Một số quan điểm về văn hóa giáo dục

Văn hóa có vị trí, ảnh hưởng trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Bài viết này trình bày một số khái niệm, quan điểm về văn hóa giáo dục nhằm biểu hiện chất lượng và sự tốt đẹp nằm trong các thành tố, các quá trình, các định hướng và các giá trị của giáo dục.

Khái niệm “Văn hóa giáo dục”

Văn hóa giáo dục là nền giáo dục được tổ chức, vận hành hướng tới các chuẩn và các giá trị của giáo dục. Triển khai văn hóa giáo dục là làm cho các khâu, các thành tố, các hoạt động của gia tăng các giá trị chân, thiện, mỹ và các giá trị đó thể hiện đầy đủ trong các phương diện, các quá trình giáo dục.

Nếu văn hóa “một hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Trần Ngọc Thêm, 1996) thì văn hóa giáo dục là một tiểu hệ thống các giá trị tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục.

Các giá trị do cộng đồng cư dân sáng tạo ra được trải nghiệm lâu dài là nguồn gốc cơ bản của các giá trị giáo dục mà văn hóa giáo dục trong cộng đồng đó tích lũy và phát triển. Văn hóa giáo dục thể hiện, vận động trong các không gian giáo dục,mà biểu hiện tập trung của nó là ba môi trường giáo dục: Giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Trong ba môi trường giáo dục này, các giá trị giáo dục phải được thực hiện thống nhất, bởi nếu không, tác động giáo dục sẽ không mang lại hiệu quả xây dựng nhân cách con người như xã hội kì vọng và yêu cầu. 

Phạm vi bao quát của văn hóa giáo dục, hay nói khác đi, văn hóa giáo dục, xét từ phạm vi vận hành, có thể hiểu nó là một phạm trù, bao gồm văn hóa học đường (văn hóa trường học), văn hóa đọc, văn hóa dạy, văn hóa học tập, văn hóa học thuật giáo dục, văn hóa sư phạm...

Văn hóa giáo dục có mối liên quan chặt chẽ với niềm tin và thái độ của người dạy và người học đối với hệ thống giáo dục mà họ là những chủ thể trong đó. Mặt khác, khi cộng đồng dân cư không hài lòng với kết quả giáo dục, khi người dân thể hiện ý nguyện đối với giáo dục, bày tỏ ý kiến mong mỏi giáo dục đem lại điều gì, điều gì họ không chấp nhận, thì khi đó, văn hóa giáo dục có vấn đề phải xem lại. 

Nhà giáo dục O.A.Radugina cho rằng: “Văn hóa giáo dục của một xã hội là không gian của những hình thức, chuẩn mực, giá trị vật chất và lí tưởng cụ thể, trong đó diễn ra quá trình bộc lộ tính dân tộc của sức mạnh bản chất trong con người. Văn hóa giáo dục không chỉ là một chỉ tiêu đánh giá trình độ học vấn của người dân cả nước, mà còn là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá sự phát triển của xã hội ở một giai đoạn lịch sử cụ thể.” (Radugina O.A, 2011, tr.140-141)

Văn hóa giáo dục có tính dân tộc. Tính dân tộc là đặc trưng hàng đầu của văn hóa giáo dục, bởi, theo Radugina, có 2 cấu trúc cơ bản có ảnh hưởng quyết định đến văn hóa giáo dục là tâm lí dân tộc mô thức giáo dục (Educational Paradigm). Nếu văn hóa trên thế giới là đa dạng bởi tính dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng đều có văn hóa riêng của mình thì văn hóa giáo dục lại càng đa dạng. Sự đa dạng của văn hóa giáo dục là biểu hiện của những bước tiến nhân loại trong xây dựng một thế giới văn minh và văn hiến.

Văn hóa giáo dục mang tính khoa học, nó loại bỏ những gì được coi là phản khoa học ra khỏi môi trường giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội như sự bất bình đẳng và không công bằng trong quyền công dân, sự bất bình đẳng giới, thái độ phân biệt chủng tộc, bạo lực, bè phái, tư tưởng bá quyền, tham lam và tàn ác, tham nhũng, xa xỉ, lãng phí, không giữ gìn sự an toàn môi trường sống...

