Theo Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia, mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam chết do nguyên nhân từ thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, Lao, tai nạn giao thông và tự tử.
Ở độ tuổi học sinh, cơ thể của các em đang trong giai đoạn phát triển, nếu các em sử dụng thuốc lá trong giai đoạn này thì các bộ phận của cơ thể dễ bị các chất độc tàn phá nhanh chóng, cơ thể không đủ kháng thể để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá gây ra. Do đó, các em sẽ có nguy cơ mắc các bệnh cao hơn nhiều so với những người trưởng thành hút thuốc. Thực tế cho thấy, vẫn có nhiều học sinh lén lút hút thuốc lá điện tử trong nhà vệ sinh, cầu thang, góc khuất trong trường…, nhất là khi tan học các em “ngang nhiên” hút thuốc lá ở ngoài cổng trường, trên đường về nhà.
Để môi trường học đường không có khói thuốc, học sinh không hút thuốc lá, nhà trường cần đẩy mạnh phong trào giáo dục về tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh bằng nhiều hình thức như: thường xuyên tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… cho học sinh để các em nhận thức được trong thuốc lá điện tử đều chứa các chất độc hại, trong đó có chất nicotine là chất gây nghiện. Khi hút thuốc lá điện tử đồng nghĩa với việc tạo điệu kiện đưa các chất độc hại này theo đường miệng vào bên trong cơ thể. Các chất độc hại tích tụ dần, phá hủy các tế bào, gây nên những bệnh nguy hiểm. Điển hình nhất là các bệnh về phổi như: lao phổi, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản phổi… Ngoài ra, nó còn gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này và gây nên những biến chứng nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, chất nicotine còn nó tác động trực tiếp đến hệ thần kinh. Khi các em đã lệ thuộc vào nó sẽ làm cho hệ thần kinh luôn ở trạng thái bị kích thích, ảnh hưởng đến cảm xúc của các em. Đa số những em học sinh hút thuốc lá điện tử thường bị thay đổi tâm tính, từ hiền lành, chăm học, ngoan ngoãn trở nên cộc cằn, thô lỗ, dễ dàng nổi cáu, thậm chí là nói dối, bỏ học, ăn cắp để có tiền mua thuốc hút, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tập trung trong học tập của các em.
Bên cạnh công tác giáo dục cho học sinh về những tác hại do thuốc lá điện tử gây ra, nhà trường cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt những học sinh sử dụng, mua bán, lôi kéo bạn bè sử dụng thuốc lá điện tử.
Bên cạnh giáo dục của nhà trường, giáo dục của gia đình cũng rất quan trọng, các bậc phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng, tránh các hành vi áp đặt, phối hợp với nhà trường, xã hội nhằm loại bỏ thuốc lá điện tử ra khỏi môi trường học đường, xây dựng một thế hệ trẻ nói không với khói thuốc để có sức khỏe tốt góp phần cho sự phát triển của đất nước.
Trương Thạo