10 năm thực hiện Nghị quyết 29: Cuộc “cách mạng” của ngành giáo dục

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Tuy trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu đội ngũ giáo viên, còn “sạn” trong sách giáo khoa, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, công tác triển khai có giai đoạn còn nhiều lúng túng… nhưng toàn ngành đang nỗ lực để thực hiện tốt nhất chương trình mới.

Đột phá tư duy

Từng học tập và nghiên cứu về giáo dục tại hơn 20 quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đồng thời đã áp dụng triển khai chương trình quốc tế Cambridge trong 10 năm qua, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) đánh giá chương trình giáo dục phổ thông mới đã có sự tiệm cận với chương trình quốc tế.

Cô Thúy cho hay, trước đây khi thực hiện chương trình Cambridge song song với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường Nguyễn Siêu rất vất vả vì học sinh học hai chương trình với hai quan điểm khác nhau, dẫn đến trường chỉ có thể chọn dạy một số môn. Nhưng từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới ra đời thì quan điểm của chương trình Việt Nam và chương trình quốc tế đã trùng nhau nên việc tích hợp hai chương trình có tính khả thi rất cao. 

“Vì có sự trùng nhau nên thời lượng học tập được giảm đi, cô và trò không bị quá tải, đặc biệt là các bộ môn như Toán, Khoa học Tự nhiên. Nhờ đó, hai năm trở lại đây, trường không chỉ không phải cắt giảm mà còn đưa được thêm chương trình môn học chưa có ở Việt Nam vào giảng dạy”, cô Thúy cho hay. 

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp thực thi và cảm nhận rõ sự thay đổi giữa chương trình cũ và chương trình mới, cô Tô Lan Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu nhận định: “Chương trình 2018 là một sự lột xác tư duy của môn học, một sự thay đổi chưa từng có khi dạy “cách” chứ không dạy “cái” với 4 kĩ năng nghe, nói, đọc viết”.

Phân tích cụ thể hơn, cô Hương cho biết chương trình môn Ngữ văn cũ đóng khung trong một số tác phẩm văn học cụ thể. Giáo viên dạy cho học sinh đọc và hiểu các tác phẩm đó, học sinh viết lại khi đi thi. Nhưng trong chương trình mới, các tác phẩm chỉ là ngữ liệu công cụ tham khảo để giáo viên dạy học sinh biết cách đọc, cách nghe, cách nói, cách viết. Khi nắm rõ kĩ năng nghe, nói, đọc, viết đó, các em hoàn toàn có thể đọc, hiểu bất cứ tác phẩm nào.

Với tư duy, mục tiêu giáo dục mới, cách kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi khi không kiểm tra kiến thức mà kiểm tra kĩ năng. Vì thế, những ngữ liệu cho các bài thi hoàn toàn không nằm trong sách giáo khoa. 

Đổi mới dạy học, trao quyền cho giáo viên

Với định hướng giáo dục chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh, phương pháp dạy học ở chương trình mới cũng thay đổi theo hướng thầy hướng dẫn, trò thi công. Đặc biệt, giáo viên được trao quyền chủ động trong cả tài liệu và kế hoạch dạy học, miễn đạt mục tiêu chương trình đề ra. 

“Do được trao quyền chủ động nên trong xây dựng kế hoạch dạy học, chúng tôi cũng mạnh dạn thay đổi để phù hợp với học sinh, như có thể tăng cường số tiết, hoặc có thể giảm số lượng tác phẩm để dạy sâu hơn”, cô Hương nói.

Phương pháp giảng dạy có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, giáo viên chủ động hơn, học sinh sáng tạo hơn cũng là đánh giá của cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS-THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh). Cô Thảo cho hay nếu trước đây, giáo viên chủ yếu ở trên bục, giảng và đọc cho học sinh chép thì nay thầy cô sẽ giao nhiệm vụ cho học sinh chủ động tìm hiểu bài học theo các gợi ý, hướng dẫn của giáo viên. Giờ học, thay vì truyền thụ kiến thức một chiều từ giáo viên cho trò, học sinh sẽ tự đứng trước lớp trình bày, thảo luận các vấn đề, giáo viên là người hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc cũng như chốt lại các nội dung kiến thức cần thiết hoặc gợi mở thêm cho các em.

“Với cách dạy mới, giáo viên sẽ phải mất thời gian nhiều hơn trong việc lên kế hoạch tổ chức bài học, nhưng học sinh sẽ hào hứng hơn, sôi nổi, năng động, tự tin hơn, kĩ năng tự học và tự trình bày tốt hơn, ghi nhớ kiến thức tốt hơn, hiệu quả học tập cao hơn”, cô Thảo nói.