Văn hóa giáo dục luôn mang tính hiện đại. Phát huy bản sắc văn hóa giáo dục của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa giáo dục của nhân loại là điều kiện để giáo dục phát triển đúng xu thế thời đại, gia tăng sự hội nhập vào văn hóa giáo dục toàn cầu.

Văn hóa giáo dục mang tính đại chúng, luôn hướng đến một nền giáo dục phục vụ cho đông đảo quần chúng, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, không một ai bị bỏ quên trong phát triển giáo dục, nâng cao dân trí để trao quyền cho dân.

Những tính chất nói trên của văn hóa giáo dục là cần thiết để nền giáo dục làm tròn sứ mệnh của mình là đào tạo những cá nhân trở thành những nhân cách - một con người với những cá tính riêng, không trùng lặp với người khác. 

Dạy người, trước hết là phải hiểu người đó. Nhà triết học và là nhà giáo dục người Pháp - ông J.J. Rousseau đã nói về điều này như sau:

“Giáo dục cần phải hiểu người học, nhất là trẻ thơ. Một sự thật rất đáng lên án, đó là không hiểu biết tuổi thơ hoặc hiểu sai lầm về tuổi thơ. Chúng ta không bao giờ biết đặt mình vào địa vị trẻ em, chúng ta không thâm nhập vào ý tưởng của chúng, chúng ta gán cho chúng ý tưởng của mình, và bằng cách luôn đi theo những suy luận của mình, chúng ta chỉ chồng chất vào đầu óc chúng những điều ngông cuồng vô lí và sai lầm mà thôi”. Việc dẫn giải một quan điểm về văn hóa giáo dục của J.J.Rousseau trên đây thiết tưởng cũng sẽ là một cảnh báo cho cả việc giáo dục người lớn hiện nay. Kêu gọi người lớn học suốt đời, nhưng phải hiểu họ cần học cái gì và học cái đó bằng cách nào để cung ứng cho họ những dịch vụ giáo dục phù hợp. Đó mới là văn hóa giáo dục người lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về văn hóa giáo dục

Trong những lời bàn về giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay đề cập đến văn hóa giáo dục. Theo Người, mục tiêu của văn hóa giáo dục là thực hiện đầy đủ những chức năng của văn hóa thông qua việc dạy và học. Những chức năng của văn hóa bao gồm: chức năng nhận thức, chức năng thẩm mĩ, chức năng giáo dục, chức năng điều tiết và chức năng động lực. Những chức năng này của văn hóa sẽ góp phần ổn định tình trạng xã hội để hướng tới sự phát triển bền vững, cải thiện các mối quan hệ xã hội và làm cho con người có đời sống văn hóa phong phú. Theo đó, dạy và học luôn nhằm mở mang dân trí, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp, những phẩm chất trong sáng và phong cách sống lành mạnh cho con người, đào tạo con người có ích cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu xây dựng văn hóa giáo dục như sau:

Về nội dung giáo dục: Không nhồi nhét quá thừa những kiến thức vô bổ, nhưng lại quá thiếu những kiến thức cần thiết cho việc xây dựng kinh tế, quản lí xã hội, hình thành con người Việt Nam mới. Về phương châm giáo dục: Học đi đôi với hành, lí luận liên hệ với thực tế, học tập kết hợp với lao động, gắn kết giáo dục gia đình, giáo dục trường học với giáo dục xã hội. Về phương pháp giáo dục: - Phương pháp giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục. Cách dạy phải phù hợp với trình độ người học, với đặc điểm lứa tuổi, dạy từ dễ đến khó; - Học mọi lúc mọi nơi, học mọi người, học suốt đời, coi trọng tự học, tự đào tạo, tự giáo dục và đào tạo lại. Về mục tiêu giáo dục: - Đào tạo người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt; - Xây dựng con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thầy và trò dịp khai giảng năm học 1968 - 1969, Người có căn dặn là:

- Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt được những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật.

- Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.

- Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục nước ta lên những bước phát triển mới.

GS. TS Phạm Tất Dong

 

Bạn đang đọc bài viết Một số quan điểm về văn hóa giáo dục tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn