Việc hút thuốc lá trong các khu vực giao thông không chỉ gây hại cho người hút mà còn tạo nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe công cộng. Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, góp phần vào ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến những người xung quanh, đặc biệt là những người không hút thuốc. Ngoài ra, môi trường giao thông thường xuyên là nơi tập trung đông người, đặc biệt là các trạm xe buýt, ga tàu, và khu vực chờ đợi. Việc hút thuốc lá ở những nơi này không chỉ là một hành động của cá nhân mà còn là một vấn đề của cộng đồng và cần được chú ý và giải quyết.
Những người không hút thuốc là những người chiếm đa số trong cộng đồng. Họ có quyền được hít thở một bầu không khí trong lành không bị ô nhiễm bởi khói thuốc lá. Đây là một trong những nội dung của “Quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất” được quy định trong Hiệp ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá.
Ngày 18/6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 09/2012/QH13 - Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Mới đây, để giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con người và môi trường, ngày 11/5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá, trong đó, phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn gồm có: Ô tô; Tàu bay; Tàu điện. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá là: Khu vực cách ly của sân bay; Phương tiện giao thông công cộng như tàu thủy, tàu hỏa, nhà ga, bến tàu, bến xe.
Xây dựng môi trường giao thông công cộng không khói thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giúp giảm nguy cơ các bệnh lí liên quan đến khói thuốc, đặc biệt là bệnh lí về đường hô hấp và tim mạch. Một môi trường không khói thuốc lá tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy lối sống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe cá nhân. Điều này góp phần cải thiện chất lượng không khí, giảm ô nhiễm, đặc biệt là trong những khu vực đô thị đông đúc; đồng thời tăng cường sự tập trung để đảm bảo an toàn giao thông, giảm nguy cơ tai nạn do sự giảm chú ý khi hút thuốc lá.
Một số tiêu chí đánh giá “phương tiện giao thông công cộng, bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng không khói thuốc”:
Có biển báo CẤM HÚT THUỐC
1. Không có hiện tượng hút thuốc trên phương tiện giao thông công cộng bất kể là phương tiện này đang chạy hay đang dừng, nghỉ.
2. Không có hiện tượng mua, bán, quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh thuốc lá thuốc lá trên các phương tiện.
3. Có hoạt động kiểm tra, giám sát, nhắc nhở thường xuyên việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc.
4. Đối với các phương tiện được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc thì nơi dành riêng phải đáp ứng yêu cầu: khép kín hoàn toàn; có hệ thống thông gió riêng biệt, có biển báo tại vị trí dễ quan sát; có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Nếu nơi dành riêng không đáp ứng yêu cầu này, phải thực thi cấm hút thuốc hoàn toàn.
5. Có triển khai các hoạt động truyền thông để tăng cường thực hiện các quy định cấm hút thuốc tại các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông.
6. Không có hiện tượng hút thuốc tại các khu vực trong nhà của nhà ga, bến tàu, bến xe, bến cảng.
Để thực hiện môi trường giao thông không khói thuốc, cần tổ chức các hoạt động giáo dục và tuyên truyền: Tổ chức các chương trình giáo dục về tác động của khói thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc; hỗ trợ và thúc đẩy các phương tiện giao thông “Xanh” thân thiện với môi trường nhằm giảm phát thải độc hại vào không khí. Cung cấp thông tin và hỗ trợ cho những người muốn từ bỏ hút thuốc, có thể thông qua các chương trình hỗ trợ cai nghiện hoặc tư vấn sức khỏe. Liên kết với cộng đồng để tạo ra những chiến dịch xã hội, tạo động lực và ý thức trong việc duy trì môi trường không khói thuốc.
Xây dựng môi trường giao thông không khói thuốc không chỉ là một nhiệm vụ của Chính phủ, của ngành Giao thông vận tải mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân. Việc thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động của khói thuốc sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe và an toàn của cả cộng đồng. Hãy cùng nhau đóng góp vào việc xây dựng một môi trường giao thông công cộng thân thiện và bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người.
Nguồn: Hoàng Mai (sưu tầm, tổng hợp)