Sử dụng chiến lược “hỗ trợ trực quan” trong các thảo luận nhóm nhỏ

Trước những vấn đề đặt ra trong học tập và cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường có nhận thức và cách giải quyết riêng. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp cần sự góp sức của nhiều người để tìm ra được giải pháp tốt nhất. Tham gia thảo luận nhóm là cách bày tỏ ý kiến, lắng nghe và chia sẻ góc nhìn với những người xung quanh. Do đó, cách tiếp cận trong bài báo của Brady Smith cung cấp các “điểm đầu vào” đa phương thức để tất cả người học chuẩn bị chia sẻ suy nghĩ của bản thân trong các nhóm nhỏ.

Mặc dù, hỗ trợ trực quan (visual facilitation) thường được trình bày như một chiến lược để quản lý các cuộc họp giữa những người trưởng thành, nhưng việc nhấn mạnh vào việc thể hiện sáng tạo các ý tưởng dường như ngay lập tức hữu ích khi làm việc với học sinh cấp THCS. Brady Smith bắt đầu thử nghiệm thực hành trong các nhóm đọc hàng tuần và tác động sâu sắc đến sự tham gia của học sinh. 

Khái quát về “hỗ trợ trực quan”

Trong hỗ trợ trực quan, một nhóm chọn một điều phối viên điều hành cuộc họp và chịu trách nhiệm trình bày trên giấy biểu đồ, hoặc thông qua một phương tiện trực quan khác, những gì đã được nói hoặc quyết định. Kết quả dự kiến là một biểu đồ được vẽ một cách sáng tạo, hấp dẫn trực quan thể hiện các ý tưởng của một nhóm.

Để bắt đầu, giáo viên có thể mua bút đánh dấu chuyên dụng, được thiết kế với mục đích hỗ trợ trực quan hoặc có thể sử dụng bất cứ thứ gì giáo viên có xung quanh. Đồng thời cũng sẽ cần giấy biểu đồ hoặc các trang Post-it cỡ áp phích. Có một số tài nguyên hỗ trợ trực quan hữu ích trên internet mà giáo viên có thể sử dụng để dạy bản thân và học sinh những kiến thức cơ bản. Tác giả nhận thấy rằng các học sinh tiếp thu kỹ thuật này nhanh hơn nhiều so với người dạy khi mới học; các em cũng thành thạo trong việc sử dụng lại nó cho mục đích riêng.

 

Cách thức hoạt động 

Cách đơn giản nhất để sử dụng hỗ trợ trực quan trong lớp học là áp dụng phương pháp thực hành như đã thiết kế: Học sinh có thể sử dụng nó như một phương tiện để ghi chú và trình bày trực quan suy nghĩ của một nhóm.

Khi áp dụng cách này, cần yêu cầu học sinh chỉ định trưởng nhóm quản lý cuộc thảo luận. Học sinh trả lời những câu hỏi, nhưng thay vì viết ghi chú vào sổ tay hoặc điền vào bảng tính (worksheet), học sinh đóng góp vào trang hỗ trợ trực quan (visual facilitation page), điều này trở thành minh chứng cho suy nghĩ của các em.

Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện trực quan thú vị nhất lại đến từ việc yêu cầu học sinh kết hợp chiến lược này với những kỹ thuật khác. 

Điều này đúng với việc kết hợp hỗ trợ trực quan với tư duy lục giác (hexagonal thinking). Trong tư duy lục giác, học sinh xác định năm hoặc sáu ý tưởng chính từ một văn bản và sắp xếp chúng trên giấy biểu đồ bằng cách thể hiện mối quan hệ giữa các ý tưởng. Khi kết hợp tư duy hình lục giác với sự hỗ trợ trực quan, học sinh sắp xếp các hình lục giác của mình rồi vẽ hoặc chú thích để đào sâu ý tưởng hoặc cung cấp minh chứng văn bản để hỗ trợ cho kết luận của mình.

Những gì học sinh tạo ra hấp dẫn theo cách riêng của nó và khi được kết hợp với những ý tưởng của các nhóm khác, các trang áp phích mà các em tạo ra sẽ là “điểm khởi đầu tuyệt vời” cho các cuộc thảo luận cả lớp sau đó.

Tại sao cách tiếp cận này lại quan trọng?

Việc thêm hỗ trợ trực quan vào lớp học hiệu quả vì một số lý do, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là nó định hình lại mục đích của các cuộc thảo luận trong lớp. Khi thảo luận là con đường duy nhất để học sinh thể hiện bản thân, nhiều học sinh phải vật lộn để vượt qua sự lo lắng khi nói trước mặt bạn bè. Sử dụng hỗ trợ trực quan hướng tới những nhiệm vụ cụ thể hơn là chỉ thảo luận đơn thuần. Các học sinh vẫn tham gia bằng lời nói với nhau nhưng học sinh làm bằng cách tạo ra một sản phẩm cuối cùng hữu hình. Hỗ trợ trực quan cũng đã mở ra một số con đường mà qua đó học sinh có thể đối thoại bằng văn bản với giáo viên và với nhau. Một số học sinh đam mê nghệ thuật và chịu trách nhiệm sáng tạo áp phích. Những học sinh cảm thấy thoải mái với cuộc thảo luận có xu hướng dẫn dắt nhóm. Bên cạnh đó, những em khác thể hiện sự chủ động trong việc cung cấp dẫn chứng để hỗ trợ cho những ý kiến mà nhóm của họ đang đưa ra. 

Trong hỗ trợ trực quan, có nhiều “điểm đầu vào” đa phương thức cho tất cả người học, nghĩa là mọi người đều có thể tham gia theo những cách phù hợp nhất với sở thích học tập cá nhân. Kết quả là một môi trường lớp học có sự tham gia và bình đẳng hơn nhiều so với khi giáo viên dạy thông qua thảo luận truyền thống. Tuy nhiên, nó không phải là cách duy nhất để giáo viên quản lý học sinh và thỉnh thoảng giáo viên vẫn nên sử dụng các cuộc thảo luận truyền thống giữa các học sinh. 

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Smith, B. (2023, June 12). Using Visual Facilitation Strategies in Small Group Discussions. Edutopia. 

https://www.edutopia.org/article/visual-facilitation-strategies-middle-school-discussions 

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng chiến lược “hỗ trợ trực quan” trong các thảo luận nhóm nhỏ tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19