Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông: Nỗ lực đổi mới, công bằng, trách nhiệm

Sau nhiều năm thay đổi với mục đích “2 trong 1”, lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển vào các trường đại học kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông dù có nhiều điều chỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện nhưng cơ bản đã có nhiều đổi mới, tiến bộ.

Giảm áp lực, chi phí

Kì thi THPT quốc gia năm 2015 được tổ chức với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh tại 99 cụm thi bao gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do Sở GD-ĐT chủ trì. Kì thi THPT quốc gia năm 2015 nhằm đạt cùng một lúc hai mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét đầu vào đại học, nên có thể xem đây là kì thi “2 trong 1”. Một thay đổi mang tính bước ngoặt đổi mới thi cử.

Theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, kì thi THPT quốc gia được tổ chức gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân nhưng vẫn phải phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Kì thi này sẽ tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Năm 2016, mỗi tỉnh, thành tổ chức một cụm thi đại học và một cụm thi tốt nghiệp. Từ năm 2017, mỗi tỉnh, thành chỉ còn một cụm thi duy nhất do Sở GD-ĐT tỉnh/thành đó chủ trì có sự phối hợp của các trường đại học. Điều này tránh được việc thí sinh phải qua tỉnh khác tham gia kì thi.

Đổi mới hình thức tổ chức thi “2 trong 1”, các chuyên gia, nhà giáo dục và dư luận xã hội phải thừa nhận kì thi đã lồng ghép khéo léo sự công bằng, khách quan, nghiêm túc của kì thi đại học với sự nhẹ nhàng, phù hợp với kì thi tốt nghiệp THPT để góp phần giảm thiểu rủi ro, lãng phí cho xã hội, chia sẻ áp lực với thí sinh, sự lo lắng, nhọc nhằn với phụ huynh. Kì thi này cũng giảm bớt chi phí tổ chức, in ấn và tình trạng luyện thi đại học tràn lan. Từ năm 2017, hầu hết các môn thi được chuẩn hoá thi theo hình thức trắc nghiệm, giúp kiểm tra được khối lượng kiến thức rộng, tránh học vẹt, học tủ.

Những bài học về trách nhiệm của một kì thi

Năm 2017, năm đầu tiên các môn được tổ chức thi trắc nghiệm, việc xuất hiện tình trạng “mưa điểm 10” cùng điểm thi cao kéo theo điểm chuẩn vào đại học xét theo kết quả thi THPT quốc gia được đẩy lên cao đột biến. Dư luận xôn xao về độ phân hóa của đề thi và cho rằng đề thi trắc nghiệm quá dễ. 

Năm đó, do thiếu vắng người học, nhiều trường đại học sư phạm lấy đầu vào chỉ 15,5 điểm, cao đẳng lấy 9 điểm, tức 3-5 điểm mỗi môn là trúng tuyển. Dư luận đặt câu hỏi cho rằng, các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên nhưng có đầu vào quá thấp là điều lo ngại về chất lượng đầu ra trong tương lai.

Một năm sau nhận nhiều ý kiến về chất lượng đề thi từ dư luận, năm 2018, đề thi THPT quốc gia ở một số môn lại được đánh giá quá khó, có độ phân hóa quá cao. 6/9 môn thi có điểm trung bình dưới 5, thậm chí môn Lịch sử chỉ 3,79, môn Tiếng Anh 3,91. Số lượng điểm 10 chỉ còn 477.

Đây cũng là năm kì thi diễn ra với hàng loạt sai phạm trong công tác chấm thi dẫn đến việc nâng điểm cho các thí sinh trên quy mô lớn. Có 347 bài thi bị can thiệp điểm ở nhiều địa phương như Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình. Đây là vụ gian lận nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, sau nhiều năm Bộ GD-ĐT tổ chức các kì thi tuyển sinh và THPT quốc gia. Thời điểm đó, hàng chục cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. 

Kì thi năm 2019, Bộ GD-ĐT có nhiều giải pháp điều chỉnh từ khâu phát đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo... Trong đó, quy trình chấm thi đã thay đổi toàn diện. Những thay đổi quan trọng này nhằm tránh lặp lại sai phạm nghiêm trọng của kì thi năm 2018. Ngoài thay đổi về nội dung thi chủ yếu là nội dung các thí sinh được học ở lớp 12, bảo đảm năng lực và phù hợp cho học sinh phổ thông thì còn có nhiều thay đổi khác. Đề thi, sau một năm bị đánh giá là quá khó, cũng đã được điều chỉnh.

Trường đại học chấm thi trắc nghiệm do trường chủ trì dưới sự giám sát của Bộ GD-ĐT; địa phương chỉ chuẩn bị cơ sở vật chất và chấm thi tự luận. Việc chấm sẽ dùng phần mềm của Bộ GD-ĐT và mã hoá bài thi, thực hiện quy trình chặt chẽ chi tiết từ việc giám sát thi, chấm thi, sắp bài thi, lưu dữ liệu bài thi. Toàn bộ khâu coi thi, tổ chức thi, chấm thi, lưu giữ bài thi... được giám sát chặt chẽ qua camera và các đơn vị liên quan 24/24.

Bộ GD-ĐT tăng tính tự chủ tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng thông qua việc các trường lập đề án, phương thức tuyển sinh phù hợp. Thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên sẽ thi chung với thí sinh hệ trung học phổ thông, không thi riêng như những năm trước. Một số thay đổi khác như yêu cầu tuyển sinh với các nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe phải có học lực giỏi, tăng cường trách nhiệm của trường, thay đổi đối với quân nhân, lưu bằng tốt nghiệp.

Vì một kì thi công tâm, minh bạch, an toàn 

Kể từ năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 đến việc dạy và học ở các nhà trường, đồng thời xuất hiện những kì thi tuyển sinh mới do các đại học, trường đại học tổ chức riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kì thi THPT quốc gia ngừng tổ chức. Thay thế là kì thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trở lại với cách thức gần giống với kì thi THPT quốc gia và mang mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ tuyển sinh đại học.

Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi được tổ chức giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh phía Nam khiến các địa phương căng thẳng. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, ở một số nơi không thể diễn ra kì thi do đó số lượng thí sinh được đặc cách lần đầu tiên trong lịch sử lên tới 15.100.

Năm 2021, kì thi tốt nghiệp THPT được giữ ổn định như năm trước. Đề thi tiếp tục được giảm tải do chương trình được tinh giản, học sinh trải qua thêm hai đợt học trực tuyến bởi dịch bệnh Covid-19. Điểm thi năm 2021 tăng mạnh, đặc biệt là môn tiếng Anh với phổ điểm có hai đỉnh. Số điểm 10 lên tới hơn 24.000, gấp hơn 4 lần năm ngoái.  

Kì thi tốt nghiệp năm 2022 được tổ chức theo “Phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp giai đoạn 2022-2025”, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Không còn phối hợp tổ chức với trường đại học, học viện, cao đẳng như những năm đầu, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hoàn toàn do mỗi địa phương tổ chức. Đề thi tương đối ổn định với điểm trung bình các môn khá bình ổn. Hai môn Lịch sử và Ngoại ngữ đã thoát được hiện trạng điểm trung bình môn thi "dưới trung bình". Tuy nhiên, điều này chắc chắn do việc điều chỉnh đề thi bám sát chương trình môn thi hơn và đánh giá năng lực hơn là kiểm tra kiến thức, chứ không hẳn là do tác động của việc thay đổi nội dung chương trình hay cách dạy và học.

Ngày 20/9 vừa qua, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ kì thi năm 2024. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia. Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khẳng định, phương án thi tốt nghiệp năm 2024 được giữ ổn định và tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: PV)

Về phương án thi từ năm 2025, Thứ trưởng lưu ý các địa phương trong việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh để các em không quá lo lắng. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tích cực triển khai hoàn thiện phương án, làm kĩ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu.

Trải qua gần 10 năm, kì thi tốt nghiệp THPT với hai mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét đầu vào đại học vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, còn xảy ra những vi phạm lớn, nhỏ trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với những điều chỉnh kịp thời theo từng năm, từng giai đoạn, Bộ GD-ĐT đã từng bước hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi về sự minh bạch, công bằng trong thi cử của xã hội và nhân dân.

Tác giả: Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông: Nỗ lực đổi mới, công bằng, trách nhiệm tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19