Một chia sẻ của giáo viên đối với việc thay đổi các thói quen chấm điểm truyền thống

Bằng cách đảm bảo rằng các phương pháp chấm điểm của mình phản ánh chính xác nhận thức của học sinh, giáo viên có thể động viên và khen thưởng sự tiến bộ của các em (chia sẻ của giáo viên Alexis Tamony trên Edutopia).

Cuối kỳ học, một học sinh trong lớp của tôi đạt điểm 83/100. Điều này thực sự có nghĩa là gì? Có phải các em hiểu được 83% tài liệu môn học, hoàn thành 83% khối lượng bài tập về nhà, hay đạt được 83% trên tổng số số điểm kiểm tra của toàn môn học? Học sinh đã thực sự hiểu được tài liệu môn học, hay các em chỉ đơn giản “thực hiện hoạt động học tập” để đạt được điểm số đó?

Tôi đã nghĩ nhiều về phương pháp chấm điểm của mình trong thời gian gần đây và tự hỏi, liệu nó có phản ánh chính xác triết lý dạy học của tôi hay không? Tôi tin rằng nhiệm vụ của mình, với tư cách là một giáo viên trong lớp học, là thực hiện các việc sau:

- Dạy học sinh những kiến thức thuộc lĩnh vực của tôi (Toán học).

- Động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh trong lĩnh vực này.

- Báo cáo chính xác mức độ hiểu bài của học sinh.

Với suy nghĩ như vậy, tôi đã nghiên cứu và phản biện kỹ lưỡng ba thói quen chấm điểm phổ biến dưới đây.

Thay đổi các thói quen chấm điểm truyền thống

Luôn chia điểm trung bình mọi lúc: Đa số các cuốn sổ điểm đều tính điểm trung bình của học sinh theo thời gian. Chúng ta dạy học sinh trong suốt một học kỳ dài và đánh giá thực lực của các em ở nhiều thời điểm khác nhau. Đối với một học sinh thể hiện năng lực tốt ngay từ đầu học kỳ, điều này có vẻ không có vấn đề gì.

Nhưng hãy thử nghĩ đến tình huống sau: Một học sinh tên là Marisa ngay từ đầu môn học đã thể hiện khả năng rất tốt và đạt thành tích cao trong suốt năm học. Thành tích của Jacob ở mức khá ở thời điểm đầu học kỳ, dần cải thiện trong thời gian học và cuối cùng đạt được mức ngang bằng với Marisa. Trong khi đó, hành trình của Elias và Taylor thì vất vả hơn, nhưng các em rất chăm chỉ, và bạn đã hoàn thành xuất sắc việc dạy cho các em! Nếu đến cuối học kỳ, cả bốn học sinh này đều có mức độ hiểu kiến thức tương đương nhau, liệu điểm số của các em có phản ánh đúng điều này hay không?

Chúng ta học tập ở các tốc độ khác nhau. Liệu chúng ta có nên “trừng phạt” học sinh có khởi đầu môn học không tốt, gặp phải một sang chấn nào đó khiến các em bị tụt lại tạm thời ở một thời điểm nào đó, hay cần thêm thời gian để học kiến thức mới? Không, tôi nghĩ rằng cả bốn học sinh này đều xứng đáng nhận được điểm số như nhau nếu các em thể hiện mức độ hiểu bài như nhau. Cuốn sổ điểm cần phải phản ánh đúng các giá trị mà giáo viên đặt ra!

Nhiều năm qua, việc dạy cho học sinh tư duy cần phải tiến bộ đã phủ sóng dày đặc trên các blog và các buổi diễn thuyết dành cho giáo viên. Tuy nhiên, tôi cho rằng cách thức giáo viên tính điểm vẫn hoàn toàn bỏ qua tư duy về sự tiến bộ này. Nếu thói quen chấm điểm của chúng ta không cổ vũ, động viên và dành sự khen thưởng cho sự tiến bộ của các em, chứng tỏ chúng ta không quan tâm đến giá trị đó. Làm thế nào để chúng ta cho các em biết rằng việc tiến bộ là rất quan trọng? Chúng ta cần từ bỏ thói quen chia điểm trung bình và chọn một hình thức khác.

Đây là cách mà thói quen của tôi đã thay đổi theo thời gian: Tôi thường xuyên cập nhật những điểm số cũ bằng những điểm số mới và phản ánh chính xác hơn. Học sinh được làm lại các bài kiểm tra không giới hạn số lần. Tôi yêu cầu các em liên tục luyện tập các kiến thức quan trọng và thể hiện sự hiểu biết của mình về các kiến thức đó. Tôi nói với học sinh rằng việc học sẽ không kết thúc sau khi các em hoàn thành một bài kiểm tra. Bài kiểm tra không phải là lời phán xét cuối cùng, mà chỉ là sự đánh dấu tiến trình học tập của các em mà thôi. Tôi tin rằng tất cả học sinh đều có thể thành công trong lớp của tôi.

Tôi nói với các em rằng, “Tôi sẽ không từ bỏ việc dạy các em chỉ vì bây giờ em chưa biết làm một việc gì đó.” Tôi gắn chặt bản thân với suy nghĩ này, và điều đó được phản ánh trong cuốn sổ điểm của tôi. Nếu một học sinh đạt điểm dưới chuẩn “thành thạo kiến thức” theo một chuẩn đánh giá nào đó, tôi cho các em làm lại bài kiểm tra trong thời gian học. Các học sinh được cho những cơ hội tuỳ thuộc vào khả năng và thành tích của từng em để luyện tập và sau đó được đánh giá lại sau khi các em đã thu nạp thêm kiến thức. Tôi chỉ giữ lại những điểm số gần nhất để thể hiện sự thông hiểu kiến thức của các em. Các em cũng cần phải chứng tỏ được khả năng vận dụng kiến thức của mình - điều vốn thường là vấn đề tại các lớp học Toán.

Bên cạnh việc thông hiểu kiến thức, đánh giá thêm các yếu tố khác vào điểm số: Tôi đã từng có những học sinh qua được môn của tôi, nhưng tôi biết các em hiểu bài rất ít. Tôi cũng có những học sinh hiểu bài khá tốt nhưng lại đạt điểm số tương đối thấp. Tại sao lại như vậy? Những học sinh đạt điểm số cao (hơn thực tế khả năng) có thể đã nhờ gia sư làm bài hộ, chép bài của bạn hay nhờ những ứng dụng giải toán như Photomath để làm bài tập.

Trên thực tế, với tỷ lệ phân chia 60/40 giữa số bài kiểm tra và bài tập trên lớp/bài tập về nhà, một học sinh có thể trượt tất cả các bài kiểm tra (trung bình 33%) nhưng vẫn hoàn thành tất cả các “bài tập” và qua môn. Học sinh không cần hiểu bài mà vẫn đỗ.

Thật đáng lo ngại khi điểm số không phản ánh chính xác sự thật rằng một học sinh cần chú ý hơn vào bài học. Trong khi đó, trường hợp một học sinh hiểu bài tốt nhưng lại bị điểm kém cũng có thể xảy ra, bởi các em không làm tốt một số việc mà học sinh cần làm. Thay vì dùng điểm số để đánh giá những yếu tố này, sẽ chính xác hơn nếu chúng ta chỉ tập trung vào tri thức mà thôi.

Tôi sẽ phân phối số điểm 100 mà mình có cho các mục tiêu học tập như sau:

“Các em không được điểm số cho việc làm bài tập đúng không?”

“Không.”

“Các em đó vẫn làm bài tập chứ?”

“Có.”

“Các em có thi thoảng quên làm bài tập không?”

“Có.”

Tôi sẽ đánh giá những thói quen học tập này vào một cuốn sổ online để phụ huynh có thể theo dõi và hỗ trợ con em mình, nhưng những điểm này không tính vào điểm số cuối môn học. Học sinh sẽ không làm bài tập vì điểm, thay vào đó học sinh làm bài tập vì chúng ta đã xây dựng môn văn hoá học tập chú trọng thành quả.

Tôi liên tục nói về mối tương quan giữa sự luyện tập và thành tích học tập. Trẻ em hiểu được mối liên hệ này qua các hoạt động như thể thao, khiêu vũ, trò chơi điện tử và các sở thích khác. Tại sao chúng ta không sử dụng vào mối liên hệ đó trong một khía cạnh quan trọng như giáo dục?

Chấm các điểm số chung chung như “Bài tập 4B: 71%”. Tôi cực kỳ minh bạch với học sinh và phụ huynh về cách chấm điểm của mình. Tôi chấm dựa trên mức độ hiểu biết hiện tại của học sinh về các mục tiêu học tập cụ thể dựa trên tiến trình học tập được tôi cùng với các đồng nghiệp thiết kế. Bằng các đánh giá chuyên môn của tôi về sự hiểu biết của học sinh, tôi cho điểm các bài kiểm tra dựa trên thang điểm về sự thông hiểu:

4 - Gần như thành thạo (A) 

3 - Hiểu bài (B) 

2 - Đang tiến bộ (C) 

1 - Chưa hiểu (D) 

0 - Không học bài (F)

Nếu một bài kiểm tra được thiết kế để đánh giá bốn mục tiêu học tập, kết quả sẽ được chấm thành bốn điểm số khác nhau trong sổ điểm của tôi:

Mục tiêu 1: điểm 4 (A)

Mục tiêu 2: điểm 2 (C)

Mục tiêu 3: điểm 2 (C)

Mục tiêu 4: điểm 1 (D)

Tôi có dữ liệu điểm của từng mục tiêu học tập của mỗi em. Tất cả mọi người đều có thể thấy - một cách minh bạch - rằng học sinh này giỏi ở điểm nào và cần cố gắng ở điểm nào. Còn trong sổ điểm, điểm tổng của học sinh sẽ là điểm C (9 / 4 = 2,25). Với tôi như vậy là chuẩn xác.

Ngoài ra, nếu tôi chấm điểm bài kiểm tra này chỉ dựa trên tỉ lệ phần trăm số câu trả lời đúng (và giả định rằng mỗi mục tiêu học tập tương ứng với bốn câu hỏi), điểm của học sinh sẽ là 9 / 16 (56%), nếu theo cách chấm thông thường sẽ là điểm F. Với tôi như vậy là chưa chính xác. Dựa trên đánh giá theo cách của tôi, học sinh này đã qua môn ở 3 / 4 chủ điểm môn học và có hiểu biết rất tốt về một trong số 3 chủ điểm đó.

Vậy liệu các em có xứng đáng bị trượt môn khi đã thể hiện hiểu biết như vậy hay không? Cách chấm điểm này cho phép học sinh chủ động hơn với lộ trình học tập của mình. Các em có thể theo dõi sự tiến bộ của mình theo thời gian, đặt ra các mục tiêu và xem bản thân mình phát triển như thế nào.

Vân An dịch

Nguồn:

Alexis Tamony (2021). 3 Grading Practices That Should Change. Edutopia. 

Bạn đang đọc bài viết Một chia sẻ của giáo viên đối với việc thay đổi các thói quen chấm điểm truyền thống tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19