Động lực và thành tích học Toán: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam

Động lực là chìa khóa để thu hút học sinh học toán và cải thiện thành tích toán học của các em. Trong bối cảnh vẫn còn một khoảng trống trong kiểm định thực nghiệm các biến số này trong bối cảnh giáo dục toán học ở Việt Nam, công trình của các tác giả Lap Thi Tran và Tuan Son Nguyen xem xét mối tương quan giữa động lực học toán và thành tích học tập bộ môn này của học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam.

Chủ đề giáo dục toán học đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ các nhà giáo dục và học giả trong thời gian qua; trong đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái độ, niềm tin và cảm xúc của các cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng và sự quan tâm của họ đối với toán học, cũng như việc ứng dụng toán học của họ trong các tình huống thực tế. Đặc biệt, việc tăng cường các điều kiện nhằm tạo động lực học tập bộ môn này cho học sinh là rất quan trọng để cải thiện việc dạy và học toán. Những học sinh tự tin hơn về các kỹ năng toán học của mình sẽ có thể áp dụng toán học trong các tình huống khác nhau của thực tế cuộc sống hơn so với những học sinh không có được điều này. Do đó, trong giáo dục toán học, phát triển thái độ, niềm tin và cảm xúc của học sinh là mục tiêu chính. Về vấn đề này, động lực và sự tương tác của học sinh với môn học này đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý nghiên cứu của các học giả thuộc lĩnh vực giáo dục toán học. Động lực là một trong những lĩnh vực tình cảm nhất được xác định là có liên quan chặt chẽ đến thành tích toán học. Vai trò của yếu tố động lực trong dạy và học toán đã được nhiều nhà khoa học đề cập, trong đó, Hannula (2006) khẳng định rằng rằng động lực có thể được sử dụng để định hướng hành vi nhằm kiểm soát cảm xúc và động lực của cá nhân được bộc lộ qua ba khía cạnh: nhận thức, hành vi và cảm xúc của họ.

Hơn nữa, nhận thức của học sinh về lớp học và môi trường học tập ảnh hưởng đến động lực học toán của các em. Lý thuyết mục tiêu thành tích cho rằng một trong những đặc trưng giúp thúc đẩy học sinh học toán là cấu trúc mục tiêu lớp học. Một cấu trúc mục tiêu được định nghĩa là tập hợp những cách thức mà các mục tiêu thành tích được đặt ra thông qua các chính sách và thực hành giáo dục. Cấu trúc mục tiêu có hai dạng chính: cấu trúc mục tiêu hướng đến sự “thành thạo” và cấu trúc mục tiêu hướng đến “hiệu suất” Trong đó, cấu trúc mục tiêu thành thạo tập trung vào phát triển năng lực, trong khi cấu trúc mục tiêu hiệu suất tập trung vào việc thể hiện năng lực đó ra bên ngoài như thế nào.

Ở Việt Nam, toán học là một trong những môn học quan trọng nhất ở trường phổ thông, và là một trong ba môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Các bậc phụ huynh thường khuyến khích con cái họ học toán vì họ tin rằng môn học này sẽ giúp ích cho cac con khi lên các cấp học cao hơn. Hơn nữa, những người giỏi toán thường được coi là thông minh. Do đó, có rất nhiều hoạt động can thiệp được thực hiện bởi cả các giáo viên và phụ huynh nhằm tìm cách cải thiện giáo dục toán học ở Việt Nam; thậm chí, nhiều hoạt động trong số đó đã bị xã hội chỉ trích vì có thể gây thêm áp lực cho học sinh.

Tuy nhiên, một chiến lược can thiệp mới đang ngày càng trở nên phổ biến và được quan tâm hơn nhằm cải thiện thành tích học toán của học sinh là cải thiện các điều kiện góp phần tạo động lực học tập trong lớp học toán. Lim và Chapman (2015b) đã phát hiện ra rằng động lực là một trong những phạm trù tình cảm có mối tương quan chặt chẽ với thành tích toán học. Do đó, hiểu được mối tương quan giữa động lực và thành tích học toán trong bối cảnh giáo dục Việt Nam là rất quan trọng để cải thiện thành tích môn học này của học sinh. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu thực nghiệm nào tập trung vào vấn đề này. Vì vậy, nghiên cứu của nhóm tác giả nhằm khoả lấp khoảng trống này và xác định các yếu tố ảnh hưởng liên quan thông qua việc trả lời câu hỏi nghiên cứu sau: Đâu là mối tương quan giữa động lực học toán và thành tích học toán ở Việt Nam?

