Vai trò của thất bại trong học tập: Một nghiên cứu trường hợp nhằm thúc đẩy sự cố gắng ở sinh viên

Quá trình học tập của học sinh nói chung đều có những yếu tố tác động dẫn đến thất bại trong học tập. Vì vậy, bài viết của Nici Sweaney đưa ra các chiến lược đơn giản để chuyển trọng tâm từ kết quả sang học tập và khám phá, giúp sinh viên chấp nhận rủi ro và học hỏi từ những thất bại.

Thất bại thường được coi là điều cấm kị trong giới học thuật, khi người học cố gắng né tránh bằng mọi giá. Tuy nhiên, thất bại là điều cần thiết của quá trình nghiên cứu, khuyến khích đổi mới và dạy cho người học những kĩ năng quan trọng như khả năng phục hồi, sáng tạo và khả năng thích ứng. Trong giới học thuật, nơi tập trung vào việc tạo ra kiến thức mới và mở rộng ranh giới hiểu biết của con người, thất bại là một phần tất yếu trong quá trình nghiên cứu. Nhiều đột phá quan trọng trong khoa học, công nghệ và nghệ thuật đã đến từ những thất bại được sử dụng làm bàn đạp hướng tới thành công.

Tuy nhiên, thách thức đối với các nhà giáo dục là tìm cách “khen thưởng” thất bại mà không làm suy yếu các tiêu chuẩn học tập. Vì vậy, thông qua bài viết này, Nici Sweaney cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cách thiết kế các bài đánh giá khuyến khích sinh viên chấp nhận thất bại và xem đó là cơ hội quý giá để phát triển. Bằng cách áp dụng các chiến lược tương tự, các nhà giáo dục có thể giúp xóa bỏ sự kỳ thị về sự thất bại, nuôi dưỡng văn hóa đổi mới và học hỏi trong giới học thuật.

“Khen thưởng thất bại” trong học thuật: một cách tiếp cận dựa trên kiểm tra đánh giá đơn giản

Để sinh viên hiểu được về thất bại, Nici Sweaney đã đưa ra phương pháp kiểm tra đánh giá dành cho sinh viên nghiên cứu (tại Trường Xã hội và Môi trường Fenner - Đại học Quốc gia Úc), phần thưởng không phải vì họ “đúng”, mà vì họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, học hỏi từ chính mình, sai lầm và kiên trì đối mặt với những thất bại. Kể từ khi áp dụng phương pháp kiểm tra đánh giá này, tác giả nhận xét số lượng sinh viên nghiên cứu đã xây dựng ý thức thực sự về cộng đồng và sự tôn trọng lẫn nhau.  

Cách tiếp cận

Để thực hiện phương pháp này, hãy chọn một phần kiểm tra đánh giá mà sinh viên có thể hướng tới trong một thời gian dài, chẳng hạn như khóa luận hoặc dự án nghiên cứu, bài tập nhóm lớn hơn hoặc bài luận và yêu cầu họ phát triển một kế hoạch để theo dõi tiến độ thực hiện. Sau đó, yêu cầu học sinh gửi phản hồi thường xuyên (hai tuần một lần hoặc hàng tháng), trong đó họ cần xác định được các trở ngại mà họ gặp phải, tìm giải pháp và điều chỉnh lại kì vọng cũng như thời gian biểu hợp lí.

Cách làm này khuyến khích sinh viên đón nhận và học hỏi từ những thất bại của mình, bởi vì thay vì chấm điểm họ dựa trên mức độ bám sát kế hoạch, giáo viên chấm điểm dựa trên việc người học xác định và quản lí thất bại tốt như thế nào. Truyền đạt rõ ràng những kì vọng này giúp chuyển trọng tâm từ điểm số và sự hoàn hảo sang quá trình học tập và khám phá.

Đồng thời, khuyến khích sinh viên chia sẻ những thách thức và giải pháp với bạn bè, nhà giáo dục. Điều này thúc đẩy quan điểm đa dạng và phản hồi mang tính xây dựng, đồng thời đảm bảo rằng sự hỗ trợ đang diễn ra.

Những thách thức và biện pháp phòng ngừa cho các nhà giáo dục trong việc khen thưởng thất bại

Khi sử dụng phương pháp này, hãy chú ý đến quá trình kiểm tra đánh giá và phản hồi. Tác giả đề nghị rằng, để tránh việc người học có thể bị cám dỗ phóng đại những trở ngại của mình hoặc bịa ra giải pháp để giành phần thưởng hoặc tránh bị phạt, các nhà giáo dục nên truyền đạt rõ ràng các tiêu chí đánh giá và kì vọng đối với sự liêm chính trong học tập.

Coi thất bại như một con đường để học hỏi và thành công

Bằng cách dạy người học cách đối phó với thất bại và làm thế nào để thất bại một cách tốt đẹp, các nhà giáo dục không chỉ chuẩn bị cho họ những thách thức trong tương lai mà còn tạo ra văn hóa học hỏi, khám phá và kiên trì. Đây là một bài học quý giá vượt ra khỏi lớp học và đi vào thế giới, nơi thất bại và thành công đều là những thành phần thiết yếu và không thể tránh khỏi của sự trưởng thành và tiến bộ. Như cách tiếp cận này cho thấy, những thay đổi đơn giản đối với quy trình kiểm tra đánh giá và phản hồi có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ, trong đó thất bại được coi là cơ hội để phát triển và học hỏi.

Cuối cùng, khả năng thất bại tốt là một kĩ năng thiết yếu để thành công trong học thuật và hơn thế nữa. Nỗi sợ thất bại không nên cản trở việc học tập và phát triển của người học. Thay vào đó, bằng cách chấp nhận thất bại như một phần tự nhiên và cần thiết của quá trình học tập, đồng thời khen thưởng người học vì sự kiên trì của họ, các nhà giáo dục có thể tạo ra một môi trường trong đó người học được trao quyền để chấp nhận rủi ro, vượt qua ranh giới và phát huy hết tiềm năng của mình. Văn hóa học hỏi và khám phá sẽ chuẩn bị cho sinh viên không chỉ những thách thức trong học thuật mà còn cho những thách thức trong tương lai.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Nici Sweaney (2023). The power of failure: a case study to foster resilience in students. Times Higher Education (THE).

https://www.timeshighereducation.com/campus/power-failure-case-study-foster-resilience-students

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của thất bại trong học tập: Một nghiên cứu trường hợp nhằm thúc đẩy sự cố gắng ở sinh viên tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19