Đẩy mạnh, nâng cao các biện pháp an toàn phòng, chống đuối nước ở trẻ em, học sinh

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2015 – 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc giảm trung bình 100 trường hợp trẻ em đuối nước mỗi năm nhưng tỉ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.

Trong thời gian qua, công tác tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn đó những lỗ hổng do sự chủ quan, chưa siết chặt nên số ca tử vong do đuối nước ở học sinh vẫn còn ở mức đáng báo động.

Theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục, tổng hợp số liệu 59/63 tỉnh, thành phố, trong 03 năm 2020, 2021, 2022 trên toàn quốc đã xảy ra khoảng trên 500 vụ đuối nước, làm tử vong 1.956 trẻ em mầm non, học sinh. Trong đó, riêng năm 2022 tử vong 698 em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh, ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai, có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ quan như Trẻ em, học sinh thiếu kĩ năng an toàn trong môi trường nước và sự quản lí của gia đình, người lớn tuổi, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.

Đại đa số giáo viên giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Hiện nay có khoảng gần 70% giáo viên giáo dục thể chất đã được tập huấn về dạy bơi và kĩ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên tỉ lệ giáo viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế ở rất nhiều nơi. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng khó khăn, miền núi.

Theo số liệu thống kê của 59/63 Sở GDĐT, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là: 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỉ lệ 8.63% trường học có bể bơi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có quá ít số bể bơi trong trường học nhiều bể bơi đã xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, không có nhân viên đủ năng lực vận hành bể bơi. Việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết các địa phương, giáo viên dạy bơi chưa có chính sách hỗ trợ việc dạy bơi.

Theo báo cáo thống kê của Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 82 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước. Thực hiện đảm bảo an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, ngành giáo dục tỉnh đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường lồng ghép giáo dục ý thức, kiến thức, kĩ năng an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trong các họa động giáo dục của nhà trường, trong các giờ học Giáo dục Thể chất; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền về tác hại, ảnh hưởng của đuối nước khi các em gặp phải.

Là địa phương có điều kiện sông ngòi dày đặc và thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường dẫn đến việc địa bàn luôn đối mặc với nguy cơ cao về mất an toàn đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù quỹ đất để xây dựng và vận hành bể bơi không đáp ứng được nhu cầu thực tế nhưng một số cơ sở giáo dục đã tận dụng, vận dụng các điều kiện tại đơn vị để bố trí, xây dựng các bể bơi đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh tại trường và các trường lân cận.

Ở khía cạnh thể dục, thể thao, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du cho rằng, một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là nâng cao chất lượng, chuyên môn của đội ngũ giáo viên môn Giáo dục Thể chất tại các nhà trường. Đây là một trong những kênh truyền tải trực tiếp đến học sinh, phụ huynh vì vậy nhận thức của đội ngũ phải có kinh nghiệm và thực tiễn về môn học, trong đó có nội dung về an toàn, phòng, chống đuối nước.

Chia sẻ liên quan đến các đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, bà Đoàn Thu Huyền, đại diện Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu cho hay: Cần hoàn thiện chính sách và cơ chế linh hoạt nhằm quản lí, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, khai thác hết công suất bể bơi, có thể phối hợp với các tổ chức tư nhân triển khai dạy bơi an toàn trong những tháng hè khi nghỉ học. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên y tế trường học về phòng chống đuối nước trẻ em và sơ cấp cứu; giáo viên dạy môn Giáo dục Thể chất cần được tập huấn đầy đủ về các nội dung dạy bơi an toàn trong trường học

Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhận định: Chủ đề dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Giáo dục thể chất hiện nay trong nhà trường không còn đơn thuần như môn Thể dục như trước đây. Việc thực hiện các môn học phải hiểu theo nhu cầu của học sinh, đăng kí thế nào để phù hợp với năng lực thể chất của các em. Kĩ năng an toàn trong môi trường nước phải kết hợp hài hòa kết hợp với giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Việc đưa kĩ năng sống vào các nhà trường phải có sự phối hợp, tự nguyện và trách nhiệm của phụ huynh.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh, nâng cao các biện pháp an toàn phòng, chống đuối nước ở trẻ em, học sinh tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19