Khuynh hướng ứng dụng các “kĩ năng của thế kỷ 21” trong các chương trình giáo dục STEM và sự thay đổi theo thời gian 

Việc khuyến khích áp dụng các “kĩ năng của thế kỷ 21” (D21S, bao gồm các kĩ năng: tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp, sáng tạo, giao tiếp và cộng tác) trong việc học tập theo dự án các môn khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM-PjBL) đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh giáo dục phổ thông hiện nay.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ đang thay đổi cách thức học sinh học, kết nối và tư duy hàng ngày. Đặc biệt, những sự thay đổi nhanh chóng này đã khiến kĩ năng mềm trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu mà mỗi học sinh cần trang bị cho bản thân trước khi bước sang những bậc học cao hơn hoặc thị trường lao động. Trong vài thập niên vừa qua, các nhà giáo dục trên toàn cầu đã thúc đẩy việc bồi dưỡng năm kĩ năng được cho then thốt của thế kỷ 21 (D21S) gồm: tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp, sáng tạo, giao tiếp và cộng tác. Đây cũng là những kĩ năng được nêu bật trong tài liệu La Bàn Định hướng Học tập và Phát triển Toàn diện OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) 2030. Tài liệu này xác định năng lực của một người bao gồm bốn thành tố chính: kiến thức, kĩ năng, thái độ và giá trị, trong đó thái độ và giá trị là hai nhóm yếu tố được gọi chung là khuynh hướng (disposition), có tác dụng định hướng quan điểm, hành vi của học sinh. Cụ thể, khuynh hướng ở đây được định nghĩa là những thái độ, thói quen được gắn liền vào niềm tin hoặc hành vi của một người, giúp họ học tập, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định một cách hiệu quả. Không có những yếu tố định hướng này, các kĩ năng của học sinh sẽ kém hiệu quả hơn và khó duy trì về lâu dài.

Dù có tầm quan trọng như vậy, song số lượng nghiên cứu về khuynh hướng trong giáo dục vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong bối cảnh ứng dụng dạy học dự án các môn STEM (STEM-PjBL). Cụ thể, các nghiên cứu đi trước hiếm khi sử dụng cách tiếp cận dựa trên con người để tìm hiểu tính hiệu quả của các chương trình STEM-PjBL; đồng thời, hiểu biết về sự khác biệt giữa các nhóm học sinh với các đặc điểm nhân khẩu học khác nhau vẫn còn hạn chế (Thay vào đó, các nghiên cứu về D21S chủ yếu sử dụng các tiếp cận dựa trên biến số để phân tích).

Phương pháp được nhóm nghiên cứu sử dụng là khảo sát ý kiến bằng bảng hỏi. Nhóm khách thể khảo sát gồm 380 học sinh tiểu học từ các trường học ở khu vực miền Trung, Nam và Đông Đài Loan. Hồ sơ của các học sinh (cho thấy khuynh hướng ứng dụng D21S ở các mức cao, trung bình hoặc thấp) thuộc 6 trường tiểu học được thu thập và liệt kê để phục vụ nghiên cứu. Khả năng chuyển đổi của các học sinh giữa những trạng thái nhận thức và hành vi khác nhau liên quan đến D21S cũng được ước tính, là cơ sở để chia học sinh làm 2 nhóm (nhóm can thiệp và nhóm đối chiếu) trong một học kỳ. Tỉ lệ nam sinh tham gia khảo sát là 49,47%, còn nữ sinh là 50,53%. Tỉ lệ học sinh giữa nhóm đối chiếu và nhóm can thiệp lần lượt là 46% và 54%. Học sinh lần lượt trả lời bảng khảo sát vào cuối thời kỳ 1 và 2 của nghiên cứu.

Nghiên cứu cho thấy, đa số học sinh (63,4%) có khuynh hướng áp dụng D21S ổn định trong thời gian một học kỳ; một tỉ lệ nhỏ (17,6%) cho thấy sự gia tăng trong việc ứng dụng D21S, và một nhóm khác (18,9%) cho thấy sự giảm sút trong quá trình này. Bên cạnh đó, các chương trình STEM-PjBL đã chứng tỏ tác động tích cực đến sự phát triển và phổ biến của D21S. Nghiên cứu còn cho thấy xu hướng ứng dụng D21S của học sinh (ổn định, tăng hoặc giảm) có thể được sử dụng để dự đoán động lực học tập của học sinh, cụ thể: khuynh hướng D21S giảm đồng nghĩa với việc học sinh có xu hướng giảm động lực học tập. Kết quả trên cho thấy những học sinh có khuynh hướng ứng dụng D21S cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của giáo viên, bởi khi đó thành tích học tập, quan niệm về năng lực trong lĩnh vực STEM của học sinh đó nhiều khả năng cũng suy giảm tương ứng.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Chen, S. K., Yang, Y. T. C., Lin, C., & Lin, S. S. J. (2022). Dispositions of 21st-Century Skills in STEM Programs and Their Changes over Time. International Journal of Science and Mathematics Education. https://doi.org/10.1007/s10763-022-10288-0