Thí điểm triển khai học bạ điện tử, giảm áp lực cho giáo viên

Việc thí điểm triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà trường và các giáo viên do giảm áp lực hồ sơ sổ sách, thuận lợi trong quản lý, điều hành. Dù vẫn còn những khó khăn vướng mắc nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay sẽ từng bước tháo gỡ.

Tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục hành chính

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đang thí điểm triển khai mô hình học bạ điện tử, sổ điểm điện tử trên quy mô toàn quốc. Đây là giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành (hạn chế sử dụng giấy tờ, cắt giảm thành phần hồ sơ).

Việc sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử đảm bảo thuận tiện trong lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ ở các nhà trường; giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, nhà trường, đồng thời minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện học sinh; hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập.

Theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Hà Nội, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử đã và đang được triển khai ở các trường trên địa bàn quận và nhận được sự hưởng ứng, đánh giá tích cực từ các cán bộ, giáo viên do giúp thầy cô giảm tải hồ sơ trong nhiều công đoạn. Đơn cử như trước đây, mỗi dịp cuối học kỳ là một sự ám ảnh với giáo viên khi phải ngồi trước chồng học bạ của hàng trăm học sinh ở nhiều lớp trong trường, mở từng cuốn, ghi điểm và ký xác nhận cho từng em thì nay thầy cô có thể dùng chữ ký số và chỉ cần ký một lần.

Với những lợi thế rõ rệt, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) khẳng định ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại chuyển biến tích cực trong các nhà trường, giảm bớt áp lực, căng thẳng cho giáo viên và từ đó tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.

Là người trực tiếp thực hiện sổ điểm điện tử, giáo án điện tử, cô Sa Thị Thỏa, giáo viên Trường THPT Mường Chiềng, tỉnh Hòa Bình cho hay: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp chúng tôi nhập liệu điểm số học sinh nhanh hơn, bớt được rất nhiều thời gian để chúng tôi có thể sử dụng thời gian tiết kiệm đó vào việc soạn giáo án, nâng cao chất lượng bài giảng”.

Đây cũng là chia sẻ của thầy Lê Hồng Anh, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Theo thầy Hồng Anh, việc sử dụng học bạ điện tử đã giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý và tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho giáo viên. “Giáo viên chỉ cần sử dụng chữ ký số là có thể xác nhận toàn bộ tất cả những nội dung dữ liệu trên hệ thống chứ không phải đi ký cho từng học sinh ở từng lớp như trước đây”, thầy Hồng Anh nói.

Từng bước gỡ khó

Dù mang đến nhiều sự thuận lợi nhưng việc triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử ở các nhà trường cũng vẫn còn nhiều vướng mắc do thiếu hụt cơ sở hạ tầng và sự chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương trong phần mềm triển khai, gây khó khăn cho việc nhận xét, đánh giá và đặc biệt là việc công nhận kết quả lẫn nhau. Điều này dẫn tới một số hạn chế như học sinh chuyển trường sang khác vẫn phải xin học bạ truyền thống, hoặc các em vẫn phải nộp học bạ giấy. 

Phân tích cụ thể hơn, cô Lê Thị Thúy Hằng, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội cho hay học sinh chuyển trường trong thành phố Hà Nội khá dễ dàng do các trường được yêu cầu sử dụng cùng một cơ sở dữ liệu ngành. Tuy nhiên, nếu học sinh chuyển trường ra ngoài Hà Nội thì cơ sở dữ liệu ngành không đồng nhất, gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh học khi lại phải quay về sử dụng học bạ giấy bằng cách in từ học bạ điện tử, lấy chữ ký từng giáo viên, hiệu trưởng đóng dấu. Điều này làm giảm hiệu quả, tiện ích của việc sử dụng dữ liệu điện tử.

Sự “lệch pha” trong phần mềm thậm chí xảy ra ngay trong cùng một địa phương khi hiện ở một số tỉnh, thành trên cả nước đang cùng lúc sử dụng nhiều phần mềm khác nhau. Làm sao để các phần mềm này có sự thống nhất nhằm tạo thuận lợi trong việc liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành của địa phương và của Bộ Giáo dục và Đào tạo là vấn đề lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục băn khoăn. Bên cạnh đó là vấn đề phải hoàn thiện tính pháp lý cho học bạ và sổ điểm điện tử.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu năm 2023 phải hoàn chỉnh các vấn đề về chuyển trường của học sinh, giáo viên, chữ ký điện tử, hoàn thiện hành lang pháp lý. 

Thông tin cụ thể hơn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải cho hay Bộ sẽ có đánh giá chính xác kết quả mô hình và sẽ có hướng dẫn thể chế để thực hiện việc quản lý, sử dụng thống nhất trên toàn quốc. Khi đó, những bất cập nêu trên có thể được tháo gỡ. Đây cũng là mong muốn của phần lớn giáo viên hiện nay. 

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng bài toán của nhiều nhà trường. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, để thực hiện tốt hơn việc chuyển đổi số, nhà trường đề nghị cần được nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Với các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đây lại càng là bài toán phức tạp hơn. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm, hệ thống hỗ trợ quản lý điều hành, dạy và học của địa phương vừa lạc hậu, vừa thiếu đồng bộ, không thống nhất giữa các đơn vị. Điều này dẫn đến cơ sở dữ liệu bị chia tách, không đồng nhất, không liên thông kết nối được với nhau. Trong khi đó địa phương phải triển khai đồng bộ các nội dung chuyển đổi số, cần nguồn kinh phí rất lớn, nên việc bố trí kinh phí cho ngành giáo dục rất khó khăn. 

Theo Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải, đây là thách thức lớn và những khó khăn là không tránh khỏi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ cần thời gian hoàn thiện để vận hành nhịp nhàng một hệ thống với khối lượng dữ liệu lớn trên quy mô toàn quốc./.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Thí điểm triển khai học bạ điện tử, giảm áp lực cho giáo viên tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19