Nghiên cứu này sử dụng khung lý thuyết AMTMS về động lực học tập của học sinh. AMTMS có 21 hạng mục đo lường, trong đó có 4 hạng mục cho mỗi biến tiềm ẩn — sự thiếu động lực, sự điều chỉnh từ bên ngoài, sự điều chỉnh nội nhập và nhận dạng — và 5 hạng mục dành cho động lực nội tại. Câu hỏi chính của AMTMS là 'Tại sao bạn dành thời gian học toán?'. Những người tham gia được yêu cầu xếp hạng các mục AMTMS bằng thang đo Likert 5 điểm (1 = 'rất không đồng ý' đến 5 = 'rất đồng ý'). Nghiên cứu sử dụng kết quả môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019. Kết quả của năm 2019 được sử dụng vì tại thời điểm tiến hành khảo sát, đây là kì thi gần nhất. Kì thi toán học viết trên giấy diễn ra trong khoảng thời gian ba giờ và học sinh sử dụng kết quả để đăng ký vào cao đẳng hoặc đại học. Để có được dữ liệu của mình, nghiên cứu đề nghị người trả lời phỏng vấn tự thông báo điểm của mình.

Đối tượng tham gia là học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019. Mẫu nghiên cứu cuối cùng (N = 680) bao gồm 367 nữ, 305 nam và 8 đối tượng khác. Điểm tự báo cáo (thành tích toán học) nằm trong khoảng từ 0 đến 10, trong đó giá trị trung bình là 7,28 với sai số chuẩn là 0,051 và độ lệch chuẩn là 1,343. Tổng cộng, 93,8% số người tham gia khảo sát đã đăng ký nhập học đại học, trong đó 92,2% đăng ký học đại học để lấy bằng cử nhân, số còn lại chọn học nghề hoặc khóa học lấy bằng tốt nghiệp. Đặc biệt, 85,9% người tham gia cho biết điểm môn toán của họ đã được sử dụng trong tổ hợp điểm các môn học để xét tuyển vào đại học.

Về phương pháp phân tích, phương pháp phân tích dữ liệu mô tả được sử dụng để đánh giá các đặc điểm cơ bản của dữ liệu. Thông qua việc đánh giá trực quan và kiểm tra bằng các phương pháp thống kê, nhóm nghiên cứu đã xác nhận rằng kiểu phân phối của dữ liệu là bình thường. Sau đó, mô hình cấu trúc tuyến tính được sử dụng để phân tích dữ liệu, cụ thể là sử dụng phương pháp ước lượng hợp lý cực đại được sử dụng. Phương pháp phân tích nhân tố khẳng định (CFA) được áp dụng cho mô hình đo lường để khẳng định độ tin cậy và tính phù hợp của cấu trúc nhân tố của các biến tiềm ẩn. Mô hình cấu trúc tuyến tính đã được sử dụng để kiểm tra các giả thuyết về mối tương quan giữa động cơ học toán và thành tích.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc thiếu động lực đã được chứng minh là có tương quan nghịch với thành tích toán học của học sinh. Tuy nhiên, sự điều chỉnh nội nhập, sự điều chỉnh có chủ đích từ bên ngoài và động lực nội tại đã được chứng minh là có mối tương quan tích cực với thành tích toán học. Ngoài ra, kết quả phân tích đã chứng minh rằng cả động lực bên trong và bên ngoài (sự điều chỉnh nội tại và sự điều chỉnh có chủ đích từ bên ngoài) đều ảnh hưởng tích cực đến thành tích toán học. Những phát hiện này cung cấp nền tảng lý thuyết vững chắc để cải thiện thành tích toán học bằng cách khuyến khích giáo viên phát triển các điều kiện tạo động lực trong các lớp học toán ở Việt Nam. Nghiên cứu cũng thảo luận về một số chiến lược nhất định để cải thiện thành tích toán học, chẳng hạn như các cách để thúc đẩy định hướng làm chủ và áp dụng công nghệ hiệu quả.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Tran, L.T., & Nguyen, T.S. (2021). Motivation and Mathematics Achievement: A Vietnamese Case Study. Journal on Mathematics Education, 12(3), 449-468. http://doi.org/10.22342/jme.12.3.14274.449-468

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Động lực và thành tích học Toán: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn