Dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý, lãnh đạo của 63 Sở GDĐT, lãnh đạo các phòng chức năng thuộc 63 Sở GDĐT và đại diện lãnh đạo các trường đại học sư phạm trong cả nước.
10 kết quả nổi bật năm học 2022-2023
Năm học 2022-2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đây là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp trung học phổ thông.
Quang cảnh Hội nghị
Năm học 2022-2023 cũng là thời điểm toàn ngành triển khai tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phục vụ công tác giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT Trần Quang Nam đã đề cập tới 10 kết quả nổi bật của ngành trong năm học.
Cụ thể, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Trên cơ sở đó, các Sở GDĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các chính sách phát triển GDĐT tại địa phương; kịp thời triển khai có hiệu quả các chủ truơng, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GDĐT trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ GDĐT đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn tiện GDĐT nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện; chỉ ra các khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề xuất các định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chánh Văn phòng Bộ GDĐT Trần Quang Nam trình bày báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023
Triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GDĐT đã ban hành 6 Kế hoạch hành động của Bộ GDĐT triển khai thực hiện các Nghị quyết phát triển vùng nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực GDĐT; đồng thời tổ chức thành công 6 Hội nghị phát triển GDĐT vùng.
Triển khai Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Bộ GDĐT đã hoàn thành các báo cáo, tham gia đoàn giám sát thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông tại một số địa phương, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT tham gia và chuẩn bị tài liệu phục vụ các Đoàn giám sát.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học (lớp, 1, lớp 2, lớp 3); cấp THCS (lớp 6, lớp 7); cấp THPT (lớp 10). Các địa phương và các cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Đội ngũ giáo viên đã cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lí đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương thảo luận tại Hội nghị
Chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đại trà, mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được thế giới ghi nhận. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm trước. Kết quả tại các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022 và 2023, các đội tuyển đều đạt thành tích cao. Tính đến thời điểm này, học sinh Việt Nam đã đạt 21 Huy chương Vàng, 25 Huy chương Bạc, 20 Huy chương đồng và 10 Bằng khen.
Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 1.012.389 thí sinh. Theo kết quả ban đầu, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Kết quả trên phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để làm căn cứ pháp lý cho các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An Thái Văn Thành trao đổi tại Hội nghị
Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương đã chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Bộ GDĐT đã ban hành tiêu chí, quy trình xây dựng học liệu điện tử các cấp học làm cơ sở xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến dùng chung; đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.
Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, cảm thông cho một sự nghiệp lớn, rất khó
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đã báo cáo tình hình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức báo cáo kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên năm học 2022-2023 và chuẩn bị năm học 2023-2024; Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất Phạm Hùng Anh báo cáo công tác sắp xếp trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị năm học 2022-2023 và chuẩn bị năm học 2023-2024.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng với trách nhiệm là Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cảm ơn các Sở GDĐT đã tham mưu và chỉ đạo triển khai kỳ thi đạt kết quả tốt. Thứ trưởng đồng thời cũng chia sẻ về một số vấn đề địa phương quan tâm như lí do của việc phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT; tiêu chuẩn định mức về sỹ số học sinh/lớp… Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh công tác truyền thông từ Bộ đến Sở với lưu ý, toàn ngành cần phải có định hướng truyền thông chung.
Làm tốt hơn nữa công tác thi đua khen thưởng, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng học đường an toàn, quan tâm tới tư vấn tâm lý học đường, nêu cao vai trò làm gương của giáo viên… là những đề nghị của Thứ trưởng Ngô Thị Minh với các Sở GDĐT cho năm học mới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn điểm lại 3 năm học vừa qua khi ngành Giáo dục phải vừa chống dịch, vừa bù đắp, kiên trì mục tiêu chất lượng và vừa đổi mới, với khẳng định “cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu”.
Nhìn lại một năm với nhiều kết quả, theo Bộ trưởng để đạt được kết quả này, phần rất quan trọng, lực lượng quyết định, triển khai đổi mới trong thực tế là lãnh đạo và cán bộ các phòng chuyên môn của Sở GDĐT.
