Phát huy phẩm chất và năng lực sáng tạo của giáo viên trong đào tạo

Giáo viên được xem là “cột sống” của một quốc gia. Nghề giáo là một nghề mang lại công ích, có những cống hiến thiết thực đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội. Xã hội ngày càng phát triển, giáo viên cũng cần có những bước chuyển mình phù hợp với xu thế phát triển chung. Vì thế, bài viết của tác giả Janardan Paudel chỉ ra một số quan điểm cần thiết trong đào tạo giáo viên nhằm phát huy phẩm chất và năng lực sáng tạo của giáo viên tại Nepal.

Giáo viên nên được gọi là “xương sống” của một quốc gia. Được biết, tất cả các động vật hoặc sinh vật có xương sống đều có thể chất khỏe mạnh hơn các loài không có xương sống. Tương tự như vậy, nếu giáo viên không có năng lực thì cộng đồng không thể phát triển hiệu quả. Đối với xã hội ngày càng phát triển, giáo viên cũng cần có những bước chuyển mình phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao năng lực chuyên môn cùng tính sáng tạo ở giáo viên đang được xem là một nhiệm vụ thiết thực. Vì vậy, bài viết của tác giả Janardan Paudel chỉ ra một số quan điểm cần thiết trong đào tạo giáo viên nhằm phát huy phẩm chất và năng lực sáng tạo của giáo viên tại Nepal. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp so sánh kết hợp với thao tác phân tích và kinh nghiệm của tác giả.

Kết quả nghiên cứu cho thấy giáo viên cần có năng lực chuyên môn và tính sáng tạo trong giảng dạy. Đó là mục tiêu chính của đào tạo giáo viên. Không nên nghĩ đào tạo giáo viên đơn thuần là một quá trình chỉ để kiếm việc làm, mà nên nhìn ở nghĩa rộng hơn rằng người thầy như một nguồn cung cấp tri thức. Ngày nay, chúng ta đang trong thời đại công nghệ và nó nên được áp dụng vào lĩnh vực giáo dục cho quá trình dạy và học. Về công nghệ giáo dục, Kumar (2009: 4) đã tuyên bố: “Công nghệ giáo dục là một quá trình tổng hợp, phức hợp liên quan đến con người, ý tưởng, thiết bị và tổ chức, để phân tích các vấn đề và đưa ra, thực hiện, đánh giá và quản lí các giải pháp cho những vấn đề đó, tham gia vào tất cả các khía cạnh của việc học tập của con người”. Ngày nay giáo viên không chỉ phụ thuộc vào sách giáo khoa. Họ nên chuẩn bị tài liệu giảng dạy áp dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế công nghệ trong giáo dục không được áp dụng ở nhiều trường phổ thông tại Nepal và học sinh vẫn nghe giảng theo cách truyền thống. Việc đầu tư nâng cao đào tạo giáo viên đã trở nên vô ích. Đào tạo giáo viên là để cung cấp giáo dục chất lượng. Về thực trạng này, Khaniya (2007) đã nhận định như sau: “Khi thiếu các kĩ năng và khả năng cần thiết, giáo viên dường như không thể truyền đạt các kĩ năng và kiến thức mong đợi tới học sinh một cách hiệu quả. Các chương trình đào tạo giáo viên được xây dựng cho đến nay chưa kết hợp các kĩ năng và kiến thức sư phạm được xác định thông qua đánh giá nhu cầu”.

Đào tạo giáo viên cần đổi mới nhiều thứ cả về lí luận và thực tiễn. Chương trình đào tạo giáo viên nên được thiết kế theo nhu cầu thay đổi của xã hội. Vì vậy, đào tạo giáo viên là để phát triển chuyên môn, kĩ năng tư duy sáng tạo, phản biện để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đồng thời, giúp học sinh phát huy tính sáng tạo trong học tập chứ không nên học thuộc lòng.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Janardan Paudel (2023). Teacher Education and Issues of Professional Development for Quality and Creativity of Teachers. Nepal Journals Online (NepJOL). 5 (1). 7-10. https://doi.org/10.3126/pdmdj.v5i1.52254

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Phát huy phẩm chất và năng lực sáng tạo của giáo viên trong đào tạo tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19