Tác động của hoạt động tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng đối với người học tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL) tại Iran

Đã có nhiều nghiên cứu về hoạt động kiểm tra, đánh giá trong giáo dục nói chung nhưng tác động của hai hình thức tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng vẫn chưa được chú ý trong việc học ngôn ngữ, đặc biệt là tác động của chúng đến khả năng tự điều chỉnh học tập, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề của người học tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL). Bài báo của Tribhuwan Kumar cùng cộng sự tập trung kiểm tra tác động của các hoạt động tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng đối với việc tự điều chỉn

Hoạt động kiểm tra, đánh giá (assessment) có một số lợi ích như thu hút người học tham gia học tập tích cực và giúp các em nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về hoạt động kiểm tra, đánh giá trong giáo dục. Chủ yếu các nghiên cứu xoay quanh các quan điểm sau: (1) Xác định kết quả học tập của người học; (2) Cải thiện việc dạy và học. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đi trước chỉ tập trung vào vai trò của hoạt động kiểm tra, đánh giá trong giáo dục nói chung mà chưa xem xét chúng ở những khía cạnh khác.

Nhằm lấp đầy khoảng trống nghiên cứu trước đây, Tribhuwan Kumar cùng cộng sự tập trung kiểm tra tác động của các hoạt động tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng đối với việc tự điều chỉnh việc học, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh tại các lớp học ngôn ngữ tiếng Anh tại Iran. Nghiên cứu này cung cấp một cách nhìn đa chiều hơn về hoạt động kiểm tra, đánh giá trong giáo dục nói chung cũng như trong các môn học nói riêng. Đồng thời, thúc đẩy người học có trách nhiệm với việc học của mình và cung cấp một cái nhìn sâu sắc cho người dạy để điều chỉnh, thiết kế hoạt động dạy học phù hợp.

Phương pháp nghiên cứu

Nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và phương pháp thử nghiệm. 75 người học tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL) tại Iran được chọn và chia thành các nhóm sau: nhóm thí nghiệm (bao gồm 1 nhóm đánh giá đồng đẳng và 1 nhóm tự đánh giá) và nhóm kiểm soát (control group; nhóm không nhận được những thay đổi gì mới khi tham gia thí nghiệm). Thông qua Oxford Quick Placement Test (một bài kiểm tra dành cho những người nói tiếng Anh không phải là người bản ngữ dựa trên Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu) đã lựa chọn được 75 khách thể. Họ đến từ Ahvaz, Học viện Anh ngữ Mahan của Iran. Trình độ tiếng Anh ở mức trung bình và độ tuổi trong khoảng từ 21-33 tuổi. Ngôn ngữ thứ nhất là tiếng Ba Tư và đều là nam giới. Nghiên cứu này bao gồm 2 nhóm thử nghiệm ngang bằng là nhóm đánh giá đồng đẳng và nhóm tự đánh giá, cũng như một nhóm kiểm soát. Tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng là các biến độc lập. Các biến phụ thuộc là học tập tự điều chỉnh, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả cho thấy cả hai nhóm thí nghiệm đều vượt trội so với nhóm kiểm soát trong các bài kiểm tra về khả năng tự điều chỉnh học tập, tư duy phê phán và kỹ năng giải quyết vấn đề. Có thể kết luận rằng cả hai loại đánh giá đều đóng một vai trò quan trọng trong việc dạy và học tiếng Anh. Cả hai hình thức đánh giá đều được chứng minh là hữu ích như nhau đối với người học EFL tiếp thu ngôn ngữ, nên các nhà giáo dục nên đưa nhiều loại đánh giá khác nhau vào chương trình giảng dạy của họ. Việc cung cấp thêm phản hồi đồng thời cho phép giáo viên đánh giá từng sinh viên ít hơn nhưng tốt hơn, là một chức năng quan trọng của việc tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng. Điều này tạo ra sự chuyển dịch trong đánh giá bài làm của người học từ số lượng sang chất lượng và cả năng lực tư duy bậc cao.

Vì vậy, người dạy cần yêu cầu sinh viên tập trung vào các luận điểm cụ thể trong bài viết của họ. Sinh viên nên tập trung vào nội dung của bài luận (cách sắp xếp các khái niệm và suy nghĩ) hơn là những lỗi ngữ pháp hoặc hình thức trong bản nháp đầu tiên. Sau mới tập trung vào các lỗi chính thức (ví dụ: ngữ pháp, cách diễn đạt, cấu trúc câu) trong bài viết. Việc này sẽ giúp sinh viên có khả năng tự định hướng, thời cho phép người dạy trở thành người hỗ trợ và cộng tác. Song để tận dụng lợi thế của tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng, các giảng viên EFL của Iran cần nhận thức thấu đáo về những lợi ích và hạn chế của việc tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng, từ đó áp dụng chúng vào từng bài học phù hợp.

Huyền Đức lược dịch

 

Nguồn: Kumar, T., Soozandehfar, S.M.A., Hashemifardnia, A., Mombeini, R. Self vs. peer assessment activities in EFL-speaking classes: impacts on students’ self-regulated learning, critical thinking, and problem-solving skills. Language Testing in Asia 13, 36 (2023). https://doi.org/10.1186/s40468-023-00251-3

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19