1. Khái niệm “học tập kết hợp” (blended learning)
Có 2 định nghĩa học tập kết hợp được trích dẫn thường xuyên nhất trong tài liệu. Những khái niệm này được đề xuất bởi Graham (2006), Garrison & Kanuka (2004), và đã được trích dẫn lần lượt là 2149 và 3116 lần (Google Scholar, 2018).
Graham (2006) định nghĩa học tập kết hợp như sau: “Các hệ thống học tập kết hợp kết hợp hướng dẫn trực tiếp với hướng dẫn qua máy tính” (tr 5). Garrison & Kanuka (2004) định nghĩa học tập kết hợp là “sự tích hợp giữa trải nghiệm học tập trực tiếp trên lớp với trải nghiệm học tập trực tuyến” (tr 96). Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng có điểm chung giữa yếu tố chính của “học tập kết hợp” là sự kết hợp linh hoạt hai hình thức tương tác giữa học sinh - giáo viên khi học trực tuyến và học trực tiếp tại không gian lớp học. Theo Eric Rodriguez, “học tập kết hợp” (Blended learning hay Hybrid learning) là một mô hình giáo dục trong đó học sinh học ít nhất một phần thông qua học trực tuyến với một số yếu tố về thời gian, địa điểm, lộ trình và tốc độ của riêng mình. Học sinh cũng nên học từng phần trong một địa điểm trực tiếp được giám sát cách xa nhà, nơi lộ trình học tập của mỗi học sinh trong một khóa học hoặc môn học được kết nối để mang lại trải nghiệm học tập tích hợp (2023). Mô hình học tập kết hợp bao gồm các trụ cột tập trung vào việc thiết kế hoặc tạo ra môi trường học tập và bài học. Các trụ cột bao gồm nhưng không giới hạn ở hướng dẫn dựa trên dữ liệu, học tập được cá nhân hóa, các mối quan hệ, sự chặt chẽ và mức độ phù hợp. Mỗi chiến lược tiếp theo hỗ trợ ít nhất một hoặc nhiều trụ cột.
2. Đề xuất một số chiến lược học tập kết hợp
2.1. Đặt ra các mục tiêu cần đạt: Những học sinh đặt mục tiêu, xác định các bước cụ thể để đạt được chúng và theo dõi tiến trình đạt những mục tiêu đó sẽ có quyền tự chủ hơn trong học tập. Đồng thời, học sinh sẽ có các kỹ năng để giúp các em trong quá trình học tập suốt đời. Các giáo viên nên thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tiếp cùng học sinh để theo dõi tiến độ hoàn thành mục tiêu. Cách tốt nhất để hoàn thành mục tiêu là tập trung vào một hoặc hai mục tiêu cùng một lúc để học sinh và giáo viên có thể quản lý chúng dễ dàng. Một mục tiêu viết tốt là mục tiêu cụ thể, đo lường được và có thể đạt được. Chiến lược này hỗ trợ các trụ cột blended learning được cá nhân hóa, học sinh được tự chủ, các mối quan hệ, tính nghiêm túc và mức độ phù hợp.
2.2. Kiểm tra đánh giá kiến thức của học sinh: Việc kiểm tra đánh giá mức độ hiểu biết của học sinh giúp giáo viên xác định các nhu cầu cụ thể và ưu tiên thời gian giảng dạy của mỗi học sinh. Việc kiểm tra đánh giá này khiến các nhà giáo dục có cái nhìn sâu sắc về các kỹ năng thách thức trong mỗi đơn vị kiến thức. Ngoài giúp giáo viên xác định cụ thể, chính xác các nhu cầu học tập của học sinh, đồng thời cho phép học sinh làm chủ việc học của mình bằng cách theo dõi tiến trình cũng như xác định điểm mạnh và điểm yếu của các em. Chiến lược này khi kết hợp với chiến lược “đặt ra các mục tiêu cần đạt” tạo ra một bộ đôi phương pháp giảng dạy hiệu quả.
2.3. Dạy học đồng đẳng: Dạy học đồng đẳng là dạy học được tổ chức nhằm đưa người học tham gia vào các nhóm hoạt động dưới các hình thức tổ chức khác nhau, thông qua đó giúp người học tự khám phá những điều mình chưa rõ chứ không tiếp thu một cách thụ động từ phía giáo viên. Trong điều kiện lớp học thích hợp, dạy học đồng đẳng là một phương pháp giảng dạy hiệu quả. Những cân nhắc để có buổi dạy học đồng đẳng thành công bao gồm các kỳ vọng rõ ràng và khả năng mô hình hóa thế nào về buổi dạy hiệu quả. Ngoài ra, giáo viên phải ghép cặp học sinh một cách chiến lược dựa trên một số biến số chính, chẳng hạn như tính cách, sự sẵn sàng tham gia và đóng góp. Chiến lược này có khả năng hỗ trợ nhiều nhu cầu khác nhau của học sinh, có thể dẫn đến mức độ thành công và phát triển cao, nhưng nó cũng có thể là nguồn gốc của “sự thất vọng tột cùng” nếu không được lên kế hoạch và thực hiện đúng cách. Một số lợi ích của việc dạy học đồng đẳng bao gồm củng cố các khái niệm, cung cấp cơ hội lãnh đạo và xây dựng sự tự tin. Học sinh nhận có thể học những cách mới để giải quyết vấn đề từ các bạn học khác trong lớp.
Huyền Đức lược dịch
Tài liệu tham khảo
Hrastinski, S. (2019). What do we mean by blended learning?. TechTrends, 63(5), 564-569.
Rodriguez, E. (2023, January 24). 5 Blended Learning Strategies to Try. Edutopia. https://www.edutopia.org/article/5-blended-learning-strategies-middle-high-school