Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi: Cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc

Trong 2 ngày (26-27/4), đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã khảo sát và hướng dẫn Sở GDĐT tỉnh Thanh Hoá và các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 (Chương trình 1719).

Nắm bắt sát sao vướng mắc tại địa phương

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ GDDT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ GDĐT cho biết, việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 ở cơ sở còn một số khó khăn, lúng túng, tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ GDĐT với Sở GDĐT Thanh Hoá

Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, Bộ GDĐT đã nỗ lực nắm bắt sát sao thực tiễn triển khai tại các địa phương, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Tiểu dự án 1 - Dự án 5 Chương trình 1719. Cụ thể, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 1339/BGDĐT-GDDT ngày 30/3/2023 về việc hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 năm 2023 và điều chỉnh một số nội dung tại Công văn số 2184/BGDĐT-BGDDĐT ngày 26/5/2022.

Để thuận lợi trong việc theo dõi và tổ chức thực hiện, ngày 26/4/2023, Bộ GDĐT ban hành Công văn 1856/BGDĐT-GDDT hướng dẫn triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg (thay thế Công văn số 2184/BGDĐT-GDDT ngày 26/5/2022 của Bộ GDĐT), đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, kiến nghị trong thời gian qua của các địa phương.

Báo cáo về việc triển khai tại địa phương, ông Nguyễn Văn Dĩnh - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hoá cho biết: Tỉnh Thanh Hoá được Trung ương phân bổ 248.639 triệu đồng vốn đầu tư giai đoạn I. Sở GDĐT phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các công trình thực hiện trong giai đoạn.

Theo đó, có 39 dự án (10 trường phổ thông dân tộc nội trú, 29 trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú); xây mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống khối phòng phục vụ học tập, ăn, ở cho học sinh và giáo viên; các công trình nước sạch, hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù nguồn vốn được phân bổ sớm, chi tiết, rõ ràng, nhưng thực tế triển khai gặp nhiều vướng mắc, tiến độ chậm.

Một số kiến nghị được Sở GDĐT Thanh Hoá đề cập gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú; xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hoá Lê Minh Hành đề nghị Bộ GDĐT kiến nghị Trung ương sớm có hướng dẫn, điều chỉnh hoặc trả lời cụ thể các băn khoăn của địa phương. Về phía ngành Giáo dục địa phương, Sở GDĐT cần đề xuất, yêu cầu và phối hợp chặt chẽ để Ban Dân tộc có căn cứ tham mưu phân bổ kinh phí.

Đầu tư tập trung, không dàn trải, lựa chọn đúng đối tượng ưu tiên

Các thành viên trong đoàn công tác của Bộ GDĐT đã lắng nghe, ghi nhận và giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Phó Vụ trưởng Lê Như Xuyên phát biểu tại buổi làm việc

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ GDDT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 1719 của Bộ GDĐT nhận định, nhu cầu của địa phương rất lớn, từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến các hoạt động khác như nâng cao năng lực chất lượng dạy học của các trường chuyên biệt, công tác xoá mù chữ của địa phương. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ trung ương còn hạn hẹp. Vì vậy, địa phương cần tập trung thực hiện đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và của Bộ GDĐT: Đầu tư tập trung, không dàn trải, lựa chọn đúng đối tượng cần phải đầu tư, nhanh chóng khẩn trương hoàn thành các hạng mục đầu tư để đưa vào sử dụng và phát huy công năng. Nội dung, mục tiêu, quy trình, thủ tục phải đảm bảo quy định của pháp luật.

Văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT nhấn mạnh: Nguyên tắc đầu tư là các địa phương phải rà soát những điểm nóng, những cơ sở giáo dục thực sự cần để ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này, đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Trong thời gian tới, ông Lê Như Xuyên đề nghị tỉnh Thanh Hoá chú trọng công tác chuyên môn, đề ra giải pháp cụ thể để tích cực triển khai các hoạt động 2 và hoạt động 3 của Tiểu dự án 1 - Dự án 5.

Đối với hoạt động bồi dưỡng tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ, cần đặc biệt chú trọng cách thức tổ chức thực hiện. Sở GDĐT cần tổ chức cho cán bộ, giáo viên cốt cán đã được cử đi tham dự tập huấn của Bộ GDĐT tập huấn đại trà cho đội ngũ giáo viên các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú. Đồng thời, tổ chức biên soạn tài liệu phù hợp với đặc thù trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá.

Đoàn công tác khảo sát Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá được xây dựng từ năm 1991

Theo Phó Vụ trưởng Vụ GDDT, để khai thông công tác xoá mù chữ còn nhiều khó khăn, Sở GDĐT Thanh Hoá cần khẩn trương tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về nội dung và mức hỗ trợ cho công tác xoá mù chữ. Có thể tham khảo một số địa phương đã ban hành được Nghị quyết để có tham mưu phù hợp.

Đặc biệt, công tác quản lý của Sở GDĐT cần được phát huy, triển khai hình thức phù hợp, phối hợp với các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số để đánh giá thực trạng tình hình triển khai công tác xoá mù chữ, từ đó tìm kiếm giải pháp, làm căn cứ ban hành chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.

Nhắc lại một số chính sách mới về GDDT của Bộ, ông Lê Như Xuyên nhấn mạnh sự thay đổi, mở rộng mục tiêu, sứ mạng của trường phổ thông dân tộc nội trú là tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khuyến khích các em dân tộc thiểu số học tập và có năng lực để khởi nghiệp, trong tương lai là đầu tàu dẫn dắt, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Trước đó, đoàn công tác Bộ GDĐT đã khảo sát và hướng dẫn tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá. Nhà trường được thụ hưởng 3 công trình xây mới gồm: nhà ký túc xá học sinh, nhà học bộ môn và nhà hiệu bộ. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công vào tháng 6/2023. Đại diện lãnh đạo trường đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm bổ sung hạng mục đầu tư bức thiết khác cho nhà trường trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời có ý kiến chỉ đạo để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình tại trường.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi: Cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19