Vai trò của phương pháp dự giờ lớp học phục vụ phát triển và đánh giá năng lực giáo viên Trung học cơ sở tại Việt Nam

Năm 2018, Chương trình Đào tạo Giáo viên Quốc gia của Việt Nam đã thiết lập một khuôn khổ mới cho việc phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Dự giờ lớp học là phương pháp chủ yếu được sử dụng để theo dõi, đánh giá và phát triển các giáo viên. Bài viết của nhóm tác giả Tran Kiem Minh và cộng sự tìm hiểu việc sử dụng và tác động của chính sách dự giờ lớp học hiện tại và việc thực hiện chính sách trên đối với các giáo viên mới vào nghề ở các trường trung học cơ sở của Việt Nam.

Cải cách giáo dục là trung tâm của quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Chính sách của chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển giáo viên là động lực chính trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và kết quả học tập của học sinh. Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ban hành Chương trình Đào tạo Giáo viên Quốc gia, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo viên đầu tư và chứng minh sự phát triển chuyên môn liên tục của giáo viên là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nhu cầu của chương trình giảng dạy giáo dục phổ thông.

Tương tự nhiều nền giáo dục trên thế giới, dự giờ lớp học là phương pháp chủ yếu để theo dõi, đánh giá và hỗ trợ phát triển giáo viên ở các trường trung học cơ sở Việt Nam. Là một phần của quá trình cải cách giáo dục đang diễn ra trên cả nước, việc sử dụng phương pháp dự giờ trong lớp học ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong hai thập kỷ qua. Các chính sách gần đây đã cố gắng định vị lại việc dự giờ lớp học, từ việc phụ thuộc lâu dài vào dự giờ với vai trò một công cụ để đánh giá hiệu suất của giáo viên, trở thành một phương pháp điều tra khảo sát để giáo viên tìm hiểu về quá trình học tập và hành vi của học sinh trong lớp học. Nghiên cứu này tìm hiểu kinh nghiệm và nhận thức của giáo viên trung học cơ sở và các lãnh đạo trường học tại Việt Nam về vấn đề coi dự giờ như một công cụ để đánh giá và hỗ trợ sự phát triển của giáo viên. Nghiên cứu được thiết kế với hai câu hỏi nghiên cứu (RQ) sau đây:

(1) Nhận thức của giáo viên mới vào nghề, các giáo viên lâu năm và lãnh đạo nhà trường về cách thức dự giờ lớp học được sử dụng ở các trường trung học ở Việt Nam?

(2) Kinh nghiệm và nhận thức của giáo viên mới vào nghề và giáo viên lâu năm (cố vấn) trong việc sử dụng dự giờ để hỗ trợ phát triển giáo viên ở các trường trung học ở Việt Nam là gì?

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu định tính từ 35 cuộc phỏng vấn bán cấu trúc được thực hiện tại 6 tỉnh thành ở Việt Nam.

Kết quả các nghiên cứu cho thấy, mặc dù gần đây đã có những bước phát triển trong việc dự giờ lớp học ở các trường học Việt Nam, cụ thể là việc áp dụng rộng rãi các mô hình tập trung vào nhân tố người học nhiều hơn, những phát hiện của nhóm tác giả cho thấy rằng về mặt khái niệm, việc dự giờ vẫn được xem là phương pháp phổ biến nhất trong việc đánh giá giáo viên được áp dụng trong các trường học khắp Việt Nam. Được thúc đẩy bởi một chương trình chính sách quốc gia trong đó quy định rõ ràng về chế độ chuẩn hóa, đánh giá rủi ro và xếp hạng hiệu suất, việc dự giờ lớp học đã được sử dụng như một công cụ để kiểm soát công việc của giáo viên, dẫn đến mức độ căng thẳng của họ gia tăng. Giáo viên có thể gặp phải tình trạng lo âu và ít cảm nhận được giá trị của công việc. Các yếu tố văn hóa xã hội ăn sâu như Nho giáo và xu hướng quan hệ nghề nghiệp giữa giáo viên mới vào nghề và giáo viên lâu năm, trong đó đề cao các phân định thứ bậc đã đi sâu vào xã hội Việt Nam, có thể khiến việc áp dụng những cách suy nghĩ và phương pháp mới theo nguyên tắc hợp tác và bình đẳng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng cho rằng đó là một thách thức không chỉ của riêng cho Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng hơn giữa việc sử dụng phương pháp dự giờ như một công cụ đánh giá và hình thành để phát triển nghề nghiệp giáo viên ở Việt Nam.

Đồng thời, mô hình dự giờ lớp học nhằm đánh giá giáo viên được sử dụng trong các trường học ở Việt Nam dường như không mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển giáo viên hoặc cải thiện chất lượng dạy và học nói chung một cách có ý nghĩa. Tuy nhiên, kết quả có thể dự đoán trước, bởi mục đích chính của việc dự giờ là một công cụ đánh giá để phân loại hơn là hỗ trợ giáo viên. Bên cạnh đó, những mô hình dự giờ như vậy khiến giáo viên không có quyền sở hữu và chịu trách nhiệm đối với sự phát triển của chính họ. Những người tham gia trả lời khảo sát trong nghiên cứu này đã bày tỏ mong muốn được phép tự chủ chuyên môn để khám phá và quyết định thực hành trong thực tiễn, nhằm xác định các ưu tiên cho sự phát triển nghề nghiệp của chính họ.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Minh, T. K., Dung, D. T., Hue, H. T. K., Giang, N. T. H., Cui, V., & O’Leary, M. (2023). Sorting or supporting teachers? An exploration of the imbalanced role of classroom observation in the development and assessment of Vietnamese secondary schoolteachers. Practice, 1–17. https://doi.org/10.1080/25783858.2023.2177187

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19