Tầm quan trọng của giáo dục sức khoẻ tinh thần cho học sinh: Nghiên cứu trường hợp tại Australia

Ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng những vấn đề về tâm lý ở giới trẻ. Ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19, những vấn đề bất cập trong đào tạo và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực tâm lý học có thể làm tăng thêm những thách thức về sức khỏe tâm thần và cản trở khả năng những người trẻ tuổi có thể nhận được sự hỗ trợ.

Nghiên cứu của hai học giả Christine Grové và Alexandra Marinucci (Đại học Monash, Australia), cùng với một số nghiên cứu tương tự khác, cho thấy những người trẻ tuổi nhận thức được rằng họ không được trang bị tốt để tự giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần của chính mình. Lý do này phần nào có thể giải thích thực trạng cứ 7 thanh thiếu niên Australia thì có 1 người gặp trục trặc với những vấn đề sức khoẻ tinh thần của bản thân.

Cần phải giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh niên thông qua các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như tổ chức các khoá tập huấn về sức khỏe tâm thần. Hiểu biết về sức khỏe tâm thần bao gồm việc tiếp nhận kiến thức và có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về sức khỏe tâm thần, biết về các phương án tìm kiếm sự giúp đỡ và các hành vi cải thiện sức khỏe tâm thần tích cực.

Để thu thập dữ liệu thực tế phục vụ cho nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp tổ chức thảo luận nhóm trực tuyến để những người trẻ nêu quan điểm về thực trạng giáo dục sức khoẻ tinh thần trong chương trình giảng dạy, và liệu thực trạng đó đã đáp ứng được đòi hỏi của họ trong vấn đề nhận thức về sức khoẻ tinh thần hay chưa. Tổng cộng đã có 13 thanh thiếu niên Australia tham gia các cuộc thảo luận này trong năm 2021.

Các học sinh đã nói gì về chủ đề này?

Những người tham gia trả lời nghiên cứu bày tỏ lo lắng rằng các em không thu nhận được đủ thông tin về sức khỏe tâm thần ở trường. Các học sinh này cũng cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn trợ giúp phù hợp. Một số phản hồi của các em:

“Chúng em không hài lòng về việc [...] người ta nói quá ít về sức khoẻ tinh thần.

Họ thực sự không nói gì mấy về việc làm thế nào để giúp những người xung quanh chúng ta đối mặt với điều đó [sức khoẻ tinh thần], nên, kiểu như là, sau đó thật khó để [...] chúng em có thể giúp đỡ những người bạn của mình.”

Các nguồn trợ giúp không chính thức như gia đình, bạn bè và internet là những cách phổ biến nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ. Những người trẻ tuổi ít có xu hướng tìm đến các nguồn chính thức như chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc bác sĩ đa khoa.

Những người trẻ tuổi thường có xu hướng không tự tin trong việc hỗ trợ một người bạn đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần vì sợ bản thân nói hoặc làm điều gì đó thái quá hoặc những việc không chính xác.

Sự kỳ thị vẫn là một vấn đề lớn

Sự kỳ thị và thái độ tiêu cực đối với các rối loạn tinh thần vẫn tồn tại mặc dù đã có nhiều sáng kiến và chiến dịch sức khỏe tinh thần nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề này.

Những người trẻ tuổi đã mô tả sức khỏe tinh thần vẫn luôn là một “chủ đề kín đáo”, trong đó vấn đề này thường bị “đóng khung” với những quan niệm tiêu cực từ mọi người xung quanh.

Sự thiếu kiến thức về sức khỏe tinh thần của xã hội được coi là nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị. Như một bạn trẻ đã nói:

“Khi người ta không hiểu một điều gì đó [...] họ thường có xu hướng sợ hãi nó.

Những người trẻ tham gia nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng việc đề cập đến các vấn đề sức khoẻ tinh thần trong trường học và “bình thường hoá” suy nghĩ của mọi người về các vấn đề sức khoẻ tinh thần có thể giúp giảm thiểu sự kỳ thị như vậy.

Mặc dù sức khỏe tinh thần có thể là một chủ đề nhạy cảm, nhưng những người trẻ tin rằng điều quan trọng là phải hiểu và học về nó ở trường với các chuyên gia về sức khỏe tinh thần.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Christine Grové, & Alexandra Marinucci (2022). ‘It’s almost like a second home’: why students want schools to do more about mental health. The Conversation.

Bạn đang đọc bài viết Tầm quan trọng của giáo dục sức khoẻ tinh thần cho học sinh: Nghiên cứu trường hợp tại Australia tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19