Ngành giáo dục gấp rút giải bài toán nhân lực ngành bán dẫn

Trước sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực ngành bán dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo, các cơ sở giáo dục đại học cũng lập tức “bắt tay” nhau để hình thành hệ thống đào tạo liên minh ở lĩnh vực này.

Khát nhân lực

Công nghiệp bán dẫn là nền tảng của việc sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị di động - những sản phẩm thiết yếu trong thời đại công nghệ số. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2022 đạt xấp xỉ 600 tỷ USD. Trong những năm tới, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng với mức tăng 2 con số để đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được nhận định có nhiều tiềm năng tạo đột phá thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, cho biết dự đoán thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt khoảng 6,12% giai đoạn 2022-2027.

Ngành vi mạch bán dẫn cũng đã được Chính phủ xác định là 1 trong 9 sản phẩm quốc gia. Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ góp phần chuyển hóa các thành tựu khoa học-công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn là khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn khi hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch và đòi hỏi một số lượng lớn nhân lực ngành này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kĩ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%. 

Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế (Đại học Fulbright), tổng nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người trình độ từ đại học trở lên. Còn theo các chuyên gia đến từ các trường đại học kĩ thuật, nhu cầu đào tạo nhân lực ngành này trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kĩ sư bậc 7, thạc sỹ, tiến sĩ).

Trong khi đó, số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho thấy Việt Nam hiện có hơn 5.570 kĩ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%. Mỗi năm chỉ có khoảng 500-600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường đại học của Việt Nam.

Hình thành liên minh đào tạo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết bán dẫn, vi mạch không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới nhưng số sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp, dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn cả về số lượng lẫn chất lượng cao.

Để giải quyết bài toán nhân lực cho ngành bán dẫn, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam," với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành, 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và một số chuyên gia trong ngành công nghiệp chip bán dẫn. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận, trao đổi về thực trạng, định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, có ba hình thức đào tạo: Tuyển mới đào tạo từ đầu; Sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; Kĩ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng đến 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn – vi mạch.

Các trường đại học kĩ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn – vi mạch. Cụ thể, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về hóa học, vật lí, vật liệu… Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có các ngành đào tạo phù hợp nhất là kĩ thuật điện tử, điện tử-viễn thông…; các ngành gần bao gồm kĩ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử, kĩ thuật máy tính…

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng sinh viên đại học các ngành phù hợp tuyển mới khoảng 6.000 sinh viên/năm và tốt nghiệp khoảng 5.000 sinh viên/năm (gia tăng trung bình 7%/năm). Các ngành gần mỗi năm tuyển mới khoảng 15.000 sinh viên và tốt nghiệp khoảng 13.000 sinh viên (gia tăng trung bình 10%/năm).

“Như vậy, nếu 30% sinh viên các ngành phù hợp và 10% các ngành gần theo học các chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thì số lượng 3.000 người tốt nghiệp/năm là khả thi”, bà Thủy cho hay.

Để nâng cao chất lượng, 5 cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh về lĩnh vực công nghệ thông tin gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã cùng kí kết biên bản hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ sẽ chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để có sự điều phối về cả nhân lực chung, cơ sở vật chất chung, thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo với nhau để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình. Bộ sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt nhưng phải đảm bảo niềm tin về chất lượng, không thể bỏ quan yêu cầu về chất lượng. 

“Tăng cường chia sẻ và dùng chung, tăng cường cả các chương trình liên kết với nước ngoài, tăng cường chia sẻ doanh nghiệp về chỗ thực tập, thực hành, đóng góp, đặt hàng để đào tạo chắc chắn ngay từ đầu, tránh việc phải đào tạo lại. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hệ thống điều tiết, cả dữ liệu về người học, giáo viên, chế độ chính sách để tiết kiệm nhất chi phí nguồn lực chuẩn bị của các cơ sở, hệ thống công - tư cùng đồng hành”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Tác giả: Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Ngành giáo dục gấp rút giải bài toán nhân lực ngành bán dẫn tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19