Những khó khăn trong giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành: Nghiên cứu thực nghiệm tại các trường đại học Việt Nam

Với nghiên cứu “Difficulties in Teaching English for Specific Purposes: Empirical Study at Vietnam Universities”, Nguyễn Thị Tố Hoa và Phạm Thị Tuyết Mai đã thực hiện khảo sát giáo viên và sinh viên tại các trường đại học ở Hà Nội bằng cách liệt kê các yếu tố liên quan đến việc dạy tiếng Anh theo mục đích cụ thể. Từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh cho những mục đích cụ thể để người học có thể sử dụng tiếng Anh phục vụ cho công việc và cuộc.

Trong những năm gần đây, việc dạy tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành ở các trường đại học ở Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm của sinh viên, giảng viên và các cơ quan hữu quan vì hiệu quả giảng dạy chưa cao. Điều này dẫn tới việc sinh viên khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh của nhà tuyển dụng đưa ra, dẫn đến tình trạng thất nghiệp càng trầm trọng hơn. Trước thực trạng đáng báo động này, nghiên cứu thực nghiệm của Nguyễn Thị Tố Hoa và Phạm Thị Tuyết Mai khảo sát 362 giảng viên và sinh viên tại 11 trường đại học đào tạo tiếng Anh chuyên ngành tại Hà Nội bằng cách liệt kê các yếu tố liên quan đến việc dạy tiếng Anh theo mục đích cụ thể. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh cho những mục đích cụ thể.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc dạy và học tiếng Anh theo mục đích cụ thể ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, vấn đề đáng lo ngại nhất trong việc dạy tiếng Anh trong các trường đại học ở Việt Nam liên quan đến một tỷ lệ lớn sinh viên thiếu tiếng nền tảng tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành. Một cuộc khảo sát giữa 18 trường đại học Việt Nam năm 2015 cho thấy điểm trung bình của sinh viên năm thứ nhất đạt 220-245/990 điểm trong bài thi TOIEC. Điều này có nghĩa là sinh viên cần khoảng 360 giờ học (tương đương 480 buổi học) để đạt được 450-500/990 điểm TOIEC - mức điểm tối thiểu mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Số lượng lớp học tiếng Anh cơ bản luôn nhiều hơn so với lớp tiếng Anh chuyên ngành. Nhờ đó, ngữ pháp tiếng Anh của người học Việt Nam thường tốt; trong khi đó khả năng giao tiếp lại yếu.

Ngoài ra, việc thiếu tài liệu giảng dạy và nội dung sách giáo khoa chưa đầy đủ cũng là một vấn đề lớn đối với việc dạy học tiếng Anh chuyên ngành. Thực tế, tài liệu giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành chỉ tập trung vào ngữ pháp và từ vựng, đôi khi được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau hoặc sử dụng tài liệu nước ngoài. Điều này làm cho nội dung tài liệu chưa nhất quán và không phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam. Việc dạy học còn kém hiệu quả do người dạy chưa được đào tạo kiến thức chuyên ngành. Nhiều giáo viên, giảng viên tiếng Anh cơ bản thừa nhận rằng họ không thể dạy tiếng Anh chuyên ngành vì bản thân họ cũng chưa hiểu hết các thuật ngữ chuyên ngành.

Vì vậy, sự hỗ trợ của người học, người dạy và các cơ quan chức năng có liên quan là rất quan trọng. Những khuyến nghị được đề xuất trong nghiên cứu dựa trên tình hình thực tế của Việt Nam và có thể áp dụng hiệu quả cho từng đối tượng liên quan.

- Đối với sinh viên: (1) Xác định rõ mục tiêu học tập, đồng thời cần tạo động lực học tập tiếng Anh chuyên ngành bằng cách xác định điểm thực, số lượng từ tiếng Anh và thực hành trong bài; (2) Tương tác nhiều hơn với giảng viên, tham gia vào các nhiệm vụ học tập  như thảo luận, thuyết trình và hoạt động nhóm; (3) Nâng cao kiến thức bằng cách tìm thêm tài liệu, đặc biệt là các tài liệu chuyên ngành; (4) Rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh; cần rèn luyện 2 kỹ năng quan trọng trong tiếng Anh chuyên ngành là kỹ năng dịch thuật và kỹ năng sử dụng từ điển.

- Đối với giảng viên: (1) Nâng cao kiến thức ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành; (2) Nâng cao kinh nghiệm chuyên môn bằng cách tích cực tham gia các khóa đào tạo chuyên môn trong và ngoài nước; và chia sẻ kinh nghiệm với các giáo viên khác; (3) Ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để tăng sức hấp dẫn, tạo hứng thú cho người học; (4) Thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với sinh viên trong lớp; (5) Thường xuyên cập nhật phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giảm ngữ pháp và tập trung vào kỹ năng của người học.

- Đối với các cơ sở giáo dục: Phân bổ thời gian giữa các môn học hợp lý hơn bằng cách tăng cường các giờ học thực hành và tập trung nhiều hơn vào tiếng Anh chuyên ngành. Các trường đại học cũng cần đầu tư nhiều hơn về tài liệu giảng dạy bằng cách tích cực phối hợp với các trường đại học trong và ngoài nước để phát triển giáo trình tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với trình độ của sinh viên Việt Nam và tình hình thực tế Việt Nam. Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá chính xác hiệu quả học tập của người học cũng rất quan trọng.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Hoa, N., & Mai, P. (2016). Difficulties in teaching English for specific purposes: Empirical study at Vietnam universities. Higher Education Studies6(2), 154-161.

Bạn đang đọc bài viết Những khó khăn trong giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành: Nghiên cứu thực nghiệm tại các trường đại học Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19