Với phương châm thầy cô hướng dẫn, học trò thi công, chương trình mới cũng đẩy mạnh phương pháp giáo dục STEM, đưa STEM từ mức thí điểm trở thành hoạt động bắt buộc trong các trường tiểu học. Thay vì những giờ học lí thuyết khô khan, học sinh được trực tiếp tạo ra các sản phẩm và rút ra bài học qua sản phẩm đó. “Học sinh rất hứng thú với cách học này, phụ huynh cũng nhiệt tình ủng hộ, dù giáo viên sẽ vất vả hơn nhưng chất lượng giáo dục cải thiện rõ rệt”, cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Tiểu học Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) nói. 

Đánh giá chung về việc thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục, qua khảo sát thực tế tại các địa phương, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định “giáo dục phổ thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng ghi nhận”.

Vẫn nhiều thách thức

Chương trình mới với những tư duy mới, cách làm mới, mang đến luồng gió mới với những kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, lúng túng.

Sự lúng túng thể hiện ngay trong việc ngành triển khai Nghị quyết 29 chậm đến 30 tháng so với lộ trình ban đầu và phải hai lần xin lùi kế hoạch. Nhiều văn bản quy phạm liên quan chậm ban hành. Sách giáo khoa tuy thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa nhưng còn “sạn” do hạn chế trong công tác thẩm định. Giá sách tăng cao gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó là sự lúng túng trong ban hành chương trình môn học Giáo dục Địa phương, trong việc triển khai môn học Hoạt động trải nghiệm.

Các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chậm nhịp so với tiến độ triển khai chương trình mới. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học ở các nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chương trình bồi dưỡng là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lí nhưng đến tận học 2023-2024, rất nhiều giáo viên vẫn chưa hề được bồi dưỡng dạy môn tích hợp. “Chúng tôi cũng rất muốn cử giáo viên đi học nhưng chưa thấy ngành giáo dục địa phương mở lớp”, thầy Lê Hồng Quân, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chia sẻ. Huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) có 400 giáo viên môn tích hợp nhưng mới có khoảng 40 thầy cô được học bồi dưỡng. 

Vì giáo viên chưa được bồi dưỡng nên ở hầu hết các nhà trường, các giáo viên vẫn chưa thể đảm nhiệm dạy môn tích hợp mà phải “xé” chương trình để dạy đơn môn. Ngay cả các giáo viên đã được bồi dưỡng dạy tích hợp nhưng do chỉ bồi dưỡng ngắn hạn nên thầy cô cũng không thể tự tin đứng lớp. Theo các nhà trường, cách dạy này đương nhiên không thể đảm bảo mục tiêu tích hợp kiến thức liên môn mà chương trình đề ra, đồng thời khiến nhà trường gặp khó khăn trong bố trí thời khóa biểu.

Bên cạnh chất lượng, số lượng cũng là vấn đề đau đầu của ngành khi cả nước thiếu hàng trăm nghìn giáo viên. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, trải khắp các tỉnh thành. Năm học 2023-2024, số giáo viên thiếu còn nhiều hơn nữa do số học sinh tăng lên. Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên lại gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi có chính sách thu hút lên đến 100 triệu đồng như Yên Bái nhưng vẫn không tuyển được.

Bên cạnh vấn đề nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho đổi mới giáo dục cũng là bài toán khó của ngành. Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Kinh phí để đảm bảo điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông rất lớn nhưng ngân sách nhà nước còn khó khăn. 

Triển khai nhiều giải pháp gỡ khó đổi mới giáo dục

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục và đào tạo đang thực hiện công cuộc đổi mới nhiều khó khăn với những nhiệm vụ khó như “dời non lấp bể”, nhưng lại thiếu thốn mọi thứ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng nhà giáo đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, dũng cảm đương đầu với khó khăn thách thức để thực hiện đổi mới. Những hiệu ứng tích cực của đổi mới giáo dục phổ thông thể hiện ở sự hào hứng học tập của học sinh và hào hứng giảng dạy của thầy, cô giáo. 

Trước những khó khăn, vướng mắc của ngành, Bộ trưởng cho hay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết bộ đang triển khai nhiều nội dung, trên nhiều phương diện, từ sửa đổi cơ chế, các quy định liên quan đến tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên, điều chỉnh trong đào tạo ở các trường sư phạm.

Để khắc phục thiếu nguồn tuyển giáo viên, Bộ đã kiến nghị tăng biên chế, đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 về đào tạo giáo viên; làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn cũ; trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên… Bộ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương quan tâm tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục. 

Theo GS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, những hạn chế trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có nguyên nhân chủ quan từ Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng cũng có những nguyên nhân khách quan và nếu chỉ một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không thể giải quyết được. “Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành khác và các cấp cao hơn, đặc biệt là của Chính phủ”, GS. Nguyễn Thị Doan nói.

Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ rõ cần sự chung tay phối hợp để ngành giáo dục triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 29. Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp lí, cần tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục như nâng cao chất lượng và đảm bảo đủ số lượng giáo viên; tăng cường đầu tư đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục đào tạo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị cần sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng… và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo đội ngũ, kinh phí, trường lớp, trang thiết bị dạy và học cho ngành giáo dục.

Tác giả: Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29: Cuộc “cách mạng” của ngành giáo dục tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19