Phát huy tính chủ động của học sinh trong đổi mới dạy, học môn Ngữ văn

Trong mỗi tiết học, những phương pháp dạy học tích cực, khơi gợi niềm yêu thích môn Ngữ văn thường xuyên được cô giáo áp dụng. Qua đó tăng cảm hứng học tập môn Ngữ văn cho các em học sinh và khuyến khích tinh thần đọc sách, cũng như sự cảm thụ tác phẩm văn học.

Xác định Ngữ văn là môn học đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo của học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do đó, đội ngũ giáo viên môn học này đã chủ động tiếp cận nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại để truyền cảm hứng, phát huy được sự sáng tạo của học sinh.

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Minh, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Thuận Thành 1, thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Để khơi gợi sự hứng thú và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học môn Ngữ văn, việc đầu tiên giáo viên cần làm là nắm bắt tâm lý để biết học sinh cần và có khả năng gì rồi mới giao nhiệm vụ để vừa sức với các em. Sau đó, cho học sinh làm việc nhóm để cùng nhau tìm hiểu và sáng tạo trong bài học. 

Không chỉ học trên lớp, một trong những phương pháp đã được cô giáo Minh áp dụng và thành công đó là đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế. “Sau mỗi chuyến đi trải nghiệm, học sinh được mở mang thêm kiến thức và nộp cho cô giáo những bài thu hoạch với những câu từ phong phú, giàu cảm xúc”, cô Minh cho biết.

Cô giáo Trương Thị Tuyết Mai, giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được phát triển bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trước đây, học sinh chỉ áp dụng kỹ năng đọc và viết, còn kỹ năng nói và nghe chưa được thực hành dẫn đến ban đầu các con còn bỡ ngỡ, lúng túng. 

Tuy nhiên, sau khi được cô giáo cho nghe các bài diễn thuyết của các nhân vật nổi tiếng, các em đã tiến bộ, tự tin trình bày trước đám đông. Ngoài ra, để giờ học môn Ngữ Văn trở nên thú vị, hấp dẫn và mới mẻ, cô giáo giao phiếu học tập cá nhân về nhà để học sinh chuẩn bị bài từ trước, cách làm này giúp các em mạnh dạn và tự tin phát biểu, trao đổi ý kiến với các bạn. 

Theo cô giáo Đặng Thị Tố Như, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), môn Ngữ văn không phải là môn học khó nhưng đòi hỏi sự chăm chỉ và sáng tạo của mỗi học sinh. Giáo viên cũng không ngừng nâng cao kiến thức thực tế, rèn luyện, tu dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ bản thân, đáp ứng trước các yêu cầu đổi mới. Trong mỗi tiết học, những phương pháp dạy học tích cực, khơi gợi niềm yêu thích môn Ngữ văn thường xuyên được cô giáo áp dụng. Qua đó tăng cảm hứng học tập môn Ngữ văn cho các em học sinh và khuyến khích tinh thần đọc sách, cũng như sự cảm thụ tác phẩm văn học.

Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh, nêu cụ thể các yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành, chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, động viên học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập. 

Cùng với đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe. Hướng dẫn học sinh thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học. Mặt khác, tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn đối với môn Ngữ văn dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. 

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, môn học nào cũng tham gia kiến tạo con người nhưng môn Ngữ văn tham gia vào kiến tạo, xây dựng văn hóa con người một cách trực tiếp và trực diện. Mục tiêu của đổi mới giáo dục phổ thông là tăng cường phương diện dạy người, rèn luyện đạo đức, nhân cách, phẩm chất của con người. Do đó, đổi mới môn Ngữ văn cần ưu tiên làm ngay, làm dứt khoát cho đến khi có hiệu quả.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Phát huy tính chủ động của học sinh trong đổi mới dạy, học môn Ngữ văn tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn