Có nên trình bày về liêm chính cho học sinh phổ thông, sinh viên năm thứ nhất đại học?

Bài viết giới thiệu về một nghiên cứu ở Thụy Điển về chủ đề liêm chính giáo dục và liêm chính học thuật. Từ đó, vấn đề truyền thông về liêm chính được đặt ra đối với sinh viên, học sinh phổ thông. Những thông tin hữu ích, phù hợp với giáo dục Việt Nam cũng sẽ được chia sẻ.

Liêm chính học thuật (academic integrity) liên quan đến tất cả các cấp độ giáo dục (bao gồm cả phổ thông và đại học). Cho đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận về một định nghĩa và thuật ngữ “liêm chính”. Trong mọi trường hợp, liêm chính học thuật quan trọng vì nó là nền tảng giá trị của bằng cấp và nó quyết định các kĩ năng cũng như đạo đức của các chuyên gia trong tương lai.

Ở Thụy Điển, nghiên cứu về học sinh phổ thông đã phát hiện ra rằng phần lớn học sinh đã sử dụng các nền tảng như Wikipedia để truy cập nhanh vào các dữ kiện mà không dám trích dẫn chúng trong các bài tập ở trường. Điều này cho thấy cần thiết phải giới thiệu tính liêm chính trong học thuật một cách rất cụ thể với sự nhấn mạnh vào sự cần thiết phải trích dẫn tất cả các nguồn đã góp phần xây dựng tác phẩm.

Thực tế là, nhiều trường đại học đề xuất các tiêu chuẩn và sách hướng dẫn để tránh đạo văn và hành vi sai trái trong học tập. Sự tồn tại của các trung tâm viết học thuật là một công cụ quan trọng giúp sinh viên có được tính liêm chính trong học thuật và được đào tạo để tạo ra các văn bản gốc trong lĩnh vực tương ứng của họ. Tất cả các trường đại học tại Thụy Điển đều có cơ cấu này và cung cấp thông tin về hậu quả của việc đạo văn nhưng báo cáo của Cơ quan Giáo dục Đại học Thụy Điển vẫn chỉ ra sự gia tăng các trường hợp đạo văn phải chịu các biện pháp kỉ luật. Đã có 2.466 trường hợp (0,79% trong tổng số 312.705 sinh viên) được đưa ra hội đồng kỉ luật, khoảng 54% các trường hợp liên quan đến vấn đề gian lận và đạo văn trong năm 2019 và 2020. Học sinh trung học ở Thụy Điển được khuyến khích lựa chọn và điều tra các nguồn trong quá trình học của mình để đặt câu hỏi về các diễn ngôn trong các lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa, ở cấp đại học, sinh viên được kì vọng, hướng dẫn để có thể tìm thấy những nguồn đáng tin cậy trong các bài luận của họ.

Nghiên cứu này khuyến nghị cần giáo dục học sinh trung học về liêm chính học thuật. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng dạy học, góp phần xây dựng liêm chính học thuật cho giáo dục đại học. Việc trình bày về tính liêm chính trong học thuật và đánh giá về nguồn tài liệu có ý nghĩa quan trọng vì chúng kích hoạt khả năng suy luận xung quanh các nguồn thông tin mà các em có thể tiếp cận. Các tác giả cũng khuyến nghị cần trình bày về liêm chính cho sinh viên năm thứ nhất đại học. Thiết nghĩ, vấn đề và cách làm này có thể xem xét thực hiện ở Việt Nam một cách phù hợp.

Minh Anh lược dịch

Tài liệu tham khảo 

Premat, C. (2023). Engaging upper secondary school pupils with integrity and source criticism. International Journal for Educational Integrity19(1), 5. https://doi.org/10.1007/s40979-023-00127-2

Bạn đang đọc bài viết Có nên trình bày về liêm chính cho học sinh phổ thông, sinh viên năm thứ nhất đại học? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn