Tư vấn tâm lí học đường: Nhiều khoảng trống cần được lấp đầy

Trong thời gian qua, mặc dù đã được quan tâm, chú trọng nhưng công tác xã hội, tư vấn tâm lí học đường trong các cơ sở giáo dục vẫn phải đổi mặt với nhiều vấn đề phức tạp, bất cập dẫn tới hiệu quả triển khai chưa đáp ứng được như kì vọng.

Lâm Đồng là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên gồm 10 huyện và 2 thành phố. Phần lớn, dân số địa phương là dân nhập cư. Dân tộc Kinh chiếm 77% còn lại là các dân tộc khác. Sự đa dạng về thành phần dân tộc trong ngành giáo dục nên công tác xã hội trường học hết sức được quan tâm và triển khai thực hiện. Hằng năm, theo kế hoạch được xây dựng, ngành giáo dục của tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn  năng về công tác xã hội cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, giáo viên làm công tác xã hội trong trường học.

Ngành giáo dục luôn chú trọng trong việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình thực hiện công tác xã hội của các đơn vị thông qua báo cáo, trang mạng xã hội…qua đó, cùng các đơn vị đưa ra những giải pháp ngăn chặn nguy cơ trong và ngoài nhà trường có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, phát hiện các vụ việc liên quan đến học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có hành vi bạo lực, bỏ học và vi phạm pháp luật.

Năm học 2022- 2023, tổng số các vụ việc liên quan đến người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có hành vi bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật là 371 em, trong đó 30 trường hợp thực hiện cơ chế phối hợp giữa Sở GDĐT và các tổ chức khác trên địa bàn cùng can thiệp và trợ giúp. Về phía các cơ sở giáo dục, đến nay, 100% các trường đã triển khai công tác xã hội trong trường, trong đó 95% các trường thành lập tổ ghép “Tổ công tác xã hội trường học và Tư vấn tâm lí”. Đồng thời, các nhà trường đều bố trí phòng tư vấn tâm lí là nơi gặp gỡ, hỗ trợ và tư vấn cho học sinh có nhu cầu tư vấn các vấn đề về tâm lí, do đó, việc thực hiện công tác này tương đối đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, theo đại diện của Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lí học đường vẫn còn gặp nhiều hạn chế như nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên ở một số đơn vị chưa cao; giáo viên phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lí hầu hết là giáo viên kiêm nhiệm nên hạn chế về mặt kĩ năng, chuyên môn, đặc biệt là thiếu phương pháp xử lí tình huống với những học sinh; thiếu sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Xác định việc vận hành một phòng tham vấn bài bản, có chất lượng là cần thiết, giúp học sinh có sức khỏe tinh thần tốt, ngay từ đầu, khi phòng tư vấn tuổi hồng được triển khai, trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) đã tập trung tìm kiếm chuyên gia thuộc lĩnh vực tâm lí phù hợp với điều kiện nhà trường.

Lí do không sắp xếp giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác này được đại diện nhà trường chia sẻ: Mỗi cá nhân được đào tạo bài bản về chuyên môn khác nhau, các thầy cô sẽ làm tốt khi thực sự tập trung vào lĩnh vực của mình. Lĩnh vực tâm lí là một vấn đề khó, cần có chuyên môn, kinh nghiệm thực hành và làm việc. Các thầy cô dù đã được đi tập huấn những cũng sẽ khó áp dụng mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Cùng với đó ảnh hưởng của sự phát triển không ngừng của xã hội. Do đó, nếu tham vấn, tư vấn cho học sinh mà không có chuyên môn vững chắc rất dễ làm sai, lệch hướng và không hiệu quả.

Đánh giá công tác xã hội và tư vấn tâm lí những năm qua trong các trường học đã được đáp ứng kịp thời với những nhu cầu của học sinh, phụ huynh và xã hội, đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam khẳng định đây là một trong những vấn đề trụ cột trong hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay. Công tác xã hội và tư vấn tâm lí giúp các trường học hoạt động theo đúng nhu cầu của học sinh; đảm bảo các phúc lợi xã hội, sức khỏe, tâm lí của học sinh trong trường học và giúp học sinh chuyên tâm học tập, đạt kết quả tốt hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới, đang phải đối mặt với những thay đổi phức tạp, nhanh chóng của sự phát triển kinh tế, xã hội do đó, sự thay đổi về tâm sinh lí của lứa tuổi học sinh cũng bị ảnh hưởng, thậm chí có nhiều dấu hiệu đáng báo động. Điều này đòi hỏi công tác xã hội và tư vấn tâm lí tại các cơ sở giáo dục cần phải thực sự được quan tâm, chú trọng và nâng cao bằng những việc làm thiết thực hơn nữa.

Theo Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) Trần Văn Đạt thông tin: Trong giai đoạn 2015 - 2022, Bộ GDĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tư vấn tâm lí trong trường học nhằm hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ triển khai công tác tư vấn tâm lí cho học sinh phổ thông. Trong đó, việc phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức liên quan trong và ngoài nước được Bộ GDĐT quan tâm, chú trọng. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Bộ GDĐT đã phối hợp với tổ chức UNICEF biên soạn Tài liệu hướng dẫn thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lí tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là tài liệu hướng dẫn thí điểm tại một số cơ sở giáo dục cụ thể cũng như giúp cán bộ giáo viên có thêm công cụ để nâng cao hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lí học đường trong trường học hiện nay.  

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Tư vấn tâm lí học đường: Nhiều khoảng trống cần được lấp đầy tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19