Chu trình chính sách giáo dục đại học: Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam (Phần 1)

Bài viết sử dụng mô hình chu trình chính sách kết hợp với khung phân tích “dòng chảy hội tụ” của Kingdon (1984) và mô hình văn hoá chất lượng của Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA) để phân tích, làm rõ vai trò của các cơ sở giáo dục đại tại Việt Nam trong chu trình chính sách giáo dục đại học.

Việc tiếp cận toàn diện các bên liên quan và tăng cường “sự tham gia” vào một chu trình chính sách bền vững là xu hướng chính của các quốc gia phát triển trên thế giới trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cách tiếp cận trên đang được áp dụng từng bước cùng với việc hoàn thiện quy trình hoạch định chính sách công, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong bài viết này, Phạm Đình Long và cộng sự sẽ phân tích và mở rộng các vai trò của các cơ sở giáo dục đại học bằng cách tích hợp khung phân tích “dòng chảy hội tụ” của John Kingdon và mô hình văn hoá chất lượng của Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA) vào mô hình chu trình chính sách. Mô hình tích hợp này sẽ cung cấp một khung phân tích để đánh giá thực trạng và thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trong việc thực hiện vai trò của mình, từ đó, đề xuất, kiến nghị các nhóm giải pháp cho các trường trong việc thực hiện vai trò của mình trong chu trình chính sách giáo dục đại học.

Khung phân tích “dòng chảy hội tụ”

Kingdon đề xuất rằng quá trình hoạch định chính sách bao gồm ba dòng chảy chính: “dòng vấn đề”, “dòng chính sách” và “dòng chính trị”. Trong những tình huống ngẫu nhiên, những nhà hoạch định chính sách cố gắng kết hợp các dòng này để tạo ra “cửa sổ chính sách” và hình thành chính sách cụ thể. Kingdon mở rộng phân tích các yếu tố nội tại của cả ba dòng và chỉ ra mối liên hệ giữa chúng. “Dòng vấn đề” liên quan đến sự mâu thuẫn và khoảng cách giữa thực tế và mong muốn. “Dòng chính sách” liên quan đến ý tưởng hình thành nội dung chính sách. “Dòng chính trị” phản ánh xung đột quyền lực và lợi ích giữa các nhóm trong quá trình hình chính sách. Cơ hội kết hợp các dòng xảy ra khi “cửa sổ chính sách” mở ra, là khoảng thời gian những yếu tố chính trị thu hút sự chú ý. Cuối cùng, “doanh nghiệp chính sách” đóng vai trò trung tâm, là những cá nhân hoặc tổ chức muốn kết hợp ba dòng để thúc đẩy chính sách có lợi cho họ.

Mô hình văn hoá chất lượng của Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA)

Văn hóa chất lượng trong tổ chức đóng góp vào việc cải thiện chất lượng một cách bền vững thông qua hai yếu tố chính. Thứ nhất là tập hợp giá trị, niềm tin, sự mong đợi và cam kết đối với chất lượng. Thứ hai là yếu tố cấu trúc và quản lý, sử dụng các quy trình rõ ràng nhằm nâng cao chất lượng. Định nghĩa này nhấn mạnh hai thành tố chính của văn hóa chất lượng là quản lý chất lượng (mang tính kỹ thuật) và cam kết chất lượng (mang tính văn hoá). Quản lý chất lượng bao gồm công cụ và quy trình kỹ thuật, trong khi cam kết chất lượng thể hiện thông qua giá trị, niềm tin và cam kết của cá nhân và tập thể. Sự liên kết chặt chẽ giữa hai thành phần này là quan trọng, yêu cầu sự thông tin, tham gia và niềm tin của thành viên tổ chức.

Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong chu trình chính sách giáo dục đại học

- Vai trò “nhà doanh nghiệp chính sách

Chính sách giáo dục đại học không chỉ là công cụ quản lý của nhà nước mà còn là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học. Môi trường chính sách giáo dục đại học tại Việt Nam đang trải qua biến động và chưa hoàn thiện. Điều này là thách thức và cơ hội cho các cơ sở giáo dục trở thành “nhà doanh nghiệp chính sách”, tương tác tích cực trong quá trình hoạch định chính sách để phản ánh thực tế và hỗ trợ sự phát triển của họ. Trong lĩnh vực này, các “doanh nghiệp chính sách” bao gồm đại diện từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, các cơ quan liên quan, đại biểu quốc hội, nhà giáo dục, và nhà nghiên cứu. Các trường đại học, như "doanh nghiệp chính sách", có đủ tài nguyên và ảnh hưởng để tham gia tích cực trong quá trình định hình chính sách giáo dục đại học.

- Vai trò đảm bảo chất lượng tiến tới xây dựng văn hóa chất lượng

Bản chất của các chính sách giáo dục đại học là không thể thiếu trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các trường đại học ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cao nhất của chính sách, cần sự ứng dụng hiệu quả từ các cơ sở giáo dục đại học. Điều này đòi hỏi xây dựng văn hoá chất lượng, biến chất lượng từ khái niệm đánh giá thành ý thức, trách nhiệm, khả năng và hành động của từng thành viên trong việc thực hiện sứ mệnh phát triển của nhà trường. Tóm lại, chính sách giáo dục đại học tập trung vào quản lý chất lượng, trong khi văn hoá chất lượng yêu cầu sự cam kết và ý thức từ tất cả các thành viên để đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật. Quá trình này đòi hỏi sự cam kết và đồng thuận từ nhiều bên liên quan, và là một quá trình tốn kém thời gian.

- Mô hình tích hợp chu trình chính sách lấy vai trò của cơ sở giáo dục đại học làm trung tâm

Trong một chu trình chính sách tích hợp với khung phân tích “dòng chảy hội tụ” và mô hình “văn hoá chất lượng”, cơ sở giáo dục đại học được kỳ vọng đóng vai trò là “nhà doanh nghiệp chính sách” trong giai đoạn hoạch định chính sách và đảm bảo chất lượng, cũng như vai trò "đảm bảo chất lượng hướng tới hình thành văn hoá chất lượng" trong giai đoạn thực thi và đánh giá chính sách. Điều này có nghĩa là chính sách giáo dục đại học sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động đảm bảo chất lượng của các trường. Trong quá trình này, vai trò của cơ sở giáo dục đại học bao gồm việc khơi gợi vấn đề, tác động và liên kết với các đối tác chính sách, quản lý chất lượng, xây dựng cam kết, và đánh giá để cung cấp thông tin hữu ích cho quá trình hoạch định và thay đổi chính sách. Đồng thời, các trường cũng đóng vai trò trong việc kiểm tra, đánh giá, và học từ quá trình đảm bảo chất lượng để ảnh hưởng đến chính sách mới và tạo ra văn hoá chất lượng.

Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức

Tài liệu tham khảo

Phạm Đình Long, Nguyễn Minh Đỗi, Đỗ Sa Kỳ (2018). Chu trình chính sách giáo dục đại học: Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu giáo dục, 34(3), 1-10. 

Bạn đang đọc bài viết Chu trình chính sách giáo dục đại học: Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam (Phần 1) tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn