Các giải pháp quản lý rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Nhà nước, nguồn tài trợ quan trọng nhất trong các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính rủi ro cao, cũng có các cơ chế riêng biệt nhằm quản lý rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đảm bảo hiệu quả của hoạt động đầu tư công. Mỗi một quốc gia có một cơ chế quản lý rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học khác nhau, trong đó cơ chế được sử dụng phổ biến nhất là đánh giá mức độ rủi ro trong quá trình phê duyệt nghiên cứu.

Rủi ro là không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Trong nghiên cứu khoa học, rủi ro thường không tạo ra những thiệt hại một cách trực tiếp nhưng không mang lại những bước tiến lớn trong sự phát triển tri thức ngành (Franzoni & Stephan, 2023). Rủi ro trong nghiên cứu khoa học có thể đến từ sự không chắc chắn của kết quả nghiên cứu, sự thiếu sót về thời gian hoặc những nguồn lực cần thiết hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu. Những rủi ro trong nghiên cứu khoa học có thể mang đến những thiệt hại về danh tiếng và tiền bạc cho nhà khoa học, đơn vị chủ quản và cả nhà tài trợ. Nhà khoa học có thể mất toàn bộ thời gian thực hiện nghiên cứu hay chi phí cơ hội trong khi đơn vị chủ quản và nhà tài trợ có thể mất một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư cơ sở vật chất, nguyên vật liệu và những chi phí phát sinh khác trong quá trình nghiên cứu. Điều này dẫn đến xu hướng các nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính rủi ro cao đặc biệt là những nghiên cứu khoa học mang tính đột phá thường đến từ các nguồn tài trợ của nhà nước do sự không chắc chắn trong kết quả nghiên cứu (Azoulay et al., 2019; Franzoni & Stephan, 2023; Goldstein & Kearney, 2020).

Các cơ chế phòng ngừa rủi ro trong nghiên cứu khoa học cũng được thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ của nhà khoa học, họ có thể phòng ngừa rủi ro thông qua kết hợp các giai đoạn đầu của nghiên cứu với những nghiên cứu đã được thực hiện trước đó. Điều này có thể giúp nhà khoa học hạn chế chi phí phát sinh trong giai đoạn tìm kiếm nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu và đánh giá mức độ thành công của nghiên cứu đó. Một giải pháp khác thường được các nhà khoa học trẻ sử dụng là chia nhỏ nghiên cứu và thực hiện từng phần trước khi ghép nối thành một bức tranh tổng thể của một nghiên cứu lớn, giải pháp này sẽ giúp nâng cao mức độ thành công của nghiên cứu (Franzoni & Stephan, 2023).

Đối vối các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ chế kiểm soát rủi ro thường được thực hiện thông qua các chính sách tuyển dụng nhân sự, quan tâm đến hiệu quả làm việc của nhà khoa học. Theo đó, các nhà khoa học trẻ thường được tuyển dụng vào những vị trí làm việc tạm thời khi mà lương của các vị trí này thường đến từ các nguồn tài trợ nghiên cứu mà các nhà khoa học đang thực hiện. Một cơ chế khác được sử dụng là đánh giá hiệu quả làm việc của các nhà khoa học theo từng giai đoạn. Điều này sẽ giúp các cơ sở nghiên cứu khoa học hạn chế rủi ro băng việc cắt giảm thiệt hại nếu các nhà khoa học được đánh giá là làm việc không hiệu quả. Tuy nhiên, các cơ chế này cũng khiến nhà khoa học đối mặt với áp lực tạo ra kết quả nghiên cứu và hạn chế nhà khoa học chấp nhận rủi ro để sáng tạo tri thức. Một cơ chế khác được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở nghiên cứu khoa học là thực hiện quy trình phê duyệt đề xuất nghiên cứu trước khi thực hiện. ĐIều này giúp đánh giá và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học (Franzoni & Stephan, 2023).

Nhà nước, nguồn tài trợ quan trọng nhất trong các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính rủi ro cao, cũng có các cơ chế riêng biệt nhằm quản lý rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đảm bảo hiệu quả của hoạt động đầu tư công. Mỗi một quốc gia có một cơ chế quản lý rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học khác nhau, trong đó cơ chế được sử dụng phổ biến nhất là đánh giá mức độ rủi ro trong quá trình phê duyệt nghiên cứu. Theo đó, các đề xuất nghiên cứu sẽ được một hội đồng các nhà khoa học có chuyên môn đánh giá dựa trên các tiêu chí được nhà tài trợ quy định (Gallo et al., 2018).  Tuy nhiên, cơ chế này đang gặp những quan ngại về tính hiệu quả và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của các hoạt động NCKH. Các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng, cơ chế quản lý rủi ro này có xu hướng tập trung vào những nghiên cứu ít rủi ro theo đánh giá của hội đồng đánh giá. Mặc dù có tính rủi ro thấp nhưng những kết quả nghiên cứu từ các đề tài này thường có tác động trong ngắn hạn hơn là những nghiên cứu có tính đột phá nhưng có tính rủi ro cao (Laudel & Gläser, 2014; Linton, 2016). Ngoài ra, các đánh giá ngang hàng có thể chịu ảnh hưởng bởi những quan điểm cá nhân của người đánh giá (Gallo et al., 2018). Ngoài ra, các thành viên hội đồng được hướng dẫn hạn chế về đánh giá mức độ rủi ro của nghiên cứu cũng như cách lựa chọn nghiên cứu rủi ro trong việc ra quyết định tài trợ.

Phạm Oanh

Tài liệu tham khảo

Azoulay, P., Fuchs, E., Goldstein, A. P., & Kearney, M. (2019). Funding Breakthrough Research: Promises and Challenges of the “ARPA Model.” Innovation Policy and the Economy, 19, 69–96. https://doi.org/10.1086/699933

Franzoni, C., & Stephan, P. (2023). Uncertainty and risk-taking in science: Meaning, measurement and management in peer review of research proposals. Research Policy, 52(3), 104706. https://doi.org/10.1016/j.respol.2022.104706

Gallo, S., Thompson, L., Schmaling, K., & Glisson, S. (2018). Risk evaluation in peer review of grant applications. Environment Systems and Decisions, 38(2), 216–229. https://doi.org/10.1007/s10669-018-9677-6

Goldstein, A. P., & Kearney, M. (2020). Know when to fold ‘em: An empirical description of risk management in public research funding. Research Policy, 49(1), 103873.

Laudel, G., & Gläser, J. (2014). Beyond breakthrough research: Epistemic properties of research and their consequences for research funding. Research Policy, 43(7), 1204–1216. https://doi.org/10.1016/j.respol.2014.02.006

Linton, J. D. (2016). Improving the Peer review process: Capturing more information and enabling high-risk/high-return research. Research Policy, 45(9), 1936–1938. https://doi.org/10.1016/j.respol.2016.07.004

 

Bạn đang đọc bài viết Các giải pháp quản lý rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19