Nỗi đau nhức nhối
Sự việc em V.V.T.K, học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần ở trong trường và ngoài nhà trường khiến em bị hoảng loạn tâm thần và phải điều trị ở các bệnh viện đang khiến cho dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Bạo lực học đường tiếp tục trở thành nỗi đau nhức nhối cho các nạn nhân, các gia đình và toàn xã hội.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất, trong thời gian nghỉ hè năm học 2022-2023 đến tháng 9 vừa qua, dù liên tục bị các bạn đánh nhưng sợ bạn nên K. không báo với giáo viên và bố mẹ. Đến ngày 16/9, gia đình và nhà trường mới biết sự việc nhưng em K. vẫn tiếp tục các bạn đe dọa khiến em rơi vào trạng thái hoảng loạn. Gia đình đưa em đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh và em được chẩn đoán bị rối loạn phân ly. Ngày 26/10, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất yêu cầu nhà trường phối hợp với các đơn vị và cá nhân liên quan khẩn trương xác minh, giải quyết dứt điểm vụ việc.
Trước đó, đã có hàng loạt vụ việc bạo lực học đường khiến dư luận “dậy sóng”. Ngày 2/10, một nữ sinh của Trường THPT Hồng Đức (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dùng guốc đánh bạn cùng lớp làm chảy máu đầu. Ngày 27/9, một nhóm 4 nữ sinh đến từ nhiều trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) đã cùng tham gia đánh bạn, lột đồ và quay clip. Ngày 25/9, tại phòng học lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Yên Lỗ (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn), nhóm nữ sinh lớp 9 gồm bắt bạn ngồi trên ghế rồi thi nhau quát mắng, túm tóc, tát liên tiếp vào mặt, lưng, dùng thước kẻ đánh vào đầu, quay clip và đưa lên mạng xã hội.
Không chỉ bạo hành giữa các học sinh với nhau mà còn có cả các vụ bạo hành giữa giáo viên với học sinh. Ngày 30/9, một học sinh lớp 4 trường TH Hải Hòa (phường Hải Hòa, Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) bị cô giáo dùng roi tre đánh bầm tím lưng với nhiều vết chằng chịt vì em không làm bài tập cô giao.
Ngày 29/9, tại hành lang lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), một nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang lớp học và khóc đến kiệt sức. Đỉnh điểm của sự việc là hành động giáo viên túm cổ áo, kéo lê học sinh. Nguyên nhân do nữ sinh đã mua bánh sinh nhật cho lớp không đúng với ý cô giáo. Cũng trong ngày 29/9, một clip khác gây phẫn nộ dư luận ghi lại cảnh một giáo viên đang mắng học sinh té tát với những từ ngữ thiếu chuẩn mực. Sự việc diễn ra tại một lớp học của Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Sẽ có biên chế nhân viên tư vấn học đường?
Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới mà là một trong những thực trạng nhức nhối diễn ra nhiều năm qua. Theo các chuyên gia, học sinh, đặc biệt là các em ở bậc THCS và THPT đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả thể chất và tinh thần. Vì thế, đây cũng là giai đoạn nhạy cảm khi các em dễ có những suy nghĩ và hành vi sai lệch.
Phó Giáo sư Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lí học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định phòng chống bạo lực học đường là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng cần thiết. Kết quả của một số nghiên cứu về hành vi bạo lực học đường tại Việt Nam đã cho thấy, hành vi này trong học sinh chưa được chú ý và chưa được giải quyết có hiệu quả. Khi xảy ra bạo lực giữa các học sinh, đa số các trường sử dụng các hình thức kỉ luật theo các mức độ khác nhau trong khi xét từ góc độ tâm lí cho thấy, việc thường xuyên sử dụng các biện pháp kỉ luật lại không có tác dụng hạn chế bạo lực. Các biện pháp tác động tâm lí mang tính tích cực để hoà giải ít được nhà trường sử dụng. Vì vậy, mâu thuẫn giữa các em chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến dễ tiếp tục nảy sinh bạo lực từ những lí do đơn giản, thậm chí vô vớ, để giải quyết mâu thuẫn đã có.
Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng để tăng cường phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, giải quyết các vấn đề đa dạng, phức tạp khác nhau ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống của học sinh thì việc triển khai hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lí tại các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.
Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã quan tâm chỉ đạo nhưng việc triển khai chính sách về tư vấn tâm lí, công tác xã hội tại các trường phổ thông còn gặp nhiều hạn chế như các quy định của chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế; sự phối kết hợp giữa các bên liên quan còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; chế độ, vị trí việc làm cho đội ngũ thực hiện chưa có quy định cụ thể; hạn chế nguồn kinh phí triển khai…
Ông Đạt cho biết trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc quản lí của bộ về tư vấn tâm lí và công tác xã hội trong trường học được quy định. Trong đó, một trong những nội dung được Bộ chú trọng là việc đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh.
Đề xuất này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Đánh giá tích cực điều này nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng không chỉ học sinh mà chính giáo viên cũng cần được tham vấn tâm lí khi những kiến thức kĩ năng xử lí tình huống học ở trường sư phạm là hữu hạn so với thực tế khi đứng trên bục giảng. Việc liên tiếp xảy ra vụ giáo viên có hành xử thiếu chuẩn mực, bạo hành thể chất và tinh thần với học sinh xảy ra ngay trong tháng đầu tiên của năm học 2023-2024 là minh chứng thực tế.
“Ngành giáo dục đã làm nhiều biện pháp nhưng vẫn xảy ra các hiện tượng này. Chúng ta có thể thấy từ sự chuẩn bị để giáo viên nhận thức được đến hành động vẫn có khoảng cách”, Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nói.
Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam, bên cạnh tập trung tư vấn học đường cho người học cần phải có thêm chiến lược giúp giáo viên có tâm lí tốt hơn, phụ huynh hạnh phúc hơn, có nguyên tắc ứng xử phù hợp hơn.
“Tham vấn tâm lí cho giáo viên không phải là việc của từng trường mà cần được nghiên cứu sớm đưa vào thành một chính sách cụ thể, nhất là khi Luật Nhà giáo đang được xây dựng”, Phó giáo sư Trần Thành Nam nói.
Thái Bình