3 chiến lược nhằm thu hút sự tham gia của học sinh trong lớp học

Ở trường tiểu học và trung học cơ sở, không phải tất cả học sinh đều tự tin hoặc hào hứng tham gia phát biểu xây dựng bài học, vì vậy các chiến lược khuyến khích sự tham gia của học sinh trong lớp học rất cần thiết. Bài báo của Katie Martin đề xuất một số chiến lược tạo ra sự công bằng trong tiếng nói giữa các học sinh và học tập sâu hơn trong lớp học.

Khi có cơ hội đến thăm các lớp học trên khắp đất nước với những bối cảnh đa dạng, Katie Martin được truyền cảm hứng khi thấy những học sinh trong lớp tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận ý nghĩa và bày tỏ suy nghĩ của bản thân. Katie nhận thấy một trong những rào cản chính tạo nên một lớp học tích cực là “sự công bằng trong tiếng nói” và “kỳ vọng suy nghĩ của tất cả người học thay vì chỉ một số ít người”.

Ở trường tiểu học và THCS, khi học sinh trở nên tự giác hơn, việc thu hút học sinh tích cực tham gia lớp học có thể khó khăn hơn. Thông thường, để khắc phục, giáo viên sử dụng cách gọi những học sinh giơ tay trước, ưu tiên những học sinh tự tin, hướng ngoại và suy nghĩ nhanh hơn là là tạo ra đủ thời gian và không gian để mỗi học sinh trong lớp suy nghĩ, chia sẻ quan điểm của bản thân.

Đồng thời, cách xử lý trên khiến những học sinh khác tin rằng bản thân không cần tích cực tham gia lớp học, vì một số thành viên trong lớp sẽ làm điều đó thay các em. May mắn thay, có những chiến lược hoạt động để tạo ra các cuộc đối thoại công bằng hơn và học tập sâu hơn trong lớp học. Dưới đây là ba chiến lược được tác giả đề xuất nhằm thu hút sự tham gia của học sinh trong lớp học.

Suy nghĩ-Cặp đôi-Chia sẻ (Think-Pair-Share)

Một trong những chiến lược đơn giản nhất và (có lẽ ít được sử dụng nhất) là Think-Pair-Share (tạm dịch: Suy nghĩ-Cặp đôi-Chia sẻ). Để tạo ra sự bình đẳng trong tiếng nói, hãy cho người học thời gian để suy nghĩ trước khi họ trả lời. Sau khi giáo viên đặt câu hỏi, đặt thời gian trong 30 giây. Trong thời gian đó, yêu cầu học sinh ghi lại ý tưởng của bản thân. Khoảng dừng này cho tất cả học sinh thời gian suy nghĩ và xử lý thông tin. Khi các em đã có thời gian để xử lý, hãy yêu cầu học sinh quay sang người bên cạnh và chia sẻ suy nghĩ của mình. Chiến lược này mang đến cho mọi đứa trẻ cơ hội nói lên ý kiến của mình và lắng nghe ý kiến của những người khác trong môi trường ít áp lực. Nó cũng đảm bảo rằng tất cả người học có nhiều trách nhiệm hơn để suy nghĩ, chia sẻ.

  1. Sử dụng các thói quen tư duy

Việc khuyến khích tất cả người học cộng tác, chia sẻ và ghi lại các ý tưởng có thể cho phép đối thoại mạnh mẽ hơn về các ý tưởng và học tập sâu hơn. Các thói quen hoặc giao thức (protocol) tư duy cung cấp cấu trúc để người học đóng khung ý tưởng của họ và tham gia vào công việc hợp tác hiệu quả. Sử dụng bảng trắng hoặc giấy biểu đồ để ghi lại và biểu thị suy nghĩ có thể tạo ra trách nhiệm giải trình chung và cho phép giáo viên nhìn, hiểu được suy nghĩ của học sinh.

Một trong những thói quen tư duy Katie yêu thích là What, So What, Now What. Giáo viên có thể sử dụng cách tư duy này để kiểm tra văn bản, xem xét các sự kiện lịch sử hoặc thậm chí thảo luận về một thách thức mà học sinh đang gặp phải.

Một thói quen tư duy khác là See, Think, Wonder. Giáo viên có thể sử dụng thói quen suy nghĩ này để khơi gợi sự quan tâm của học sinh khi bắt đầu một bài học hoặc dự án và giúp sắp xếp các ý tưởng, câu hỏi. Khi tất cả học sinh có hứng thú học tập và nhận được sự trợ giúp, các em nhiều khả năng sẽ tham gia và học sâu hơn trong quá trình này.

  1. Hình thức tham gia phi ngôn ngữ

Không phải tất cả người học đều tự tin hoặc hào hứng tham gia bằng phát biểu. Chiến lược tham gia phi ngôn ngữ có thể cung cấp cơ hội đánh giá sự hiểu biết. Công nghệ có thể được sử dụng để cung cấp các cuộc thăm dò ý kiến hoặc không gian trò chuyện ảo, chẳng hạn như Poll Everywhere, Mentimeter và Padlet. Nếu giáo viên muốn một công nghệ thấp (low-tech) để người học tham gia mà không dùng lời nói, thì các mảnh giấy ghi chú cho phép học sinh ghi lại ý kiến và chia sẻ với các bạn cùng lớp. Học sinh cũng có thể chia sẻ chúng dưới dạng exit ticket [1], cho phép giáo viên đánh giá chính xác suy nghĩ của từng học sinh. Giáo viên có thể đặt một câu hỏi hoặc một loạt câu hỏi và yêu cầu tất cả học sinh làm bài trên bảng trắng (whiteboard). Để kiểm tra suy nghĩ, hãy yêu cầu học sinh giơ bảng lên cùng một lúc. Ra hiệu bằng tay, chẳng hạn như nắm tay đến năm ngón, cũng mời tất cả học sinh đánh giá mức độ hiểu biết của bản thân về một khái niệm bằng cách siết tay thành nắm đấm cho mức độ hiểu thấp nhất, giơ cả năm ngón tay cho mức độ tin cậy hoàn toàn.

Bằng cách sử dụng các phương pháp này, giáo viên đang dần loại bỏ việc chọn người để phát biểu hoặc dựa vào một số học sinh luôn giơ tay. Điều đó cũng có nghĩa là tất cả người học đều có quyền tham gia như nhau, bất kể các em có nhút nhát hay tự tin thế nào.

Những chiến lược này có thể giúp giáo viên tạo ra một môi trường học tập nơi mọi người học đều cảm thấy được lắng nghe và đánh giá cao khi họ được hỗ trợ theo nhiều cách để tham gia. Điều này không chỉ thúc đẩy sự công bằng trong tiếng nói mà còn giúp tạo ra một cộng đồng học tập hợp tác và toàn diện hơn, nơi học tập dành cho tất cả mọi người, không chỉ một số ít.

Huyền Đức lược dịch

[1] exit ticket là một công cụ đánh giá cung cấp cho giáo viên một phương pháp để đánh giá mức độ hiểu của học sinh về những gì họ đang giảng dạy trên lớp. Công cụ này có thể được sử dụng hàng ngày hoặc hàng tuần, tùy thuộc vào đơn vị được dạy.

Nguồn:

Martin, K. (2023, June 9). 3 Strategies to Get All Students Participating. Edutopia. https://www.edutopia.org/article/strategies-increasing-student-participation

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết 3 chiến lược nhằm thu hút sự tham gia của học sinh trong lớp học tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19