Vận dụng hiệu quả cách đánh giá PISA vào đổi mới giáo dục phổ thông

Ngày 27/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Tọa đàm “Hướng tiếp cận và kỹ thuật đánh giá kết quả học tập học sinh của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 điểm cầu địa phương trên toàn quốc.

Dự tọa đàm tại điểm cầu Bộ GDĐT có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT; đại diện các đơn vị liên quan, các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Quang cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Bộ GDĐT

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và tổ chức triển khai từ năm 2000. Mục tiêu tổng quát của PISA là đánh giá mức độ chuẩn bị để đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này của học sinh khi đến độ tuổi hoàn thành giai đoạn giáo dục bắt buộc (ở Việt Nam là hoàn thành Chương trình THCS).

Ngoài ra chương trình đánh giá PISA còn hướng vào các mục đích cụ thể, gồm: Đánh giá theo các mức độ đối với năng lực của học sinh ở độ tuổi 15 ở các lĩnh vực Toán học, Khoa học và Đọc hiểu; nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách đến kết quả học tập của học sinh; nghiên cứu hệ thống các điều kiện giảng dạy, học tập có ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh; so sánh kết quả giáo dục của các nước tham gia PISA; xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia và quốc tế; hỗ trợ các quốc gia thấy được sự phát triển giáo dục của quốc gia mình qua các chu kỳ đánh giá.

Việt Nam tổ chức triển khai PISA 4 chu kỳ là 2012, 2015, 2018 và 2022 với mục đích hội nhập quốc tế về giáo dục, so sánh “mặt bằng” giáo dục quốc gia với giáo dục quốc tế. Quốc gia triển khai PISA sẽ được OECD đưa ra kết quả phân tích, đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia.

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam chu kỳ 2022 cho biết: Việc tham gia PISA nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; học tập quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới về kỹ thuật và phương pháp đánh giá. Đưa ra cách tiếp cận mới về dạy - học, kiểm tra, thi và đánh giá.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Phạm Quốc Khánh phát biểu tại Tọa đàm

Việt Nam hiện đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Việt Nam tiếp tục tham gia PISA chu kỳ 2022 và các chu kỳ tiếp theo để đánh giá năng lực người học một cách bài bản, khoa học, sử dụng PISA để soi lại cách dạy học của Việt Nam xem đã thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế về giáo dục.

Tại tọa đàm các chuyên gia thuộc lĩnh vực đo lường, đánh giá, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên các trường đại học, thầy cô giáo ở trường phổ thông tại các địa phương đã tham gia tham luận, trao đổi về PISA, thảo luận, đề xuất, kiến nghị để vận dụng phù hợp PISA đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động giáo dục ở Việt Nam.

Kết quả của Tọa đàm lần này sẽ góp phần thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2030” của Bộ GDĐT trong thời gian tới.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Vận dụng hiệu quả cách đánh giá PISA vào đổi mới giáo dục phổ thông tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19