Tiếng nói của giáo viên và học sinh: Chìa khoá trả lời các vấn đề giáo dục

Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên là “tiêu chuẩn vàng” trong một số lĩnh vực nghiên cứu y khoa, và đã bắt đầu được khuyến nghị áp dụng trong việc đào tạo chuyên môn giáo viên ở Australia. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, sẽ thật ngây thơ nếu đưa một phương pháp nghiên cứu của lĩnh vực khác áp dụng trong giáo dục.

Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên trong y học là cách thức tối ưu trong nghiên cứu y học, nhằm so sánh hiệu quả của một biện pháp điều trị với một phương pháp khác hoặc là khi không được điều trị. Cụ thể, những người tình nguyện tham gia thử nghiệm sẽ được xếp vào nhóm nhận phương pháp điều trị mới hoặc hiện hành (có đối chứng) thông qua phần mềm tạo danh sách ngẫu nhiên trên máy tính. Nhờ đó, khi so sánh kết quả, nhà nghiên cứu sẽ có được dữ liệu không thiên lệch về hiệu quả của phương pháp điều trị.

Vì sao yếu tố ngẫu nhiên đem lại nhiều lợi ích?

Những nghiên cứu có mục tiêu thiết lập mối quan hệ giữa yếu tố “nhân” (thường là một biện pháp can thiệp) và “quả” (những thay đổi mong muốn) thường sử dụng phương pháp thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. Chẳng hạn như một nghiên cứu tìm hiểu về tác động của chương trình đào tạo mới đối với hiệu quả đào tạo giáo viên.

Lấy ví dụ, một trong những nghiên cứu dạng này là một thử nghiệm được thực hiện tại bang New South Wales (Australia) vào năm 2014-2015 về hiệu quả của chương trình Tăng cường Chất lượng Giáo viên - một cách tiếp cận cụ thể đối với việc đào tạo chuyên môn của giáo viên trong trường học. Các nhà nghiên cứu muốn biết liệu phương pháp này có cải thiện việc giảng dạy hay không. Các giáo viên được phân bổ ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm can thiệp và được yêu cầu ttham gia các lớp đào tạo chuyên môn trong khuôn khổ chương trình, hoặc vào một nhóm đối chứng.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát và đánh giá việc giảng dạy của tất cả những người tham gia thử nghiệm. Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu “kín”, có nghĩa là họ không biết liệu họ đang đánh giá các giáo viên trong nhóm can thiệp hay nhóm đối chứng. Thử nghiệm cho thấy chương trình Tăng cường Chất lượng Giáo viên đã tạo ra sự cải thiện có ý nghĩa thống kê về chất lượng giảng dạy trong các nhóm can thiệp.

Các phương pháp nghiên cứu giáo dục khác vẫn rất hữu ích

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu muốn có được cái nhìn sâu sắc hơn về quan điểm của chính giáo viên về cách họ học tập chuyên môn tại nơi làm việc. Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên sẽ không thể đạt được mục tiêu này.

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với bốn giáo viên mà họ đã chọn từ một nhóm lớn hơn. Họ khuyến khích giáo viên nói chuyện một cách thoải mái về mục tiêu học tập của họ, sau đó mã hóa và phân loại các câu trả lời được ghi lại. Thông qua đó, các nhà nghiên cứu đã xác định những cách thức giúp giáo viên rèn luyện tốt nhất: đó là thông qua việc đọc, trải nghiệm, suy ngẫm và cộng tác.

Một ví dụ khác cho thấy một số loại nghiên cứu giáo dục quan trọng không thể được thực hiện thông qua các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên là loại nghiên cứu hành động, trong đó giáo viên thử nghiệm một ý tưởng mới trong lớp học, phản ánh lại quá trình, kết quả thực nghiệm và cải tiến cách tiếp cận của họ - một cách liên tục và lặp lại. Chẳng hạn, có một dự án trong đó hai giáo viên đang nghiên cứu ảnh hưởng của việc giảng dạy theo nhóm liên môn đối với việc học của học sinh và giáo viên. Các nhà nghiên cứu cũng ghi chép lại đánh giá từ các giáo viên và học sinh khác về vấn đề này. Loại nghiên cứu này giúp  trao quyền cho giáo viên và cung cấp môi trường để họ tạo ra các dự án của riêng mình. Ngược lại, các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nói chung rất phức tạp và giáo viên khó có thể triển khai một cách chính xác.

Hạn chế của các thử nghiệm ngẫu nhiên

Tổ chức Nghiên cứu Giáo dục Úc (AERO) mới đây đã công bố một số hướng dẫn đặc biệt khuyến nghị giáo viên tiến hành các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên trong lớp học của họ.

Tổ chức này đề xuất các giáo viên có thể chọn cách tung đồng xu để quyết định phương pháp giảng dạy sẽ sử dụng, hoặc chia lớp học một cách ngẫu nhiên thành hai nhóm, một nửa dạy theo cách này và nửa còn lại dạy theo cách khác. Tuy nhiên, về mặt phương pháp, cách làm này không chắc chắn và không thực tế trong một lớp đơn lẻ. Người quyết định ai sẽ nhận được sự can thiệp thường không phải là người thực hiện can thiệp hoặc là người đánh giá kết quả. Nếu không, sự thiên lệch là không thể tránh khỏi.

Nhìn chung, khuyến nghị của AERO không chỉ bỏ ngoài tai hiệu quả của phương pháp thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, mà còn không quan tâm đến tải lượng công việc của giáo viên khi “bắt” họ phải dạy hai phương pháp khác nhau cho cùng một lớp.

Ngay cả trong y học (nơi bắt nguồn của phương pháp này), các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên không thể trả lời tất cả các câu hỏi đặt ra trong nghiên cứu. Chẳng hạn, phương pháp này không thể xác định thái độ, thành kiến và mức độ cam kết của con người đối với các vấn đề nhất định. Các nhà nghiên cứu y tế cũng sử dụng các cách tiếp cận khác nhau được mô tả ở trên.

Nghiên cứu cho thấy một nhược điểm của các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên trong giáo dục là các biện pháp can thiệp mà họ đánh giá thường sẽ không có hiệu quả y hệt nhau trong tất cả các điều kiện, bối cảnh và tất cả nhóm học sinh, và buộc phải có những đánh giá quy trình bổ sung.

Cuối cùng, giáo viên thường không có kinh nghiệm tự thực hiện các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. Thông thường, chỉ có các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mới có thể tiến hành phương pháp này một cách chính xác.

Không thể ưu tiên các đo lường khoa học so với tiếng nói của khách thể nghiên cứu

Cách lý tưởng để tìm câu trả lời cho các câu hỏi trong giáo dục là tiến hành nghiên cứu định lượng (dựa trên con số) và định tính (dựa trên con người) một cách song song. Điều này sẽ trả lời tất cả các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu.

Tuy nhiên, việc ưu tiên thái quá một loại phương pháp nghiên cứu so với tất cả các loại khác chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về bản chất của nghiên cứu. Điều đó cho thấy nhà nghiên cứu khi đó quá coi trọng giá trị của các đo lường khoa học so với những phương pháp nghiên cứu đề cao tiếng nói của khách thể nghiên cứu, nhất là trong một ngành nghề thể hiện rõ đặc trưng nữ quyền như giáo viên.

Vân An lược dịch

Nguồn:

McKnight, L. & Morgan, A. (2022). Scientific measurement won’t answer all questions in education. We need teacher and student voices, too. The Conversation. 

Bạn đang đọc bài viết Tiếng nói của giáo viên và học sinh: Chìa khoá trả lời các vấn đề giáo dục tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19