Triết lí giáo dục và văn hóa giáo dục

Giáo dục là phương thức lưu trữ kho tàng tri thức văn hóa xã hội và tạo ra những giá trị mới. Bài viết này bàn luận về triết lí của giáo dục từ quan điểm văn hóa.

Triết lí giáo dục là một quan điểm, một tư tưởng giáo dục được hình thành qua những trải nghiệm về thực tế giáo dục, chỉ ra cách tổ chức giáo dục có tính quy luật để hướng đến mô hình xã hội lí tưởng và mẫu người của xã hội đó trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Trên thực tế, triết lí giáo dục không phải là cái duy nhất, mà cũng không phải là cái nhất thành bất biến. Mỗi phương diện, mỗi hoạt động giáo dục đều có triết lí định hướng hành động cụ thể.

Nghiên cứu Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, ta thấy có nhiều ý kiến của Người mang tính triết lí về những phương diện giáo dục.

Về mục tiêu giáo dục: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa. Về mẫu người xã hội chủ nghĩa: Con người Đức - Tài, vừa Hồng vừa Chuyên, hồng thắm chuyên sâu. Về nội dung giáo dục: Giáo dục toàn diện Đức, Trí, Thể, Mĩ, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Về phương châm giáo dục: Lí luận phải liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Về phương pháp giáo dục: Dạy học phải dễ hiểu dễ nhớ, học nhanh, thiết thực, chống nhồi sọ, áp đặt, chống giáo điều, chống kinh viện, không tin tưởng mù quáng những điều trong sách vở. Về phương thức học tập: Học không bao giờ cùng. 

Thực ra, trên đây chỉ là một trong những cách tiếp cận tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể còn có nhiều cách tiếp cận, song nếu khai thác những quan điểm mang tính triết lí giáo dục của Người thì mấy điều trên cũng đã có thể thấy được những nét cơ bản trong triết lí giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, rất nhiều quan điểm hay tư tưởng giáo dục được đông đảo người coi là triết lí giáo dục. Nhiều tư tưởng đó được kết tinh trong những danh ngôn, có ảnh hưởng không chỉ trong một quốc gia, mà còn lan tỏa tới các nước, các vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Vì thế, việc tranh luận để đi đến sự thống nhất về triết lí cho sự phát triển giáo dục chưa bao giờ thành công, mà có thể ý tưởng đi tìm triết lí giáo dục chỉ thực sự phát huy tác dụng khi nó được đưa ra đúng với một hoàn cảnh giáo dục nào đó.

Theo Trần Ngọc Thêm: - Văn hóa dân tộc quyết định văn hóa giáo dục; - Kinh tế quyết định hạ tầng giáo dục; - Chính trị, kinh tế, văn hóa thông qua triết lí giáo dục quyết định nội dung và phương pháp giáo dục.

Khi triển khai sự nghiệp giáo dục, người ta phải tính đến cấu trúc bên trong (nội tại) của triết lí giáo dục. Lược đồ về cấu trúc nội tại này cho thấy, có 4 thành tố cơ bản. Đó là sứ mệnh (mision), tầm nhìn (vision), mục tiêu (objective) và mục đích (aims, purpose).

Sứ mệnh là khái niệm nói về một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng. Có người cho rằng, sứ mệnh giáo dục là một tuyên ngôn về mục đích giáo dục, là sự cam kết nhiệm vụ thực hiện mục đích giáo dục trong hiện tại và tương lai.

Tầm nhìn là sự định hướng cho tương lai. Chẳng hạn, ta nói “tầm nhìn giáo dục 2045” thì mọi người sẽ hiểu rằng, vào thời điểm đó, nền giáo dục định hướng vào mô hình đào tạo nào, từ đó sẽ có trình độ đào tạo ra sao trong mối tương quan với khoa học và thế giới, sự phát triển của nền giáo dục tương ứng với nền kinh tế tại thời điểm đó.

Khái niệm “Tầm nhìn” được dùng khá gần với khái niệm “Mục đích”: Trong khi “Tầm nhìn” nặng về hình ảnh đạt được trong tương lai, thì “Mục đích” lại cụ thể hơn, hữu hình hơn về kết quả trong tương lai cần đạt được.

Khái niệm “Mục tiêu” xác định kết quả cần đạt một cách rõ ràng cụ thể, và thời gian thực hiện mục tiêu là không dài. Mục tiêu là cái cột mốc về kết quả cụ thể ở phía trước, cách hiện tại không xa, nó là mục đích trước mắt.

GS. TS Phạm Tất Dong

 

Bạn đang đọc bài viết Triết lí giáo dục và văn hóa giáo dục tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn