam) được thực hiện trước khi bảng hỏi chính thức được phân phối theo hai hình thức online (qua Microsoft Forms) và offline.

Quá trình phân tích số liệu được thực hiện như sau: đầu tiên, kiểm định t-test và ANOVA được triển khai để xác định sự khác biệt giữa kết quả nghiên cứu khoa học của các nhóm giảng viên khác nhau dựa trên các đặc điểm nhân khẩu học. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu sử dụng Mô hình cấu trúc tuyến tính dựa trên bình phương tối thiểu từng phần (PLS-SEM) để đạt được các mục tiêu nghiên cứu đề ra. PLS-SEM được khuyến nghị sử dụng trong giai đoạn phát triển lý thuyết ban đầu của nghiên cứu, để tiếp cận và xác minh các mô hình nghiên cứu thăm dò. Phương pháp này cũng đem lại một số lợi ích trong việc phân tích nguyên nhân và kết quả trong các nghiên cứu hành vi. PLS-SEM là giải pháp thay thế tốt nhất cho phương pháp CB-SEM (Mô hình cấu trúc tuyến tính dựa trên hiệp phương sai) trong trường hợp có rất ít lý thuyết nền tảng hỗ trợ cho vấn đề nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, “các nguồn lực dành cho nghiên cứu khoa học” là yếu tố có tác động mạnh nhất đối với thành tựu nghiên cứu khoa học của các giảng viên, trong nhóm 6 nhân tố quản trị đã nêu ở phần giả thuyết nghiên cứu. Điều này phản ánh chính xác hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là các hạn chế về cơ sở vật chất của các trường đại học tại Việt Nam - khuôn viên trường nhỏ và thiếu sự đồng bộ. Điều này khẳng định lại các kết quả nghiên cứu trước đó cho rằng các nguồn lực về không gian, thiết bị, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, chi phí, tài trợ và các đồng nghiệp thiếu năng lực nghiên cứu là những vấn đề gây ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của giảng viên.

Thứ hai, các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng “các chính sách đối với giảng viên” có ảnh hưởng (một cách có ý nghĩa thống kê) đến thành quả nghiên cứu khoa học của giảng viên. Kết quả nghiên cứu của nhóm cung cấp một bản đánh giá toàn diện về vai trò của các chính sách - trong đó có vấn đề thu nhập của các giảng viên đại học Việt Nam tại các trường chưa tự chủ vẫn ở mức thấp.

Thứ ba, kết quả thử nghiệm các giả thuyết cho thấy cả hai nhân tố “hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học” và “mục tiêu nghiên cứu khoa học của các trường đại học” đều có mức ảnh hưởng dương tới kết quả nghiên cứu khoa học của các giảng viên. Trong đó, yếu tố “sự hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học” có mức độ ảnh hưởng lớn hơn.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Truong, H. T., Le, H. M., Do, D. A., Le, D. A., Nguyen, H. T., & Nguyen, T. K. (2021). Impact of Governance Factors over Lecturers’ Scientific Research Output: An Empirical Evidence. Education Sciences, 11(9), 553. https://doi.org/10.3390/educsci11090553