Đổi mới giáo dục: Nhìn từ phát triển tiết đọc thư viện trong nhà trường

Thư viện trường học luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đặc biệt là hình thành, thúc đẩy thói quen đọc sách ở học sinh. Xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện” là cách nhiều nhà trường áp dụng để đổi mới hoạt động của thư viện trường học, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non-tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Ngô Thúy Anh cho biết: Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 255 cơ sở giáo dục tiểu học với gần 135 nghìn học sinh. Trong đó, 73 trường tiểu học tham gia mô hình Thư viện thân thiện. Sách được trưng bày trên kệ, được phân loại theo chiều cao, trình độ của học sinh và được dán theo từng mã màu nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút. Ngoài ra, thư viện được bố trí các góc hoạt động khác nhau, như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo..., khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách và phát huy tính sáng tạo của các em. Mặc dù là tỉnh khó khăn nhưng ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã phát huy những ưu điểm của mô hình Thư viện thân thiện, phối hợp hoạt động thư viện với hoạt động chuyên môn để học sinh đạt được những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết: Trong quá trình xây dựng, tổ chức hoạt động thư viện thân thiện tại các trường tiểu học, trách nhiệm không chỉ thuộc về nhân viên thư viện mà còn là cơ hội để các giáo viên tổ chức tiết học thư viện hiệu quả, đầu tư về giáo án, thiết kế các hoạt động phù hợp với học sinh nhất. Đó cũng là cách bồi dưỡng, học hỏi, rút kinh nghiệm để triển khai phương pháp dạy học trong thực tế, mang lại những tiết học hiệu quả.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT Trịnh Hoài Thu nhận định, thư viện trường học được quy định là một bộ phận cơ sở vật chất thiết yếu, trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng trong trường phổ thông. Nhiều năm qua Bộ GDĐT rất quan tâm đến hoạt động thư viện trường tiểu học với mong muốn xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông, nhiều mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh được thiết lập và triển khai trong các trường tiểu học. Đây được coi là giải pháp quan trọng để học sinh tự học, nghiên cứu hình thành kiến thức, kĩ năng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc Room to Read Việt Nam chia sẻ, thư viện là trái tim của trường học và người làm công tác thư viện có vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp đập đều đặn hàng ngày cho trái tim đó. Hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng thói quen đọc, văn hóa đọc cho học sinh tiểu học, Room to Read rất thấu hiểu và trân trọng tình yêu nghề và những nỗ lực mà các cán bộ, nhân viên thư viện dành cho việc quản lí, vận hành thư viện và khai thác hết các tiềm năng, vai trò của thư viện đối với việc học tập, hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Sau kết quả đạt được của giai đoạn 2016-2020 cao hơn so với thỏa thuận ban đầu, Bộ GDĐT và tổ chức Room to Read đã kí tiếp thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 từ 2021-2025 với mục tiêu lan tỏa sâu rộng hơn mô hình thư viện thân thiện trong cả nước, góp phần xây dựng tiêu chuẩn thư viện trường mầm non và phổ thông. Thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện tiếp cận nguồn sách truyện thiếu nhi có chất lượng; ứng dụng kĩ thuật số và công nghệ thông tin đối với thư viện trường học nhằm đa dạng hóa tài nguyên thông tin thư viện, nâng cao hiệu quả quản lí, vận hành thư viện; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kĩ thuật chương trình. Ngoài ra, mô hình Thư viện thân thiện đã tổ chức các hoạt động gắn kết, tập huấn cho giảng viên cốt cán ở các tỉnh hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ kinh phí và kĩ thuật cho giảng viên cốt cán cấp tỉnh tập huấn lại cho cán bộ quản lí, nhân viên thư viện các nhà trường về các nội dung thiết lập và quản lí thư viện, tổ chức tiết đọc thư viện, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, hỗ trợ giám sát, duy trì bền vững hoạt động thư viện trong 3 năm tại các tỉnh tham gia dự án.

Trong hơn 3 năm Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” của Bộ GDĐT và tổ chức Room to Read triển khai, đã có 70 thư viện trường tiểu học được hỗ trợ toàn phần trên 10 tỉnh/thành tổ chức thực hiện đổi mới, hoạt động hiệu quả; gần 300 nghìn quyển sách được tuyển chọn, phân loại theo trình độ đọc và cấp về các trường; 2.895 giáo viên và nhân viên thư viện đã được tập huấn để triển khai hoạt động thư viện tích cực, bài bản và hơn 1,1 triệu học sinh được tiếp cận với thư viện, hoạt động tại thư viện một cách vui vẻ, thoải mái.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới giáo dục: Nhìn từ phát triển tiết đọc thư viện trong nhà trường tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19