Ghi nhận, cảm ơn đội ngũ lãnh đạo các Sở GDĐT vì những nỗ lực vượt bậc trong những năm khó khăn vừa qua, Bộ trưởng đồng thời bày tỏ sự thấu hiểu với những khó khăn, áp lực của cán bộ, lãnh đạo cấp Sở với chia sẻ “Chúng ta cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, cảm thông với nhau trong một sự nghiệp lớn, rất khó”.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị
Vui mừng với kết quả đạt được của năm học song Bộ trưởng cũng cho rằng, khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Trong đó, trước mắt là thách thức của việc thiếu đủ thứ: thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, thiếu tài chính, thiếu sự chăm lo.
Theo Bộ trưởng, càng đổi mới, càng đặt trước yêu cầu chất lượng cao thì sự “thiếu” càng lớn hơn. Và trong sự “thiếu” này vẫn có cái thiếu thuộc về chủ quan những người làm quản lý giáo dục, khi chưa bày tỏ hết mức, chưa kiến nghị hết mức, chưa nhìn thấy những việc cần phải làm để bày tỏ, kiến nghị một cách mạnh mẽ.
Đánh giá niềm tin của xã hội với ngành thời gian qua đã được củng cố hơn, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, đây vẫn là thách thức khi những vấn đề dư luận bức xúc về ngành vẫn còn, từ đó đặt ra yêu cầu cần gia tăng hơn nữa niềm tin bền vững của xã hội với sự nghiệp giáo dục.
“Sự đồng lòng trong ngành đã có nhưng để thể hiện ra xã hội, để lôi cuốn xã hội chưa cao”, khẳng định điều này như một thách thức, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, ngành tuy đông nhưng chưa mạnh, còn cảm giác tự mình thấy mình ở nhóm yếu thế.
Ngoài ra, trong quá trình đổi mới, sự vượt lên chính mình, vươn lên của từng cơ sở giáo dục, từng giáo viên, nhà quản lý còn chưa đủ cũng đang tạo ra thách thức cho ngành. Theo Bộ trưởng, đây là điều cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ năm học mới, Bộ trưởng cho biết: Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế; tạo bước tiến lớn về thể chế, chính sách.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị
Trong đó, căn cứ chính trị là toàn ngành đang triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 và chuẩn bị Nghị quyết mới thay thế. Bộ trưởng đề nghị các Sở GDĐT khi hoàn tất báo cáo đánh giá cần mạnh dạn nêu những đề xuất, kiến nghị, làm căn cứ xây dựng Nghị quyết tiếp theo, mở đường cho sự phát triển của ngành trong 10 năm sau và xa hơn nữa; với sự đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng cho công việc lớn này.
Một việc lớn khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là xây dựng Luật Nhà giáo. Đây là bộ luật rất quan trọng với ngành và trong quá trình thảo luận, từng chính sách trong Luật cần có sự đóng góp ý kiến, hô ứng từ cơ sở, các thầy cô giáo, nhà trường; từ đó mới thuyết phục được xã hội, Chính phủ, Quốc hội.
Với nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, năm học 2023-2024 là năm bứt phá, thực hiện một khối công việc lớn, những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ sẽ bộc lộ nhiều hơn so với năm học trước. Do đó đòi hỏi phải dồn lực để vượt qua, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp.
Năm học 2023-2024 còn là năm yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, đến từng môn học; đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá - với định hướng này, Bộ trưởng nêu cụ thể yêu cầu đổi mới với từng môn học như Lịch sử, Ngữ văn, Toán học, Hoá học, Vật lí… Cùng với đó là việc quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh.
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục cũng triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ trưởng lưu ý, cần vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ đổi mới giáo dục phổ thông để chủ động chuẩn bị, thử nghiệm chu đáo trước khi triển khai.
Về công việc trước mắt chuẩn bị cho năm học mới, Bộ trưởng đề nghị địa phương chuẩn bị cả về tâm thế, tư tưởng, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, sách giáo khoa, học liệu, tập huấn giáo viên...